Ngay trong Tết Nguyên đán, tiếng máy ra quân thi công đã rộn ràng trên đại công trường cao tốc Bắc - Nam. Tại đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng (Hà Tĩnh) từ mùng 5 tết, đồng loạt các mũi thi công với khoảng 800 đầu máy, thiết bị tại dự án đã quay trở lại nhịp làm việc như ngày thường, bù lại tiến độ bị ảnh hưởng do bất lợi thời tiết lớn trong năm ngoái.
Ông Vũ Đức Nhận, Phó tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành, nhà thầu thi công gần 25 km tuyến chính thuộc gói thầu XL2 dự án cao tốc đoạn Vũng Áng - Bùng (qua địa phận 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình), cho biết từ mùng 6 tết, kỹ sư, công nhân đã có mặt đầy đủ tại công trường. Sản lượng thi công đến nay đạt khoảng 29% giá trị hợp đồng, vượt 2% so với kế hoạch. Mục tiêu trong năm 2024 là nâng sản lượng thi công lên 75% gói thầu, đưa dự án về đích đúng tiến độ yêu cầu.
Năm 2024, cả nước dành 657.000 tỉ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông với mục tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%. Dành 2 ngày mùng 3 và mùng 4 tết (12 - 13.2) để thị sát các dự án giao thông trọng điểm từ bắc vào nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thúc giục tiến độ với quyết tâm 2024 là năm tăng tốc các dự án cao tốc, sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất, không để chậm trễ hơn nữa 2 dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM…
Dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất dù mới khởi công từ tháng 8.2023, xong tới nay đã đạt 50% khối lượng phần thô, dự kiến sẽ hoàn thành ngày 19.5.2025. Song, Thủ tướng yêu cầu phải nhanh, nhanh hơn nữa, tăng tốc tiến độ để hoàn thành vào ngày 30.4, đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước.
Nối thông cao tốc từ Hà Nội vào Vinh
Tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 Bãi Vọt - Hàm Nghi, ông Đinh Công Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư dự án), cho biết tuyến có tổng chiều dài 35,2 km, tổng mức đầu tư 7.643,57 tỉ đồng. Lũy kế sản lượng đến nay đạt 1.203 tỉ đồng, khoảng 24,68% hợp đồng. Thời điểm bắt đầu triển khai dự án, do đi qua phần lớn diện tích đất trũng nên việc thi công gặp khó khăn do thiếu đất đắp.
Từ tháng 9.2023, khi tỉnh Hà Tĩnh cấp các mỏ đất san lấp cho các nhà thầu, tiến độ thi công đã có chuyển biến hơn. Hiện công tác giải phóng mặt bằng cũng như mỏ vật liệu đảm bảo. Các nhà thầu cũng cam kết rút ngắn tiến độ 6 tháng so với hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư, về đích vào dịp 30.4.2025.
Riêng tại Nghệ An, Hà Tĩnh đang có 6 mũi thi công của 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam cả hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2017 - 2020 có dự án Diễn Châu (Nghệ An) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đầu tư theo hình thức BOT đang chậm tiến độ. Bộ GTVT đã phải điều chỉnh tiến độ dự án này 4 lần do nhiều khó khăn, song đến nay vẫn đang chậm so với lần điều chỉnh cuối là các gói thầu xây lắp phải hoàn thành vào tháng 5.2024. Trong đó, khoảng 6 km nền đường vẫn phải chờ lún mới đủ thời gian dỡ tải, thi công. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu chủ đầu tư phấn đấu hoàn thành cơ bản cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt vào 30.4, cơ bản nối thông cao tốc từ Hà Nội đến Vinh (Nghệ An).
Năm 2024, metro số 2 ở TP.HCM sẽ được thực hiện tới đâu?
