Sáng 17.7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố các lệnh của Chủ tịch nước công bố 8 dự án luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 vừa qua.
Giới thiệu về luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Công an nhân dân, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho hay, luật quy định tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân.
Riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm thượng tá tăng 3 tuổi.
Hạn tuổi phục vụ cao nhất của nam sĩ quan có cấp bậc hàm cao nhất là đại tá, cấp tướng, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm cao nhất là thượng tá, đại tá thực hiện theo lộ trình về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động như quy định của bộ luật Lao động. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
Trả lời báo chí về lộ trình cụ thể việc tăng tuổi nghỉ hưu trong lực lượng công an khi bộ luật Lao động đã có hiệu lực hơn 2 năm, Cục trưởng Cục Pháp chế - Cải cách hành chính (Bộ Công an) Phạm Công Nguyên cho hay, đối với hạn tuổi phục vụ áp dụng cho sĩ quan có tuổi phục vụ trên 60 tuổi sẽ được áp dụng căn cứ lộ trình quy định tại bộ luật Lao động. Cụ thể là 3 tháng 1 năm với nam sĩ quan và 4 tháng 1 năm với nữ sĩ quan, áp dụng cùng thời điểm với thời điểm bộ luật Lao động có hiệu lực từ 1.1.2021.
Theo lộ trình này thì đến năm 2028, tuổi nghỉ hưu của nam sĩ quan là 62 tuổi và đến 2035 nữ là 60 tuổi. "Như vậy, có nghĩa với nhóm sĩ quan được kéo dài hạn tuổi phục vụ trên 60 tuổi đến 62 tuổi thì mỗi năm kéo dài 3 tháng cho đến đủ hạn tuổi phục vụ".
Cũng theo ông Nguyên, với nam và nữ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ lần lượt dưới 60 và 55 tuổi, qua khảo sát thực tế cho thấy tuổi đang phục vụ rất thấp so với hạn tuổi đề xuất. Do đó, áp dụng tăng ngay 2 tuổi mà không theo lộ trình của bộ luật Lao động.
"Điều này không có tác động và thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các độ tuổi, hạn tuổi phục vụ trong lực lượng", ông Nguyên nói.
Ông Nguyên cũng cho hay, việc tăng hạn tuổi nghỉ hưu không áp dụng với các trường hợp đã nghỉ trước khi luật có hiệu lực là 15.8.
Tránh lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên liên quan việc công an là lực lượng vũ trang luôn có chế độ, chính sách đặc thù, và lâu nay hạn tuổi phục vụ là thấp hơn tuổi nghỉ hưu người lao động phổ thông nhưng nay lại tăng tuổi dựa trên việc tăng tuổi nghỉ hưu của bộ luật Lao động, ông Nguyên nói, công an là lực lượng vũ trang nhưng đặc thù công việc của công an khác với quân đội.
Hiện nay, qua khảo sát thực tế trong lực lượng, theo xu hướng chung của thế giới cũng kéo dài độ tuổi lao động vì sức khỏe chăm sóc tốt hơn, tuổi thọ kéo dài... Do đó, đại đa số các quốc gia kinh tế phát triển, có chỉ số phát triển con người cao thường có xu hướng kéo dài tuổi lao động.
Theo ông Nguyên, nguồn lao động sau khi nghỉ chế độ trong lực lượng công an còn rất dồi dào và khả năng cống hiến còn lớn. Vì vậy, để tránh lãng phí nguồn nhân lực có chất lượng cao, kinh nghiệm và giảm chi phí đào tạo.
Từ thực tế trên, Bộ Công an đã đề xuất Chính phủ tăng tuổi nghỉ hưu trong lực lượng công an để sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, có nhiều kinh nghiệm, có cống hiến, trải nghiệm nhiều trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm. Thêm vào đó, giảm đầu vào, chi phí đào tạo, bồi dưỡng. Bởi, đặc thù của công an đòi hỏi đào tạo bài bản, lâu năm, trải qua kinh nghiệm công tác, tích tụ trong thực tiễn.
"Có thể kéo dài thời hạn phục vụ sĩ quan, hạ sĩ quan trong lực lượng công an là một trong những lợi thế, chúng tôi đánh giá có nhiều điểm tích cực, đem lại lợi ích cho lực lượng công an, Chính phủ về mọi mặt", ông Nguyên nêu.
Xem nhanh 12h ngày 17.7: Bản tin thời sự toàn cảnh
Bình luận (0)