Tăng trưởng GDP năm 2022 có thể đạt 8%

30/09/2022 11:08 GMT+7

Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 ước đạt khoảng 8%, vượt 1,5 - 2% mục tiêu, theo báo cáo của Bộ KH-ĐT.

Thu ngân sách ước vượt hơn 14%

Tốc độ tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực từ đầu năm 2022

ngọc dương

Báo cáo Bộ KH-ĐT gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội tại phiên họp toàn thể thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 diễn ra sáng 30.9 cho biết, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực từ đầu năm nay, trong khi nhiều nền kinh tế thế giới và khu vực đối diện với khó khăn, tiềm ẩn rủi ro suy thoái.

Tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2022 đạt 8,83%, mức tăng cao nhất của giai đoạn 2021 - 2022, vượt dự kiến.

Bộ KH-ĐT đánh giá, đà phục hồi tăng trưởng thể hiện rõ ở cả 3 khu vực kinh tế, đồng đều giữa các vùng, miền và địa phương.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99% so với cùng kỳ năm trước (đóng góp 4,04%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44% (đóng góp 41,79%).

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%; khu vực dịch vụ tăng 10,57% (đóng góp 54,17%).

Với đà tăng này, Bộ KH-ĐT dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%).

Điều này sẽ tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Cũng theo Bộ KH-ĐT, công tác quản lý, điều hành giá được chỉ đạo, quan tâm quyết liệt, sát sao, hiệu quả, đạt kết quả tốt; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh giá cả hàng hóa trên thị trường quốc tế có xu hướng tăng mạnh, áp lực lạm phát tăng cao tại nhiều nền kinh tế lớn và là đối tác thương mại của Việt Nam.

CPI bình quân 9 tháng năm 2022 tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng, lạm phát cơ bản tăng 1,88% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,73%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, tỷ giá được điều hành chủ động trước áp lực tăng giá của nhiều đồng ngoại tệ, nhất là USD.

Báo cáo dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tỷ giá VND/USD trong 9 tháng năm nay tăng khoảng 2,87% so với cuối năm 2021 và tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đồng tiền của nhiều nền kinh tế khác mất giá mạnh.

Lãi suất điều hành ổn định, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trong nước chỉ tăng nhẹ. Thanh khoản thị trường tiền tệ được đảm bảo, sẵn sàng cung ứng vốn cho sản xuất kinh doanh nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát.

Thu ngân sách ước cả năm vượt 14,3% so với dự toán. Vốn FDI thực hiện ước đạt 21 - 22 tỉ USD, tăng khoảng 6,4 - 11,5%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả năm ước tăng 10,7%, là động lực để nền kinh tế đẩy nhanh việc mở rộng năng lực sản xuất trong thời gian tới.

Trong số 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 , Bộ KH-ĐT cho biết, có một chỉ tiêu không đạt, là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, ước đạt 5,2%. Mức này thấp hơn mục tiêu 0,3%.

Đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, nhưng Bộ KH-ĐT cho rằng, các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức do diễn biến bất lợi từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới.

Áp lực lạm phát lớn từ bên ngoài gia tăng do chi phí nhập nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng cao theo giá thế giới, trực tiếp làm gia tăng chi phí sản xuất, tác động vòng 2 tới hầu hết các mặt hàng khác trong nền kinh tế.

“Áp lực lạm phát trong các tháng cuối năm 2022 nhiều khả năng tiếp tục tạo sức ép lớn lên điều hành chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô”, Bộ KH-ĐT nhận định. Điều này có thể làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng thêm chi phí sinh hoạt, khó khăn cho người dân.

Ngoài ra, sự phục hồi của tổng cầu trong nước cùng với yếu tố tâm lý, kỳ vọng, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng, xu hướng tăng lãi suất quốc tế… khiến tác động của lạm phát trở nên dai dẳng hơn.

Sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xăng dầu, nguyên liệu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất cao, xuất hiện tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ trong một số ngành, lĩnh vực tại một số địa phương là trung tâm công nghiệp trọng điểm, áp lực lớn lạm phát từ bên ngoài. Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro.

Cạnh đó, thị trường lao động còn nhiều bất cập. Theo Bộ KH-ĐT, thiếu khoảng 120.000 lao động trong quý 1/2022 (gần 10% so với nhu cầu tuyển dụng), cao hơn những năm trước khoảng 2 - 3%, chủ yếu là lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục.

Bộ KH-ĐT cũng nhận định, Việt Nam tiềm ẩn nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, không thoát ra khỏi mô hình kinh tế dựa trên lao động rẻ và phương pháp sản xuất công nghệ thấp.

Về cơ cấu lại nền kinh tế, Bộ KH-ĐT cho hay, đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm trễ, chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Ước giải ngân đến 30.9 là 253.148,12 tỉ đồng, đạt 46,7% kế hoạch, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%).

Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt; tuy nhiên, có 39/51 bộ, cơ quan T.Ư và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,70%), trong đó có 14 bộ, cơ quan T.Ư có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch.

Theo Bộ KH-ĐT, có tới 25 loại tồn tại, khó khăn vướng mắc, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau dẫn đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.