Ngoài ra, 5 dự án thành phần giai đoạn 2021 - 2025 từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị) dài 259 km, tổng mức đầu tư hơn 49.207 tỉ đồng, triển khai thi công từ tháng 1.2023, dự kiến hoàn thành năm 2025. Theo báo cáo của Bộ GTVT, diện tích mặt bằng đã bàn giao đến nay đạt 94% nhưng mới tổ chức thi công được trên phạm vi khoảng 210/226,6 km, đạt 93%. Trong đó, Hà Tĩnh có tỷ lệ mặt bằng bàn giao đủ điều kiện thi công cao, đạt 99%. Tỉnh Quảng Bình công tác bàn giao mặt bằng còn chậm, đạt 88%. Phần mặt bằng còn lại chủ yếu là đất thổ cư, thủ tục di dời phức tạp và các công trình hạ tầng kỹ thuật, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị.
Cấp thiết mở rộng cao tốc 4 làn
Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thi công, việc khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập của các tuyến đường đang khai thác cũng là điều rất cấp thiết. Vụ tai nạn khi xe ô tô con vượt phải xe container trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn khiến 3 người tử vong hôm qua cho thấy hàng loạt rủi ro tiềm ẩn về an toàn trên đoạn tuyến cao tốc 2 làn xe, không có dải phân cách giữa.
Từ giữa năm ngoái, UBND tỉnh Quảng Trị đã đề nghị sớm đầu tư mở rộng từ 2 làn xe lên 4 làn xe. Cao tốc La Sơn - Túy Loan nối Thừa Thiên-Huế - Đà Nẵng khai thác đầu năm 2022 cũng chỉ có quy mô 2 làn xe, nền đường 12 m, không có dải phân cách giữa.
Mục tiêu xây dựng 3.000 km tới năm 2025 và 5.000 km cao tốc tới năm 2030 là hoàn toàn cần thiết, tạo mạng lưới giao thông thông suốt, thúc đẩy du lịch, mở ra các động lực mới phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai các dự án vừa qua cho thấy còn những bài học Bộ GTVT phải rút kinh nghiệm để triển khai các dự án mới.
Cuối năm 2023, Bộ GTVT đã đề xuất Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư mở rộng La Sơn - Hòa Liên lên 4 làn xe hoàn chỉnh, cơ bản hoàn thành năm 2025. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án cho biết sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 3.011 tỉ đồng, bố trí từ nguồn ngân sách T.Ư. Do tính chất quan trọng của dự án, Bộ GTVT dự kiến chuẩn bị dự án trong năm 2023 - 2024, thi công xây dựng từ năm 2024 và cơ bản hoàn thành vào năm 2025.
Trên thực tế, nhiều tuyến cao tốc khác ngay khi mới khai thác đã xuất hiện tình trạng mãn tải, cần được nâng cấp mở rộng. Trong đó, cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn (Ninh Bình) khai thác tháng 2.2022, tuy nhiên quy mô 4 làn xe hạn chế không đáp ứng được lưu lượng xe rất lớn. Do đó, Ban Quản lý dự án Thăng Long, chủ đầu tư dự án cũng đã trình Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư mở rộng cao tốc này từ 4 làn xe hạn chế lên 6 làn xe hoàn chỉnh. Nếu được chấp thuận, sẽ triển khai trong giai đoạn 2024 - 2027.
Tương tự, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) do thi công kéo dài gần 10 năm, nên ngay sau khi đưa vào khai thác (tháng 8.2022) đã có dấu hiệu mãn tải, thường xuyên ùn tắc vào giai đoạn cao điểm, mất an toàn giao thông. Tuyến đường dài 51 km huyết mạch để nối thông cao tốc từ TP.HCM xuống các tỉnh miền Tây này mới chỉ được đầu tư 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp mà chỉ bố trí 11 điểm dừng khẩn cấp. Nhiều xe khi gặp sự cố không tới được điểm dừng, dẫn tới ùn tắc và mất an toàn giao thông trên tuyến.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, mục tiêu xây dựng 3.000 km tới năm 2025 và 5.000 km cao tốc tới năm 2030 là hoàn toàn cần thiết, tạo mạng lưới giao thông thông suốt, thúc đẩy du lịch, mở ra các động lực mới phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai các dự án vừa qua cho thấy còn những bài học Bộ GTVT phải rút kinh nghiệm để triển khai các dự án mới.
