Tăng trưởng GDP năm 2024 có thể vượt 7%

08/12/2024 07:04 GMT+7

Các tổ chức quốc tế nâng dự báo tăng trưởng của VN, trong đó IMF đánh giá VN là một trong những nước tăng trưởng cao nhất thế giới. Còn theo Bộ KH-ĐT, mục tiêu GDP đạt và vượt mức 7% là rất khả thi.

Tăng trưởng tín dụng tăng nhanh so năm trước

Báo cáo tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 vào sáng 7.12, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, nền kinh tế tiếp tục khẳng định sự phục hồi rõ nét, các địa phương động lực như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai… dự báo tăng trưởng cao trong quý 4, dẫn dắt tăng trưởng cả nước năm 2024 có thể đạt và vượt 7%.

Tăng trưởng GDP việt nam 2024 có thể vượt 7 % nhờ động lực kinh tế mạnh - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng đạt hơn 7% năm 2024 và 8% năm 2025 để tạo đà cho giai đoạn tới

ẢNH: TTXVN

Đáng chú ý, các tổ chức quốc tế điều chỉnh dự báo tăng trưởng của VN theo hướng ngày càng tích cực hơn. IMF đánh giá VN là một trong những nước tăng trưởng cao nhất thế giới, xuất khẩu mạnh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tốt; quy mô xuất khẩu thứ 23 thế giới, nhập khẩu thứ 22 thế giới.

Đặc biệt, các động lực tăng trưởng từ phía cầu phục hồi tích cực. Tính chung 11 tháng, tổng vốn FDI đăng ký khoảng 31,4 tỉ USD, vốn FDI thực hiện khoảng 21,7 tỉ USD, tăng 7,1%; khách quốc tế khoảng 15,8 triệu lượt người, tăng 41%... Cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước cam kết đầu tư và gắn bó lâu dài, điển hình là ký kết giữa Chính phủ và Tập đoàn NVIDIA (Mỹ).

Thông tin thêm tại họp báo chiều 7.12, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết tính đến hôm qua tăng trưởng tín dụng đã đạt 12,5%, là con số khá tích cực so với cùng kỳ 2023 (9%).

Tổng dư nợ nền kinh tế khoảng 15,3 triệu tỉ đồng; huy động vốn đạt khoảng 14,8 triệu tỉ đồng và tốc độ tăng của dư nợ đang cao hơn huy động vốn. Lý giải nguyên nhân tăng trưởng tín dụng năm nay tăng nhanh hơn năm trước, ông Tú cho rằng nền kinh tế đã và đang có nhiều thuận lợi như xuất khẩu tăng trưởng cao, các DN nhìn chung đã khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh…

Cởi trói để mở rộng sản xuất kinh doanh

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, tín hiệu tích cực về đầu tư là các nhà đầu tư và chuyên gia nước ngoài đều đánh giá khi thị trường đầu tư trên thế giới ảm đạm thì FDI vào VN lại rất tốt, cho thấy niềm tin vào triển vọng kinh tế của DN, nhà đầu tư không những phục hồi mà còn có sự gia tăng…

Về tốc độ tăng trưởng năm 2025, theo ông Phương, Thủ tướng đã chỉ đạo mạnh dạn đặt mục tiêu 8%. Với việc các luật tháo gỡ điểm nghẽn có hiệu lực ngay từ đầu năm 2025 sẽ kích thích tăng trưởng, thông qua giải phóng nguồn lực lâu nay bị ách tắc. "Tốc độ tăng trưởng phải cao hơn nữa thì chúng ta mới đạt được mục tiêu 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030, trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình cao trên thế giới và có nền công nghiệp hiện đại. Hướng tới mục tiêu năm 2045 dài hạn hơn là nước phát triển có mức thu nhập cao", ông Phương nói.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong bối cảnh nguồn lực không dồi dào, thời gian có hạn, năng lực chưa cao nên phải chọn thứ tự ưu tiên cho công việc. Nhắc đến việc thu ngân sách tăng trong khi vẫn miễn, giảm thuế, phí, Thủ tướng nhấn mạnh bài học phải cởi trói để mở rộng cho sản xuất kinh doanh, khi sản xuất kinh doanh bung ra thì nguồn thu sẽ tăng. Do đó, phải mạnh dạn xây dựng, triển khai các chính sách với quan điểm nhìn xa, trông rộng, nghĩ lớn, làm lớn, hiệu quả tổng thể.

Từ nay đến cuối năm 2024 và đầu năm 2025, Thủ tướng cho biết phải làm cùng lúc 3 nhóm nhiệm vụ lớn, trong đó có nhiều việc khó, phức tạp, nhạy cảm. Thứ nhất là tập trung tăng tốc, bứt phá, về đích năm 2024; thứ hai là tập trung sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thứ ba là tổng kết công tác năm 2024 và xây dựng kế hoạch năm 2025.

