Tăng trưởng tín dụng đi lùi vì 'ngâu'?

17/08/2024 06:18 GMT+7

Tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng bất ngờ sụt giảm trong tháng 7 dù lãi suất cho vay vẫn chưa có dấu hiệu gia tăng.

Ngoài yếu tố sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp còn yếu, chưa hấp thụ vốn thì thường đến tháng ngâu, giải ngân tín dụng cũng chậm hơn.

Tăng trưởng tín dụng đi lùi

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM mới công bố, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn trong tháng 7 giảm nhẹ 0,09% so với tháng trước đó. Lũy kế từ tháng 1 - 7, tín dụng trên địa bàn tăng trưởng 3,9% trong khi tính đến hết tháng 6 đã đạt mức 4%. Lãnh đạo NHNN chi nhánh TP.HCM lý giải tín dụng tháng 7 giảm nhẹ chủ yếu là khoản tín dụng ngắn hạn đến hạn và tín dụng ngoại tệ giảm.

Tăng trưởng tín dụng đi lùi vì 'ngâu'?- Ảnh 1.

Tăng trưởng tín dụng tháng 7 đi lùi so với tháng 6

Ảnh: Ngọc Thắng

Nhưng không chỉ TP.HCM, tăng trưởng tín dụng tháng 7 đi thụt lùi cũng là tình trạng chung của cả nước. NHNN cho biết tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng (NH) đến hết quý 2/2024 đạt 6%. Thế nhưng đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng của cả ngành chỉ còn tăng 5,66% so với cuối năm 2023. Nghĩa là tăng trưởng tín dụng trong tháng 7 bị âm, tiền ra nền kinh tế giảm. Theo đó, tín dụng trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng tăng 4,3%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 9,8%; lĩnh vực công nghệ cao tăng 18,16%; tín dụng bất động sản tăng 4,6% so với cuối năm 2023 (trong đó, tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng 10,3%, nhưng tín dụng cho bất động sản tiêu dùng chỉ nhích nhẹ, tăng 1,2%)...

Vì sao cho vay lại giảm trong tháng 7? Thử khảo sát nhanh cho thấy nhiều cá nhân và doanh nghiệp (DN) vẫn đắn đo khi vay vốn. Hai vợ chồng chị Thanh (ngụ Q.10, TP.HCM) từ đầu năm nay đã khảo sát lãi suất (LS) cho vay ở một số NH. Các nhà băng báo LS ưu đãi chỉ khoảng 6,6%/năm và được cố định 1 năm, ân hạn trả nợ gốc 1 năm, sau đó LS thả nổi. Đây là mức LS thấp nhất trong nhiều năm qua nên hai vợ chồng chị cũng tính vay thêm để mua căn hộ. Tuy nhiên, tính đi tính lại chị vẫn chưa dám quyết vì lo sau một năm, không biết LS sẽ thay đổi như thế nào. Quan trọng hơn là thu nhập của chị bị giảm sút vì trước đây công ty có thêm nhiều khoản tiền phụ cấp ngoài lương thì từ đầu năm nay đã không còn.

"Thu nhập chưa biết khi nào tăng lại mà nếu giờ phải trả lãi vay thì ngán quá. Nếu như qua năm đầu tiên lãi suất thả nổi lại tăng cao lên đến 9 - 10% thì không trả nổi. Thôi đợi thêm thời gian nữa rồi tính", chị Thanh chia sẻ.

Đại diện một DN nhựa tại TP.HCM cho hay từ đầu năm đến nay công ty chỉ vay ít, ngắn hạn để phục vụ hoạt động kinh doanh. Riêng kế hoạch vay để đầu tư thêm máy móc thì hoãn lại vì thật sự thị trường chưa tốt, nhất là sức tiêu thụ vẫn còn khá thấp.

Theo TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế, tín dụng tháng 7 tăng chậm lại có yếu tố thời vụ. Trong đó, do yếu tố tâm lý về tháng "ngâu" nên thường người dân ít giải ngân. Năm trước, tín dụng tháng 7 cũng đi lùi so với tháng 6. Tuy nhiên, điều này cũng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Ông Lực cho rằng tín dụng đang phục hồi trở lại và sẽ tăng dần trong các tháng còn lại.

Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, ĐH Kinh tế TP.HCM, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn chậm trong nửa đầu năm nay và tín dụng chỉ mới cải thiện trong tháng cuối quý 2/2024. Nguyên nhân là sức cầu thị trường còn yếu, thị trường bất động sản hồi phục nhưng chưa rõ nét nên nhu cầu về tín dụng chậm. Ngoài ra, còn có yếu tố là thông thường nhiều NH sẽ đẩy tăng trưởng tín dụng để "chốt" sổ vào giữa năm và cuối năm…

Phụ thuộc ngân hàng có "dám" hay không

Thực tế ngay từ đầu năm, NHNN đã giao toàn bộ hạn mức tín dụng cho các nhà băng với định hướng tăng trưởng cả hệ thống năm 2024 là 15%. Tuy nhiên sau 7 tháng, mức tăng trưởng chỉ đạt hơn 37%, còn cách xa mục tiêu định hướng đưa ra. Tốc độ tăng trưởng tín dụng giữa các NH cũng như các ngành nghề không đồng đều.

Tính đến hết tháng 6, nhiều NH có mức tăng trưởng tín dụng cao lên đến 2 chữ số như LPBank, HDBank, ACB… nhưng 4 NH thương mại nhà nước và nhiều NH khác chỉ tăng thấp và thậm chí có đơn vị tăng trưởng tín dụng âm.

Trước thực trạng này, trong cuộc họp mới đây với NHNN, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo "thu hồi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của tổ chức tín dụng không sử dụng hết và bổ sung cho các tổ chức có khả năng tăng trưởng".

TS Cấn Văn Lực cho rằng trong bối cảnh hiện nay, mức 15% chỉ là định hướng. Với nhiều nỗ lực của các NH và NHNN thì nhiều khả năng cả năm tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 13 - 14%. Riêng về LS cho vay, ông Lực dự báo sẽ khó tăng hơn nữa vì các NH muốn thúc đẩy tăng tín dụng sẽ phải cạnh tranh với nhau. Đồng thời thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, các nhà băng càng phải phấn đấu giảm nhẹ LS cho vay.

Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân nhận định LS cho vay vẫn sẽ nhích lên khi LS tiết kiệm của tất cả NH đều đi lên trong những tháng gần đây. Đó là chưa kể LS cho vay tăng còn đến từ trích lập dự phòng rủi ro tăng khi nợ xấu gia tăng. Sự cạnh tranh về LS là điều luôn diễn ra trên thị trường nhưng đó không phải là nguyên nhân chính. Bởi LS của 4 NH thương mại nhà nước luôn ở mức thấp so với các NH còn lại. Vì vậy, sẽ không có nhà băng nào cạnh tranh về LS với 4 "ông lớn" này.

"Việc tăng trưởng tín dụng trên thực tế của từng NH sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng mạnh dạn, linh hoạt của từng đơn vị. Hay nói cách khác là NH có "dám" cho vay nhiều hay không? Bởi ngoại trừ một số DN hoạt động tốt, có tình hình tài chính lành mạnh thì thường họ sẽ tìm đến nhóm NH lớn. Còn các NH nhỏ hơn nếu cho vay với các DN có độ rủi ro cao hơn thì LS sẽ ở mức cao", ông Huân nhận định và dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm nay có thể chỉ đạt khoảng 11 - 12%.

"Theo tôi, dù tín dụng tăng thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng tăng trưởng kinh tế của cả nước vẫn ở mức cao thì không có gì lo lắng. Điều này cho thấy dòng vốn đã thật sự chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra giá trị cao hơn. Trong khi đó, nhiều năm trước thì tín dụng tăng cao nhưng số tiền tuyệt đối chảy nhiều vào lĩnh vực bất động sản - là ngành thâm dụng vốn. Điều đó cũng sẽ có những bất ổn nếu NHNN không có sự kiểm soát linh hoạt, cân bằng", PGS-TS Nguyễn Hữu Huân đánh giá. 

Theo tôi, dù tín dụng tăng thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng tăng trưởng kinh tế của cả nước vẫn ở mức cao thì không có gì lo lắng. Điều này cho thấy dòng vốn đã thật sự chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra giá trị cao hơn.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân

Nhiều ngân hàng tiếp tục đưa ra các gói cho vay ưu đãi

Theo NHNN, trong nửa đầu năm, lãi suất đối với các khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm. Đến cuối tháng 6, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so cuối năm 2023. Lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so cuối năm 2023.

Mới đây, nhiều NH tiếp tục đưa ra các gói cho vay ưu đãi, như Agribank tiếp tục dành 20.000 tỉ đồng cho khách hàng cá nhân vay trung, dài hạn để đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6%/năm. Tương tự, BIDV cũng vừa dành gói tín dụng với nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp khi phát hành bảo lãnh thực hiện các gói thầu vào các bệnh viện, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, được ưu đãi lãi suất giảm tới 2% so với mức thông thường…


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.