Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của Hải Dương đứng thứ 7 cả nước

22/06/2024 21:01 GMT+7

6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hải Dương đứng thứ 7 cả nước. Đây được đánh giá là 'sự tăng trưởng thần kỳ' từ sau dịch Covid-19.

Ngày 22.6, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế tỉnh đứng thứ 7 cả nước và thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng, đạt kết quả cao hơn so với kịch bản đề ra.

Kinh tế tăng trưởng bứt phá ở nhiều mặt

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm ước tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt kết quả cao hơn so với kịch bản đề ra là tăng 8,22%. Trong đó, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có tổng giá trị đạt hơn 13.500 tỉ đồng, tăng 3,52%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt hơn 180.000 tỉ đồng, tăng 13,71%; khu vực dịch vụ tăng 6,93%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,9%.

Hoạt động vận tải, kho bãi tiếp tục phát triển, doanh thu ước đạt gần 7.800 tỉ đồng, tăng 17%. Hoạt động du lịch đạt nhiều kết quả tích cực, ước đón và phục vụ khoảng gần 1,5 triệu lượt khách, tăng 59,3%; doanh thu du lịch ước đạt 623,6 tỉ đồng, tăng 54,5%.

Hoạt động xuất khẩu có nhiều khởi sắc, giá trị hàng hóa xuất khẩu ước đạt hơn 4,7 tỉ USD, tăng 7,4%; hàng hóa nhập khẩu ước đạt hơn 3,9 tỉ USD, tăng 8,3%.

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của Hải Dương đứng thứ 7 cả nước- Ảnh 1.

Nông dân H.Thanh Hà (Hải Dương) thu hoạch vải thiều

C.T.V

Đáng chú ý, tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm của tỉnh Hải Dương ước đạt gần 14.800 tỉ đồng, đạt 75% dự toán, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. Trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, thực hiện đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối.

Hoạt động ngân hàng trên địa bàn ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu dịch vụ của các tổ chức, cá nhân. Tín dụng tiếp tục tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh và động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; nợ xấu trong tầm kiểm soát; đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt cho lưu thông; chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được đẩy mạnh. Tổng nguồn vốn huy động ước đạt gần 200.700 tỉ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của Hải Dương đứng thứ 7 cả nước- Ảnh 2.

Sản xuất công nghiệp là một trong những lĩnh vực có sự đột phá trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hải Dương

C.T.V

Sự hài lòng của người dân và DN với cơ quan hành chính xếp hạng cao nhất nước

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 25.498 tỉ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong hoạt động đầu tư công, tỉnh Hải Dương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn lập kế hoạch giải ngân năm 2024 và cam kết giải ngân theo kế hoạch, gắn với đôn đốc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà thầu và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm.

6 tháng đầu năm, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh Hải Dương đạt hơn 178 triệu USD. Tỉnh Hải Dương cũng ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 24 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký 5.614 tỉ đồng, tăng gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm trước, điều chỉnh 67 lượt dự án, với tổng vốn tăng thêm 1.786 tỉ đồng.

Có được các con số tăng trưởng ấn tượng trên là do thời gian qua, Hải Dương đã quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trở thành điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo đó, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của Hải Dương đứng thứ 17 cả nước (tăng 15 bậc so với năm 2022); đứng thứ 5 trong số 11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng (tăng 4 bậc so với năm 2022). Đáng chú ý, trong 10 chỉ số thành phần PCI, Hải Dương có 3 chỉ số nổi trội là: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và cạnh tranh bình đẳng.

Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Hải Dương năm 2023 đạt 87,84/100 điểm, xếp vị trí thứ 22/63 tỉnh, thành phố (tăng 25 bậc so với năm 2022). Trong đó, đáng chú ý, kết quả điều tra, khảo sát sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tăng 13 bậc, vươn lên đứng thứ nhất toàn quốc; cải cách thể chế tăng 2 bậc; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số tăng 33 bậc so với năm 2022; tác động của cải cách hành chính đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tăng 52 bậc.

Gắn kết song song tăng trưởng kinh tế với an sinh xã hội

Trao đổi với Thanh Niên, ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, cho biết thời gian qua, tỉnh luôn gắn kết song song các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội bằng việc áp dụng đồng bộ và quyết liệt các giải pháp cụ thể, hiệu lực, hiệu quả để sao cho kinh tế phát triển thì đồng thời người dân địa phương cũng sẽ được thụ hưởng luôn, không phải chờ đợi.

Trong phát triển kinh tế, tỉnh cũng lựa chọn được các sản phẩm đặc trưng của các vùng miền, ưu tiên nguồn lực, xây dựng mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ các ngành nghề truyền thống của người dân địa phương.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, 6 tháng cuối năm 2024, tỉnh Hải Dương xác định là thời điểm tăng tốc, làm tiền đề bứt phá và về đích cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Theo đó, tỉnh Hải Dương tiếp tục đề ra 16 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để phấn đấu hoàn thành. Đáng chú ý, một nửa trong số đó là các nhiệm vụ về đảm bảo an sinh xã hội, tăng phúc lợi cho người dân như: tập trung thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. 

Ưu tiên nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế. 

Tiếp tục triển khai phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh và các chương trình, kế hoạch thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục nghiên cứu để ban hành chính sách hỗ trợ học phí đối với học sinh tốt nghiệp THPT khi doanh nghiệp đặt hàng đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.