Quan điểm trên được ông Lợi chia sẻ tại buổi tọa đàm về tăng tuổi nghỉ hưu do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức hôm qua 28.10.
Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết, đề án cơ quan này đang xây dựng dự kiến đến năm 2020, cán bộ, công chức, viên chức sẽ là đối tượng đầu tiên được điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu và bắt đầu tăng thêm 3 hoặc 4 tháng tuổi/năm cho đến khi đạt 58 tuổi (hoặc 60 tuổi) với nữ và 62 tuổi với nam.
Các lý do chính được nhắc tới để giải thích cho sự cần thiết tăng tuổi nghỉ hưu là: Thứ nhất, VN sau thời kỳ vàng dân số trẻ 10 năm trước đã bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số, chu kỳ này sớm hơn các nước khoảng thập niên. Thứ hai, chính sách này ra đời nhằm tận dụng được lực lượng lao động lớn tuổi với nhiều kinh nghiệm, chất xám… Thứ ba, nguyên nhân quan trọng là để tránh tình trạng mất cân đối của quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) khi mà càng ngày chi càng nhiều hơn thu.
Ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc BHXH VN cho biết, nếu vẫn theo cách tính như hiện nay, quỹ này chỉ có thể cân bằng tới năm 2034. "VN đang là nước có mức chi BHXH cao nhất thế giới với mức 75%, trong khi mức đóng cũng đã cao với 22%. Các nước trên thế giới, số năm trung bình để được hưởng là 28 - 30 năm nhưng VN hiện chưa được 25 năm nên mất cân đối. Do vậy, điều chỉnh tuổi hưu là giải pháp khả thi nhất giúp cân đối quỹ tốt hơn", ông Liệu nói.
Đồng ý với kế hoạch tăng tuổi hưu, song theo ông Bùi Sỹ Lợi, cơ quan soạn thảo đề án phải đánh giá kỹ tác động kinh tế xã hội để Chính phủ trình Quốc hội thảo luận. Trong đó, ông Lợi đặc biệt lưu ý có hai vấn đề dư luận thắc mắc nhất là tăng tuổi nghỉ hưu có là cơ hội cho người tham quyền cố vị cũng như tước đi cơ hội của lao động trẻ hay không. "Dự luật phải thiết kế làm sao tách tuổi nghề và tuổi hưu. Tức là để tôi và anh khi 60 tuổi thì không được làm phó chủ nhiệm hay thứ trưởng nữa nhưng vẫn có thể đi dạy hay làm việc và vẫn đóng bảo hiểm thêm 5 năm nữa", ông Lợi nói khi hướng về Thứ trưởng Phạm Minh Huân.
Vị thứ trưởng ngành lao động cũng cho biết thêm, chính sách này dự kiến sẽ trình Quốc hội vào năm 2017, nếu được thông qua cũng chỉ thực hiện từ năm 2020 và không phải áp dụng cho tất cả các ngành mà có lộ trình. Theo đó, với các ngành lao động độc hại, nặng nhọc hay đối tượng là cán bộ quản lý thì giữ nguyên như hiện nay. "Các phương án phải có chuẩn mực cho từng loại đối tượng. Nguyên tắc là làm sao để tận dụng được lao động có hàm lượng kỹ thuật cao, tăng năng suất lao động mà cũng không lấy đi cơ hội bước vào thị trường của lao động trẻ", ông Huân trấn an.
Phó chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cũng thông tin, hiện cả nước có 2,8 triệu người hưởng lương từ ngân sách nhưng chỉ có khoảng 500.000 người làm công tác quản lý từ T.Ư xuống cơ sở. Do vậy, cùng với chính sách tăng tuổi nghỉ hưu, Chính phủ phải dứt khoát đẩy mạnh việc chuyển đơn vị sự nghiệp công sang tự chủ tự chịu, chỉ khoán chi phí theo kết quả đầu ra.
|
Bình luận (0)