Tăng trưởng kinh tế chưa bền vững

15/05/2018 07:21 GMT+7

Các trụ cột tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than, kiều hối, đầu tư nước ngoài trong khi tăng trưởng từ phía doanh nghiệp trong nước chưa thay đổi lớn, căn bản.

Đây là những vấn đề được chỉ ra trong Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội (QH) về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017; kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2018 do ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH, trình bày tại phiên họp 24 của Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) khai mạc hôm qua (14.5).
Năng suất lao động thua cả Lào
Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH, dẫn lại con số từ báo cáo của Chính phủ cho biết, năng suất lao động của VN năm 2016 chỉ mới bằng 7% của Singapore, 57% của Philippines và đặc biệt bằng 87% của Lào. Bên cạnh đó, theo con số được công bố trong Báo cáo thường niên kinh tế VN 2018, năng suất lao động trong một số ngành công nghiệp cốt lõi như công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng… của VN còn thấp hơn cả Campuchia. (Lê Hiệp)

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại QH, dẫn nhận định kinh tế trong nước đang phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và cho rằng đây là vấn đề cần phải lưu ý vì về dài hạn, cơ cấu nền kinh tế cần phải có nhiều phương án. Dù phụ thuộc nhưng quy mô các dự án FDI ngày càng nhỏ.
Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH, dẫn chứng: 3 tháng đầu năm có 618 dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn 2,21 tỉ USD, chia ra mỗi dự án chỉ khoảng 3,4 triệu USD, chỉ bằng 1/3 so với mức bình quân năm 2014 là 10,43 triệu USD. Với quy mô như vậy thì nhiều DN trong nước có thể đầu tư được. “Chúng ta thu hút nhưng có chọn lọc, đồng thời thúc đẩy DN trong nước để thích ứng với nhu cầu hội nhập và chiến lược phát triển DN phụ trợ, các DN vừa và nhỏ”, ông Định kiến nghị.
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế QH cũng nhận định năm 2017, môi trường kinh doanh đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn rào cản, nhất là tình trạng “giấy phép con, cháu” còn khá nhiều. Ông Nguyễn Khắc Định cho rằng vấn đề cải cách hành chính ở nhiều nơi mới chỉ dừng lại ở nêu phương hướng, mục tiêu mà chưa thấy triển khai thực hiện. Trong số 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện có 5.719 điều kiện đầu tư kinh doanh nhưng đến nay chỉ mới có Bộ Công thương phê duyệt cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh còn các bộ ngành khác mới chỉ đưa phương án để xin ý kiến. Thậm chí nhiều bộ, ngành còn chưa có thông báo cắt giảm bao nhiêu.
Cần quyết liệt hơn nữa
Tại phiên họp, nhiều thành viên UBTVQH cũng đề cập tới hàng loạt các vấn đề, vụ việc gây bức xúc trong thời gian qua như tội phạm gia tăng, tình hình cháy nổ, an toàn giao thông, thực phẩm bẩn, thuốc giả, quản lý tài sản công và đất công, quy hoạch đô thị… và đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp quyết liệt để giải quyết tình trạng này.
Phó chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ dẫn chứng vụ việc 2 hiệp sĩ đường phố bị băng cướp đâm tử vong, 3 người khác bị thương tại TP.HCM tối 13.5, và cho rằng hoạt động tội phạm ngày càng gia tăng khiến xã hội cảm thấy bất ổn, người dân cảm thấy bất an khi ra đường.
Đề nghị xử nghiêm người đứng đầu chậm giải ngân vốn
Báo cáo thẩm tra tình hình ngân sách năm 2017, dự toán năm 2018 của Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách (TCNS) ngày 14.5 cho thấy tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu chính phủ năm 2017 còn chậm hơn năm 2016. Chi đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước giải ngân chỉ đạt 86,3% dự toán, thấp hơn so với năm 2016 (91,1%). Trong khi vốn trái phiếu chính phủ chỉ giải ngân được 41,2% (năm 2016 là 67,4%).
Về chi và cân đối ngân sách nhà nước năm 2018, qua giám sát Thường trực Ủy ban TCNS nêu rõ, vẫn còn một lượng vốn đầu tư, vốn trái phiếu chính phủ năm 2017 chưa phân bổ, chưa được điều chỉnh và vốn sự nghiệp phải chuyển nguồn sang năm 2018 là khá lớn, giảm hiệu quả sử dụng vốn. Trong đó, tình hình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản 4 tháng năm 2018 khá chậm. Riêng vốn đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, cuối tháng 4 mới có 44/53 địa phương báo cáo phân bổ kế hoạch. Như vậy, sẽ tạo ra áp lực khá lớn trong giải ngân theo kế hoạch đề ra. “Do vậy, Chính phủ cần sớm có biện pháp, chế tài mạnh hơn, xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu để chỉ đạo các bộ, ngành địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển”, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị. (Tiêu Phong)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.