Những chiếc máy người Việt từ lâu… ao ước
Những ngày qua, trên các diễn đàn hàng không xôn xao truyền nhau hình ảnh hệ thống máy quét hộ chiếu tự động (scan passport) được lắp đặt tại nhà ga quốc tế, sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Đây là những chiếc máy đã quá quen thuộc với những người thường xuyên du lịch hoặc công tác đến Singapore và các nước châu Âu, châu Mỹ. Theo đó, hành khách khi xuất hoặc nhập cảnh có thể dễ dàng scan trang đầu hộ chiếu gắn chip, chụp hình nhận dạng trước camera rồi nhanh chóng đi qua cổng tự động để đi nước ngoài hay trở về nước. Không có dấu mộc nào đóng trên passport vì tất cả đều được quản lý bằng hệ thống máy tính. Họ không cần gặp nhân viên sân bay, xuất trình giấy tờ, không phải trả lời đi đâu hay từ đâu đến, ở bao nhiêu ngày, mục đích chuyến đi…
"Người VN xuất/nhập cảnh thường phải xếp hàng dài ở sân bay nước mình để chờ đóng dấu. Chỉ cần qua Singapore, cả hai chiều nhập và xuất, bạn không cần gặp an ninh nào để chờ đóng dấu gì. Scan passport, nhìn vào màn hình nhận diện khuôn mặt, bấm vân tay, xong! Ao ước mãi mà sao Tân Sơn Nhất lắp đặt rồi vẫn chưa triển khai?", một hành khách thường xuyên đi máy bay thắc mắc.
Trao đổi với Thanh Niên chiều 7.5, lãnh đạo công an Cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất, xác nhận hệ thống scan passport nhập khẩu từ châu Âu đã được lắp đặt tại ga quốc tế Tân Sơn Nhất từ hồi đầu năm, theo đề án của Cục Xuất nhập cảnh VN triển khai từ cuối năm 2022 đồng bộ trên toàn quốc. Tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã được lắp đặt 10 máy quét hộ chiếu, trong đó có 5 máy phục vụ khách xuất cảnh và 5 máy cho khách nhập cảnh. Công năng, cách sử dụng của hệ thống này cũng tưng tự các máy scan passport của nhiều nước, với tốc độ xử lý thông tin có thể chỉ mất từ 10 - 20 giây/hành khách, giúp giảm tải nhiều thời gian xử lý quy trình kiểm tra an ninh.
Bước đầu, scan passport chỉ áp dụng cho công dân mang hộ chiếu VN. Nghĩa là người mang hộ chiếu VN sẽ có làn xuất/nhập cảnh riêng tại sân bay Tân Sơn Nhất. Với đối tượng người dân đã có hộ chiếu điện tử gắn chip có thể được áp dụng thử nghiệm ngay, nhưng với những người chưa có hộ chiếu điện tử gắn chip thì sẽ phải đăng ký thủ công tại sân bay. Cụ thể, hành khách muốn sử dụng scan passport, trong lần đầu xuất hoặc nhập cảnh sẽ phải đăng ký dấu vân tay và một số thông tin cá nhân khác tại khu vực kiểm tra an ninh cửa khẩu để đồng bộ với Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC).
"Hệ thống scan passport đã hoàn thành phần lắp đặt, đang chờ hoàn thiện hệ thống đường truyền, tích hợp đồng bộ các dữ liệu với hệ thống hộ chiếu điện tử gắn chip. Cục Xuất nhập cảnh đang phối hợp với các đơn vị để triển khai đưa vào sử dụng sớm nhất trong thời gian tới", vị này thông tin thêm.
Hệ thống scan passport được triển khai kỳ vọng sẽ tiết kiệm thời gian, giảm tình trạng ùn tắc, đặc biệt trong những giai đoạn cao điểm tại sân bay lớn nhất nước.
