Rút ngắn thời gian so với các nước
Từ cuối năm 2018, cụm từ “ make in Vietnam” được Bộ TT-TT và Thủ tướng Chính phủ đề cập đến nhiều lần tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ Việt Nam năm 2019. Qua đó, thể hiện tham vọng của Việt Nam không chỉ là sản phẩm được tạo ra tại Việt Nam (Made in Vietnam) mà muốn DN có sự chuyển biến mạnh mẽ, chuyển từ giai đoạn chỉ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế và chủ động việc sản xuất tại Việt Nam.
Thế nhưng, đại dịch Covid-19 năm 2020 đã làm gián đoạn khát vọng “made in Vietnam”. Nhiều ý kiến cho thấy, năm 2021 sẽ là năm bứt phá, đẩy mạnh cơ hội đầu tư và phát triển sản phẩm “làm tại Việt Nam” nhanh hơn cho Việt Nam. Chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn RBNC, phụ trách thị trường Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương nhận định, nên đề cập đến sản phẩm “made in Vietnam” với nội hàm rộng hơn, cho nhiều sản phẩm, không gói trong giấc mơ chỉ công nghệ số. Lúc này đây, Việt Nam nên tận dụng tối đa việc khống chế tốt dịch Covid-19 để đẩy mạnh phát triển sản phẩm “made in Vietnam” nhanh hơn.
Các nước như Ấn Độ, Trung Quốc... trước đây mất 10 - 30 năm để học tập và nhận chuyển giao công nghệ, để có thể phát minh ra những thứ mới mẻ. Nhưng Việt Nam không thể làm theo cách của họ mà phải tăng tốc gấp 3, gấp 5 lần để rút ngắn giai đoạn phát triển.
Chiến dịch “make in...” được khởi xướng ở Ấn Độ năm 2014 với mục tiêu phát triển các sản phẩm nội địa và chuyển Ấn Độ thành một trung tâm sản xuất toàn cầu và nó đã “hô biến” Ấn Độ thành công chỉ sau đó vài năm. Cuối năm 2017, tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nhân toàn cầu do Mỹ và Ấn Độ tổ chức tại bang Hyderabad (Ấn Độ), Thủ tướng nước chủ nhà, ông Narendra Modi đã nhấn mạnh chiến lược “make in India” sẽ thành công vì Ấn Độ trước đó đã “có những bước chuẩn bị hạ tầng” rất chu đáo để đón “đại bàng” các nước đến đầu tư, chuyển giao công nghệ và cùng Ấn Độ lớn mạnh. Cũng trong năm 2017, Ấn Độ trở thành “công xưởng” lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc trong sản xuất nhóm hàng điện thoại thông minh.
Sau Ấn Độ, năm 2015, Trung Quốc cũng đưa ra chiến lược “made in China 2025” với mục tiêu nâng cấp toàn diện nền công nghiệp, tập trung công nghệ cao. Cụ thể, đến năm 2025 phải tăng được tỷ lệ nội địa lên 70% đối với các ngành công nghiệp trọng yếu. Thế nhưng theo ông Robert Trần: “Muốn “made in Vietnam” thành công, Việt Nam không nên tham vọng thế chân Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà phải làm khác, vì Trung Quốc cho dù bị suy thoái kinh tế vì Covid-19 thì vẫn là công xưởng thế giới với diện tích đất rộng lớn và lực lượng lao động dồi dào”.
Dược, cơ khí, công nghệ thông tin...
Cho rằng Việt Nam nên đẩy mạnh tăng tốc mảng cơ khí, công nghệ thông tin và sản xuất dược phẩm để biến khát vọng “made in Vietnam” thành hiện lực, ông Robert Trần phân tích không phải cứ “có nghề” trong một lĩnh vực nào đó mới bắt tay thực hiện sản phẩm của mình, quan trọng là có tiền đầu tư và nhà nước phải “lùi” một bước cho DN tư nhân thực hiện và Chính phủ phải bảo vệ được DN của mình như cách của Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia đã áp dụng. “Vingroup “tay ngang” tham gia vào lĩnh vực điện thoại, ô tô và thành công, như cách Hyundai ở Hàn Quốc làm trước đây. Chỉ cần có tiền và đầu tư với cái tâm và niềm đam mê của mình, vì một Việt Nam lớn mạnh, sẽ thành công. Với ngành dược cũng vậy, nếu chúng ta điều chỉnh được quy định ràng buộc các hãng dược thế giới muốn bán hàng vào Việt Nam phải kết hợp với DN trong nước hoặc xây nhà máy hoặc Việt Nam xây sẵn để cho thuê thì hay hơn là nhập thuốc và rất lâu mới có hàng tân dược “made in Việt Nam”. Hiện cái Việt Nam khó nhất là thiếu khu công nghệ cao lớn, có hạ tầng sẵn sàng để thu hút các nhà đầu tư nội địa và nước ngoài ở các lĩnh vực dược, công nghệ thông tin, cơ khí...”, ông Robert Trần nhận xét.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí TP.HCM, cho rằng muốn có sản phẩm “made in Vietnam” đúng nghĩa chỉ thực hiện được nếu chính sách từ trên xuống dưới nhất quán, đồng bộ tối đa. “Hưởng ứng chiến lược phát triển công nghệ phụ trợ của TP.HCM, rất nhiều DN ngành cơ khí TP tăng tốc đầu tư làm nhà máy với mong muốn được tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn công nghệ nước ngoài vào Việt Nam đầu tư. Thế nhưng sau thời gian dài được giao đất trong khu công nghiệp công nghệ cao thì đến nay, 3 năm vẫn chưa xin được giấy phép để xây dựng. Khâu nào cũng chậm, mảng nào cũng chậm, làm sao DN tăng tốc để về đích sớm được?”, ông Tống đặt vấn đề.
Đại diện một DN cơ khí tại TP.HCM đầu tư dự án 150 tỉ đồng trong giai đoạn 1 để làm nhà máy sản xuất một số chi tiết và khuôn đúc cung ứng cho DN đầu tư nước ngoài và xuất khẩu cũng cho biết, riêng về vay vốn từ tổ chức tài chính mà TP giới thiệu là sẽ hỗ trợ DN vay xây dựng nhà máy thì đến nay, DN sản xuất không thể tiếp cận được. “Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) hỗ trợ cho vay với các dự án này, nhưng hồ sơ gửi đến xin vay với đủ loại thủ tục lại bị từ chối vì tổ chức tín dụng này chuyên cho vay DN làm mảng y tế, xã hội, họ không quen mảng sản xuất. Theo tôi nghĩ, họ từ chối vì có thể không thẩm định được dự án, chứ nếu đã nói hỗ trợ DN thì mọi thủ tục phải như nhau”, đại diện DN này cho biết.
Bình luận (0)