Hôm qua 18.10, Nhà tang lễ của Bệnh viện Quân y 268 (TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) có một ngày đẫm nước mắt trong lễ viếng, lễ truy điệu và tiễn đưa linh cữu 13 liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ sạt lở tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên-Huế) 13 chiếc quan tài phủ quốc kỳ đỏ thắm với bàn thờ, di ảnh trang nghiêm. Các anh nằm đó, yên lặng, bên đồng đội và người thân trắng vành khăn tang.
“Vì nhân dân chúng ta phải làm”
Nhiều người bồi hồi nhớ lại những hình ảnh cuối cùng khi các cán bộ, sĩ quan quân đội dầm mưa trong rừng, băng qua ngầm tràn rồi ngồi đốt lửa hong khô áo quần lúc nghỉ tạm qua đêm trong nhà bảo vệ rừng của tiểu khu 67, rừng đầu nguồn sông Bồ. Có tiếng cười và câu nói cuối cùng của thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4: “Việc thì gấp, vì nhiệm vụ, vì nhân dân chúng ta phải làm”. Vậy mà...
|
Lễ viếng bắt đầu từ 7 giờ sáng. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn viếng của Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban MTTQ Việt Nam. Trong sổ tang, Phó thủ tướng viết: “... Noi gương các đồng chí, đồng chí, đồng đội của các đồng chí đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ các đồng chí để lại... Xin vĩnh biệt những người con dũng cảm của Tổ quốc Việt Nam”.
Nhòa lệ tiếc thương
Trước thời điểm diễn ra lễ viếng, thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã có buổi gặp mặt chia buồn, động viên thân nhân 13 liệt sĩ. Ít phút trò chuyện, thượng tướng Phan Văn Giang đã phải dừng nhiều lần vì nghẹn ngào. Mắt ông nhòa lệ mỗi khi nhắc đến nỗi đau và mất mát lớn. Nỗi đau càng dồn dập với các chiến sĩ và thân nhân khi nhận tin một sự cố sạt lở núi khác xảy ra ở Quảng Trị vùi lấp hơn 20 cán bộ, chiến sĩ.
|
Khi con gái đầu lòng của đại úy quân nhân chuyên nghiệp Trương Anh Quốc (Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế, ở xã Phong Hiền, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) đến bên quan tài của bố, thỏ thẻ: “Bố ơi, con tạm biệt bố nhé!”, rất nhiều người xung quanh không nén được xúc động, bật khóc thành tiếng.
Chị Đinh Thị Thủy cùng hơn 20 người thân từ P.Bến Thủy, TP.Vinh (Nghệ An) cũng kịp đến tiễn biệt người em trai là liệt sĩ Đinh Văn Trung (Đài trưởng 15W, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4). Chị Thủy kể liệt sĩ Đinh Văn Trung là người ít nói, ít thổ lộ tình cảm, nhưng lại là người chăm lo cho gia đình rất chu đáo mỗi khi có dịp về thăm nhà. Không ai ngờ bữa cơm anh nấu cho cả gia đình trước ngày vào Thừa Thiên-Huế tham gia phòng chống lũ lụt lại là bữa cơm đoàn tụ cuối cùng...
Còn người mẹ già gần 90 tuổi của liệt sĩ Nguyễn Văn Bình (nguyên Chủ tịch UBND H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) thì ngã quỵ bên hành lang nhà tang lễ. Đau xót vì mất đi người con trai duy nhất, cụ nói trong nước mắt: “Khi mô nhắc đến chuyện lo việc nhà, thằng Bình đều nói “con phải chiến đấu đã”...
Đến viếng 13 liệt sĩ có các đoàn đại biểu Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban MTTQ Việt Nam; Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Công an T.Ư, Bộ Công an; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các bộ, ban, ngành, quân khu, tỉnh, thành... Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi vòng hoa kính viếng.
Đọc điếu văn tại lễ truy điệu, trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Phó bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân khu 4, đã ôn lại tiểu sử, quá trình công tác, phấn đấu, cống hiến và hy sinh của từng liệt sĩ - những cán bộ sĩ quan cao cấp dày dạn kinh nghiệm, có nhiều chiến công. Trong số đó có thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ - cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu), “người hùng” chỉ huy giải cứu thành công 12 người bị mắc kẹt trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng năm 2014...
|
Bình luận (0)