Làm thủ tục xuất nhập cảnh tự động, xóa ùn tắc tại sân bay
Giảm ùn tắc, tăng trải nghiệm của hành khách
Mới đây, Cục Hàng không VN cũng có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị trong ngành hàng không về việc triển khai thực hiện sử dụng thông tin, giấy tờ tích hợp trên ứng dụng VNeID theo hướng dẫn của Bộ Công an. Theo đó, để bảo đảm xác thực tính chính xác khi công dân sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trong các hoạt động, giao dịch điện tử thay thế giấy tờ, tài liệu đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID, Bộ Công an thông báo đã cập nhật tính năng kiểm tra thông tin, giấy tờ tích hợp trên ứng dụng khi thực hiện thủ tục hành chính. Đây là bước chỉ đạo tiếp theo để tiến tới việc người dân khi đi máy bay có thể dùng ứng dụng VNeID thay cho giấy tờ tùy thân.
Trước đó, từ ngày 17.4, sân bay Nội Bài (Hà Nội) và Cát Bi (Hải Phòng) đã triển khai thí điểm ứng dụng CCCD gắn chip và giải pháp xác thực khuôn mặt hành khách (nhận diện khuôn mặt) để làm thủ tục đi máy bay nội địa, với sự tham gia của Hãng hàng không Bamboo Airways. Đại diện Cục Hàng không VN cho biết quy trình hiện nay là hành khách qua cửa an ninh sẽ đưa CCCD gắn chip qua máy quét, đồng thời hướng mặt về phía camera chuyên dụng. Camera quét nhận diện khuôn mặt của khách và đối chiếu với thông tin thu được từ trong kho CSDLQGVDC (hiển thị trên CCCD gắn chip). Thông tin khớp thì cửa sẽ tự động mở; nếu một trong các thông tin không trùng khớp hoặc tên của hành khách trùng với danh sách cấm bay/hoặc cần phải kiểm tra trực quan, nhân viên an ninh sẽ thực hiện quy trình kiểm tra theo quy định. Thay vì trước đây phải có con người nhìn vào, kiểm tra giấy tờ thì hiện nay công việc này do máy làm. Đến ngày 17.5 kết thúc thí điểm, Bộ GTVT sẽ có tổng kết và hướng dẫn tiếp theo để lên phương án triển khai chính thức.
"Quan trọng nhất hiện nay là phải mang tính đồng bộ toàn trình với vấn đề dữ liệu trong thẻ CCCD. Khi đó, hành khách sau khi làm xong thủ tục check-in tại quầy của hãng thì khuôn mặt và toàn bộ thông tin sẽ được hệ thống ghi nhận tạo thành danh tính số. Hành khách đi tới bất cứ chỗ nào cần làm thủ tục kiểm tra an ninh thì camera hoặc máy đọc vân tay sẽ tiếp nhận và mở cho qua luôn, không cần đưa giấy tờ nhiều lần. Nhìn chung, nếu được áp dụng thì việc tự động hóa các thủ tục sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian cho hành khách, giảm tình trạng xếp hàng, ùn tắc tại các sân bay, đặc biệt trong những giai đoạn cao điểm. Trải nghiệm của cả người dân cũng như du khách nước ngoài khi tới VN sẽ được nâng cao rất nhiều", đại diện Cục Hàng không VN đánh giá.
Theo số liệu từ Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, dịp cao điểm lễ 30.4 - 1.5 vừa qua, cảng phục vụ gần 200.000 lượt khách quốc tế, trong đó có 109.368 khách đến và 89.234 khách đi. Dù chưa bằng tổng lượng khách quốc tế cùng kỳ năm 2019 nhưng lượng khách cao điểm lễ vừa qua cao hơn nhiều lần so cùng kỳ ba năm từ 2020 - 2022 cộng lại. Trước khi chưa bùng phát dịch Covid-19, năm 2019, sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ 270.970 lượt khách quốc tế. Trong các ngày cao điểm lễ, bình quân mỗi ngày có 40.000 - 45.000 lượt khách quốc tế đi/đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Bình luận (0)