Đơn cử các đoạn cao tốc mới khai thác, chưa hết thời gian bảo hành đã phải chuẩn bị mở rộng, cho thấy việc lập quy hoạch, công tác dự báo lưu lượng xe và thẩm định dự án còn hạn chế. Việc phân kỳ đầu tư về bản chất do phải cân đối nguồn lực, song thực tế các đoạn tuyến phân kỳ 2 làn xe hoặc 4 làn hạn chế, thiếu làn dừng khẩn cấp đều đã bộc lộ bất cập, gây mất an toàn giao thông và cấp thiết phải mở rộng sớm.
Không để metro kéo dài, đội vốn thêm
Ban QLDA đường sắt đô thị Hà Nội cho biết hiện dự án Nhổn - ga Hà Nội đạt tiến độ tổng thể khoảng hơn 77%, trong đó đoạn trên cao Nhổn - Kim Mã đã đạt 99,7%; dự kiến vận hành tháng 6.2024. Với đoạn ngầm hiện đạt tiến độ khoảng 40%, nhà thầu đang tập trung đẩy nhanh thi công kết cấu các ga ngầm để sớm khởi động thi công máy khoan hầm trong quý 2/2024.
Ga ngầm S12 đang là nút thắt tiến độ của dự án, nếu chậm sẽ kéo cả dự án chậm theo. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc nhở chủ đầu tư, nhà thầu "không để tiếp tục kéo dài, bởi càng kéo dài thì càng đội vốn, hiệu quả đầu tư thấp".
Dự kiến, Hà Nội và TP.HCM sẽ vận hành đoạn tuyến Nhổn - ga Hà Nội trên cao và Bến Thành - Suối Tiên vào tháng 7.2024.
Đã khai thác gần 1.900 km cao tốc
Báo cáo của Bộ GTVT cho biết, hiện nay cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải tại 46 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Trong đó có 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng không, còn lại chủ yếu là đường bộ cao tốc và các đường vành đai Hà Nội, TP.HCM. Dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông đã hoàn thành 9/11 dự án thành phần giai đoạn 2017 - 2020 và dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ theo đúng kế hoạch, nâng tổng số đường cao tốc lên 1.892 km, trong đó riêng năm 2023 là 475 km.
Với 5 dự án đường bộ cao tốc trục Đông - Tây và đường vành đai, tiến độ triển khai còn chậm, trừ một số gói thầu do TP.HCM và Long An (đường Vành đai 3), Hà Nội (đường Vành đai 4), Bà Rịa-Vũng Tàu (đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu), Đắk Lắk và Khánh Hòa (cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột) làm cơ quan chủ quản triển khai cơ bản đáp ứng kế hoạch. Các dự án cao tốc khác như Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Hà Giang; Cao Lãnh - An Hữu; Bến Lức - Long Thành đang được các chủ đầu tư, nhà thầu triển khai bám sát tiến độ đề ra.
Khẩn cấp xây trạm dừng nghỉ
Sự việc người dân phá rào cao tốc làm nhà vệ sinh 0 đồng trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết là minh chứng cho thấy những bất cập trong việc chậm triển khai xây dựng các trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác hiện nay. Hiện Bộ GTVT đã phê duyệt 2 trạm dừng nghỉ trên tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết, tuy nhiên dự án vẫn chưa khởi công. Hai tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã thông xe, quãng đường từ TP.HCM đến Vĩnh Hảo dài 250 km nhưng trên cả tuyến chỉ có một trạm dừng trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (cao tốc Long Thành).
Theo danh sách công bố của Cục Đường cao tốc (Bộ GTVT), dự kiến sẽ có 8 trạm dừng nghỉ thuộc 7 dự án cao tốc Bắc - Nam được xây dựng trong thời gian tới gồm cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nghi Sơn - Diễn Châu và Mai Sơn - QL45. Ngoài ra, Quảng Ninh cũng dự kiến sẽ khởi công trạm dừng nghỉ đầu tiên trên cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái dài trên 176 km trong tháng 2.
Bình luận (0)