Dù rất nỗ lực, đến tối qua lực lượng cứu nạn mới tìm được thi thể 14 cán bộ, chiến sĩ trước khi phải tạm dừng vì đêm tối và mưa lớn.
Vụ việc xảy ra khi chỉ 5 ngày trước, 13 cán bộ, sĩ quan quân đội đang làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn Rào Trăng 3 đã hy sinh cũng do sạt lở đất, khiến cả nước bàng hoàng. Chưa bao giờ miền Trung chất chồng đau thương như những ngày vừa qua.
Ngày 18.10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có công điện về việc tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên-Huế) và tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 thuộc Quân khu 4 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo Quân khu 4 và các đơn vị liên quan khẩn trương tập trung mọi nguồn lực, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân còn đang bị mất liên lạc tại thủy điện Rào Trăng 3 và các cán bộ, chiến sĩ đang bị vùi lấp tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 bảo đảm nhanh nhất, khẩn trương nhất và an toàn cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Các bộ GTVT, Công an và UBND các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị huy động mọi phương tiện, nguồn lực phối hợp Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 nhanh chóng thông tuyến giao thông tại các khu vực trên để kịp thời đưa các phương tiện, máy móc phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn. Thủ tướng cũng lưu ý UBND Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và các địa phương liên quan tổ chức tốt việc thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người dân vùng lũ, nhất là các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ, gia đình cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, gia đình có người không may bị tử nạn, mất tích; khẩn trương thực hiện các chế độ, chính sách tốt nhất đối với các gia đình chính sách, gia đình người bị nạn trong khi thực thi nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, phòng chống thiên tai.
Chí Hiếu
|
Liên tục sạt lở đất núi
Suốt hôm qua, tại xã Hướng Phùng vẫn mưa lớn khiến lực lượng tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân là cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Đoàn 337, thuộc Quân khu 4) bị vùi lấp sâu trong đất đá núi sạt lở gặp nhiều khó khăn. Công tác tìm kiếm đã phải tạm dừng khi đêm sập xuống.
|
Cùng với đó, lực lượng khắc phục sự cố sạt lở đường cũng phải dừng công việc vì mưa lớn, nguy cơ sạt lở núi có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đe dọa an toàn tính mạng. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tối qua có nhiều người nhà của các nạn nhân tìm cách vào hiện trường và đã được Đoàn 337 hỗ trợ.
Theo Bộ Tư lệnh Quân khu 4, vụ sạt lở núi xảy ra tại Đoàn 337 (đóng quân trên địa bàn H.Hướng Hóa, Quảng Trị) lúc 1 giờ 5 ngày 18.10, khi trời đang mưa to, gió lớn. Sau tiếng nổ lớn thì bất ngờ ngọn núi phía nam của doanh trại bị sạt xuống, san lấp toàn bộ các khu vực nhà ăn, nhà bếp, nhà ở nuôi quân; nhà ở của bộ phận lái xe và nhiều khu vực lân cận. Rất may mắn, Trưởng phòng Tham mưu - kỹ thuật kịp thoát nạn đã báo tin đến các cấp chỉ huy, báo động toàn đơn vị nhanh chóng cơ động rời khỏi nơi ở. Lực lượng tại chỗ đã cứu hộ được 5 người và tiếp tục thực hiện tìm kiếm cứu nạn, nhưng do mưa lớn đã gây sạt lở thêm 3 lần nữa khiến công tác cứu nạn gặp vô vàn khó khăn.
Tốc lực cứu nạn
Nhận được tin báo, Bộ Tư lệnh Quân khu 4, H.Hướng Hóa thực hiện ngay các biện pháp ứng phó khẩn cấp trong đêm khuya.
Chỉ đạo công tác tìm kiếm các nạn nhân vào chiều qua, trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết lực lượng quân sự cùng địa phương đã cử các đơn vị chức năng triển khai theo 2 mũi. Thiếu tướng Hà Tân Tiến, Phó tư lệnh Quân khu 4, trực tiếp chỉ huy cứu hộ, cứu nạn những người mất tích, khắc phục hậu quả bên trong hiện trường trở ra. Trong khi đó, trung tướng Cương cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Trị chỉ huy khắc phục đường sá để đưa các phương tiện vào bên trong khu vực hiện trường núi sạt lở.
|
Tham gia chỉ đạo công tác mở đường vào hiện trường, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết các đơn vị đã nỗ lực thông đường cho lực lượng cứu hộ có thể đi bộ vào. Dự kiến sáng nay (19.10), đường bộ sẽ được thông xe để các phương tiện có thể chi viện cũng như đưa các thi thể ra ngoài.
Theo trung tướng Nguyễn Tân Cương, để tìm kiếm nhanh nhất có thể nạn nhân mất tích, các lực lượng thay phiên nhau làm việc nhưng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Trường hợp mưa lớn, có nguy cơ mất an toàn thì phải tạm dừng tìm kiếm. Hiện tại, ở hiện trường bộ đội đã thiết lập 2 chốt đặt ở trên cao nhằm cảnh báo sự cố sạt lở, lũ quét… Khi có dấu hiệu mất an toàn sẽ cho đánh kẻng để cảnh báo.
Có mặt tại sở chỉ huy tiền phương, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cũng yêu cầu các ngành chức năng địa phương hạn chế ô tô vào hiện trường khi không có nhiệm vụ cần thiết, đề phòng trường hợp xấu xảy ra.
Tính đến tối qua, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tìm thấy thi thể của 14 cán bộ, chiến sĩ trước khi phải tạm dừng do đêm tối, mưa lớn khiến nguy cơ mất an toàn cao.
