'Tăng trưởng 2 con số, phải cách mạng chuyển đổi số'

15/01/2025 18:06 GMT+7

Cuộc cách mạng chuyển đổi số sẽ đóng góp ý nghĩa rất lớn trong thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế, trong đó có mục tiêu tăng trưởng 2 con số.

Nhận định trên được bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - CIEM), nêu tại tọa đàm "Chuyển đổi số động lực cho tăng trưởng" do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 15.1.

Theo bà Thảo, Việt Nam phấn đấu mục tiêu tăng trưởng 2 con số thì không thể sử dụng cách làm cũ mà cần những cách làm mới. Chuyển đổi số sẽ là một trong những nhóm giải pháp quan trọng nhất.

Đề cập đến tầm quan trọng của Nghị quyết 57, bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia chính sách công của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP), Quản lý dự án PAPI, thì cho rằng Nghị quyết 57 đã xác định rất rõ các định hướng và điểm nghẽn trong chuyển đổi số, nhất là thể chế và thực thi chính sách.

'Tăng trưởng 2 con số, phải cách mạng chuyển đổi số'- Ảnh 1.

Bà Đỗ Thanh Huyền (trái) và bà Nguyễn Minh Thảo trao đổi tại tọa đàm

ẢNH: TUẤN MINH

Thống kê của UNDP đã ghi nhận chuyển đổi số ở cấp Chính phủ của Việt Nam tăng 15 bậc, từ 86 lên vị trí thứ 71, dù vậy, giữa các chính sách và triển khai trong thực tế đang có khoảng cách rất lớn.

"Điểm mạnh nhất vẫn là các văn bản chỉ đạo, trong khi yếu tố con người đang tụt lại phía sau. Tôi cho rằng đây mới là mấu chốt của thực lực quốc gia, Nhà nước trong chuyển đổi số", bà Huyền dẫn chứng và cho rằng, cần 4 yếu tố để phát triển chuyển đổi số là thể chế, con người, cơ sở vật chất và nguồn lực.

Theo đó, thể chế dịch chuyển mạnh mẽ với quyết tâm rất cao. Song 3 yếu tố còn lại đang khá yếu, dịch vụ hành chính công tại các địa phương vẫn lưu giữ giấy tờ. Có những dịch vụ hành chính công có thể số hóa nhưng luật Hành chính công chưa quy định, nên công chức vẫn phải làm 4 bước. Cơ sở vật chất cho các cấp địa phương, máy móc trang thiết bị còn khá cũ, lạc hậu; nguồn lực ngân sách chưa phù hợp.

Cụ thể, theo bà Huyền, nếu so sánh chỉ số về quản trị điện tử trong PAPI (chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh), dịch vụ số Chính phủ cung cấp cho công dân vẫn rất xa so với các nền tảng của kinh tế số.

"Nếu nhìn vào tam giác thì điểm cao nhất là chính sách, tiếp đó là công nghệ (chủ yếu là tiếp cận internet và đầu tư ICT, chứ không phải đầu tư cho chất xám, bộ máy của cơ quan nhà nước). Nghiên cứu trong 4 năm tại cấp xã, cấp tỉnh thì chỉ 7,6% người dân sử dụng cổng dịch vụ công trực tuyến và hơn 8% sử dụng Cổng dịch vụ công của Chính phủ", bà Huyền nói.

Đặt câu hỏi khi chuyển đổi số bao nhiêu phần trăm dân số bị tụt lại phía sau, theo bà Huyền, để giải quyết vấn đề này chuyển đổi số phải đến được những nơi khó tiếp cận nhất, những nơi lõm sóng, không có dịch vụ internet…

Chuyên gia UNDP cũng chia sẻ câu chuyện thực tế từ việc tập huấn chuyển đổi số cho cán bộ, công chức cấp xã tại Hà Giang và Quảng Trị để không ai bị bỏ rơi trong công cuộc chuyển đổi số. Để chuyển đổi số thực sự đến được với những người dân, thì việc đầu tiên chính là đơn giản hóa các thủ tục thiết yếu lên môi trường điện tử theo phương thức đơn giản hơn và đào tạo cán bộ công chức cấp xã - những người thực tế triển khai.

Gỡ bỏ tư duy e ngại, quản lý chồng chéo

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, một trong những điểm nghẽn thể chế lớn hiện nay là quản lý chồng chéo, tầng nấc, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc hoàn thiện thể chế hoặc đưa ra quy định pháp luật để tạo thuận lợi cho hoạt động quản lý nhà nước, cũng như hoạt động của người dân, doanh nghiệp.

'Tăng trưởng 2 con số, phải cách mạng chuyển đổi số'- Ảnh 2.

Tọa đàm "Chuyển đổi số động lực cho tăng trưởng" do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 15.1

ẢNH: TUẤN MINH

Nhiều trường hợp, một lĩnh vực có nhiều cơ quan quản lý liên quan tới nhau tạo ra gánh nặng chi phí rất lớn trong tuân thủ pháp luật. Để thay đổi tình trạng này, một trong những yếu tố là áp dụng chuyển đổi số - thực hiện các thủ tục và liên thông, kết nối các thủ tục giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện chỉ qua một đầu mối trên hệ thống nền tảng điện tử.

Bà Thảo đánh giá, thời gian qua, liên quan tới chuyển đổi số, dù có cả Đề án 06 cũng như nhiều chương trình kèm theo để thúc đẩy chuyển đổi số, song mức độ dữ liệu hóa, hỗ trợ các thủ tục được thực hiện trên môi trường điện tử còn hạn chế.

Về nguyên nhân, theo bà Thảo, năng lực của cán bộ còn nhiều hạn chế dẫn tới sự thích ứng còn khiêm tốn. Chuyển đổi số nghĩa là ứng dụng công nghệ, đòi hỏi cán bộ phải biết sử dụng công nghệ, số hóa để thích ứng, có thể quản trị dữ liệu. Thu thập dữ liệu thì phải biết phân tích, sử dụng, khai thác dữ liệu đó.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng người đứng đầu cũng e ngại trong thực hiện chuyển đổi số. "Chưa từng làm thì bao giờ cũng ngại, và không bắt tay vào làm thì không thể có kết quả. Vì lo ngại có sự thay đổi, biến động lớn trong quản lý nên đâu đó còn tư duy e ngại trong chuyển đổi nhanh chóng", bà Thảo nêu.

Chuyên gia từ CIEM cũng cho rằng, muốn chuyển đổi số thành công, tạo ra cuộc cách mạng thực sự, người đứng đầu phải có sự quan tâm; khi đó sẽ tạo áp lực, truyền cảm hứng cho các khâu bên dưới để có sự thay đổi thực sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.