Thủ tướng nêu rõ mục tiêu hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu của năm 2024, trong đó phấn đấu tăng trưởng GDP quý 4 đạt khoảng 7,5%, cả năm đạt trên 7%; giữ đà, giữ nhịp để tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt tăng trưởng khoảng 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng 2 con số. Ngay trong tuần tới, dành thời gian ưu tiên cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Tinh gọn bộ máy, nhưng phải giữ chân người tài

Chia sẻ tại họp báo Chính phủ chiều cùng ngày, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết Ban Chỉ đạo của Chính phủ giao Bộ Nội vụ "xây dựng cơ chế đủ mạnh và vượt trội để làm cơ sở sắp xếp, tinh giản đội ngũ cán bộ công chức". Đây là vấn đề rất nhạy cảm, phức tạp, tác động rất lớn đến xã hội nhưng đòi hỏi làm rất nhanh, Bộ Nội vụ đang đánh giá tác động của chính sách, đảm bảo tính khả thi sau khi ban hành.

"Đảm bảo cơ chế giải quyết cho các cán bộ, công chức có nguyện vọng, nhu cầu chuyển sang khu vực khác, không ở khu vực nhà nước nữa. Nhưng cũng cần cơ chế để giữ chân người tài - nguyên tắc thực tài, vừa giữ chân vừa thu hút được người tài vào công vụ", ông Minh cho hay. Về quy trình, Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo, xin ý kiến của Chính phủ, Ban Chỉ đạo của Chính phủ, sau đó sẽ trình Ban chỉ đạo T.Ư, Bộ Chính trị. Sau khi có đầy đủ cơ sở pháp lý sẽ trình Chính phủ theo cơ chế rút gọn, áp dụng ngay sau khi thông qua.

Trong ngày 6.12, Bộ Nội vụ đã thống nhất xong phương án với Bộ LĐ-TB-XH, sẽ trình Ban Chỉ đạo. Theo ông Minh, sẽ có những chính sách mới và tính toán ưu tiên bố trí sử dụng những người có trình độ, phẩm chất, năng lực vượt trội; có thâm niên công tác và kinh nghiệm trong lĩnh vực đặc thù. Việc sắp xếp, tinh giản bộ máy sẽ đảm bảo nguyên tắc đồng thuận giữa hai bên. "Bộ Nội vụ sẽ cùng các bộ xem xét từ nay đến cuối tháng 12 và quý 1/2025 để tiến hành sắp xếp. Đồng thời, sẽ có nhiều vấn đề hậu sắp xếp như trụ sở, con người, đảm bảo không gián đoạn quá trình phát triển KT-XH và thực thi công vụ", ông Minh nhấn mạnh.

Chiều tối 7.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp mặt các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện VN ở nước ngoài trước khi đi nhận nhiệm vụ. Thủ tướng yêu cầu công tác ngoại giao phải bám sát đường lối, song phải rất linh hoạt. Phải luôn luôn thể hiện được văn hóa VN, văn hiến, văn minh VN, thực sự chân thành, tin cậy, cầu thị; đồng thời luôn nỗ lực kiến tạo hòa bình.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
có quy mô hàng tỉ USD

Thông tin tại họp báo Chính phủ chiều 7.12, về những thuận lợi, khó khăn trong triển khai dự án điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, dự án đạt đồng thuận cao nên thuận lợi khi triển khai. Tuy nhiên, thách thức là lựa chọn công nghệ, đảm bảo an toàn, có thể xảy ra sự cố. Ngoài ra, những khuyến nghị của tổ chức quốc tế, khuyến cáo của cơ quan năng lượng nguyên tử cũng là những vấn đề cần lưu ý trong phát triển ĐHN. Theo ông Tân, dự án đang được thực hiện từng bước thận trọng. Công nghệ ĐHN rất tiên tiến, đảm bảo an toàn.

Về tổng mức đầu tư, theo báo cáo sơ bộ, dự án có quy mô lên tới hàng tỉ USD, do phụ thuộc quy mô, yêu cầu công nghệ, đòi hỏi yêu cầu an toàn cho dự án. Song dự án mang lại nhiều lợi ích, bao gồm nguồn năng lượng nền, xanh, sạch, đáp ứng mục tiêu an ninh năng lượng, nguồn năng lượng sạch.

Cũng tại họp báo, thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết tháng 5.2024, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án xảy ra tại Công ty TNHH cây xanh Công Minh 2 tội danh "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "đưa và nhận hối lộ". Công an đã khởi tố vụ án nhưng chưa khởi tố bị can. Cơ quan điều tra cũng đã gửi hội đồng định giá của 16 tỉnh để định giá tài sản của 413 dự án liên quan công ty này. Tới nay, một tỉnh đã kết luận, một số hội đồng định giá đang xin gia hạn thời gian trả kết quả. Cơ quan điều tra đang đôn đốc công tác này, theo hướng tập trung điều tra, cá thể hóa trách nhiệm hình sự của các cá nhân liên quan để xử lý theo đúng quy định.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.