PV Thanh Niên gặp lũ ống trên đường vào hiện trườngSáng 18.10, sau khi nhận được thông tin vụ sạt lở đất nơi đóng quân của Đoàn 337, tôi cùng nhóm phóng viên thường trú tại tỉnh Quảng Trị đã tức tốc cùng các chiến sĩ quân đội, ngành chức năng vào hiện trường để cập nhật thông tin công tác cứu nạn, cứu hộ. Khi cả nhóm băng bộ đến vị trí còn cách khu vực sạt lở khoảng 2 km thì gặp một đoạn đường sạt lở. Cả nhóm cố gắng để qua, thì một người hét lớn: “Chạy! Nhanh lên”. Lúc này, từ trên núi cao, đất đá theo dòng nước lũ ầm ầm đổ xuống.
Cả nhóm chúng tôi chỉ biết cắm đầu chạy khỏi khu vực xảy ra lũ ống. Một nhóm khoảng 4 phóng viên đã chạy vào phía hiện trường. Riêng tôi cùng một số chiến sĩ, cán bộ chạy ngược lại về phía bên ngoài. Chỉ chậm chân
5 giây thôi, có lẽ chúng tôi đã không thể nào tường thuật được công tác cứu nạn của lực lượng quân đội và các cơ quan chức năng. Rất may, cả nhóm phóng viên cùng các cán bộ đi cùng đã an toàn.
N.Phúc
|
Huy động không quân, máy bay không người lái tìm công nhân mất tích ở Rào TrăngBáo cáo với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc bàn về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại khu vực sông thủy điện Rào Trăng hôm qua 18.10, thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng QĐND VN, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết Bộ Tổng tham mưu đã yêu cầu các quân khu, đơn vị trong toàn quân sẵn sàng huy động, đồng thời chú trọng kiểm tra, bảo vệ an toàn cho cán bộ, chiến sĩ, công trình, doanh trại.
Tại thủy điện Rào Trăng 3, Bộ Quốc phòng đã yêu cầu sẵn sàng lực lượng dự bị để thay thế, bổ sung khi cần thiết. “Trong những ngày tới, khi thời tiết thuận lợi hơn sẽ huy động cả không quân, máy bay không người lái, các phương tiện hiện đại khác để quyết tâm cứu hộ, cứu nạn”, thượng tướng Phan Văn Giang nói.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cũng khẳng định dù mưa lũ còn tiếp diễn, các lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tiếp cận nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4 bằng đường thủy để hỗ trợ lương thực, tìm kiếm những người mất tích (còn 15 công nhân mất tích); đồng thời huy động các phương tiện máy móc, trang thiết bị, nhân lực để khẩn trương thông đường vào các thủy điện…
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý trước hết phải tập trung để tìm kiếm, cứu nạn những người còn mất tích càng sớm càng tốt. Đây là nhiệm vụ hàng đầu của các lực lượng tìm kiếm cứu nạn, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt… “Hậu quả nặng nề của mưa lũ tại Thừa Thiên-Huế còn chưa khắc phục xong, rạng sáng 18.10 đã xảy ra sạt lở đất vùi lấp 22 cán bộ, chiến sĩ quân đội tại H.Hướng Hóa, Quảng Trị. Tình hình rất nghiêm trọng, khẩn trương”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ với những đau thương, mất mát của gia đình các nạn nhân thiệt mạng do mưa lũ, trong đó có các cán bộ, chỉ huy, chiến sĩ trong quân đội.
Bùi Ngọc Long
|
Danh sách 22 cán bộ, chiến sĩ mất tích do lở đất1. Lê Hương Trà (36 tuổi, quê Hà Tĩnh) - Trung úy Quân nhân chuyên nghiệp
2. Trần Văn Toàn (37 tuổi, quê Nghệ An) - Trung úy Quân nhân chuyên nghiệp
3. Nguyễn Văn Thu (36 tuổi, quê Nghệ An) - Trung úy Quân nhân chuyên nghiệp
4. Lê Đức Thiện (40 tuổi, quê Thanh Hóa) - Thượng úy
5. Trần Quốc Dũng (36 tuổi, quê Hà Tĩnh) - Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp
6. Lê Cao Cường (37 tuổi, quê Nghệ An) - Trung úy Quân nhân chuyên nghiệp
7. Nguyễn Cao Cường (43 tuổi, quê Hà Tĩnh) - Thiếu tá
8. Nguyễn Cảnh Trung (42 tuổi, quê Nghệ An) - Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp
9. Bùi Đình Toàn (50 tuổi, quê Nghệ An) - Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp
10. Ngô Bá Văn (36 tuổi, quê Hà Tĩnh) - Trung úy Quân nhân chuyên nghiệp
11. Lê Văn Quế (49 tuổi, quê Quảng Trị) - Thượng tá
12. Lê Đức Hải (31 tuổi, quê Quảng Bình) - Trung úy
13. Phùng Thanh Tùng (41 tuổi, quê Nghệ An) - Thiếu tá
14. Phạm Ngọc Quyết (43 tuổi, quê Quảng Trị) - Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp
15. Cao Văn Thắng (23 tuổi, quê Hà Tĩnh) - chiến sĩ
16. Lê Tuấn Anh (20 tuổi, quê Quảng Trị) - chiến sĩ
17. Nguyễn Anh Duy (quê Nghệ An) - chiến sĩ
18. Phạm Văn Thái (20 tuổi, quê Quảng Bình) - chiến sĩ
19. Hồ Văn Nguyên (22 tuổi, quê Quảng Trị) - chiến sĩ
20. Lê Sỹ Siêu (quê Hà Tĩnh) - chiến sĩ
21. Lê Thế Linh (quê Quảng Trị) - chiến sĩ
22. Nguyễn Quang Sơn (quê Nghệ An) - chiến sĩ.
|
Bình luận (0)