Chiều 19.5, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên thẩm tra dự án bộ luật Lao động sửa đổi - bộ luật có tác động đến hàng chục triệu người VN và được cả các nhà đầu tư nước ngoài chú ý.
Một trong những nội dung được bàn thảo nhiều nhất là tăng tuổi nghỉ hưu. Tại bản dự thảo mới nhất, Chính phủ vẫn đưa ra 2 phương án. Theo phương án 1, từ 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động (LĐ) trong điều kiện LĐ bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam, đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ, cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2: Từ 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của người LĐ trong điều kiện LĐ bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ, cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi.
Rất nhiều người lao động sợ tăng tuổi nghỉ hưu
Theo Bộ LĐ-TB-XH, cơ quan chủ trì soạn thảo bộ luật sửa đổi, Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 và “qua khảo sát, đánh giá, lấy ý kiến các cơ quan và tham vấn ý kiến của các bên trong quá trình soạn thảo, đa số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ”.
|
Tuy vậy, các đại biểu (ĐB) tham gia phiên thẩm tra lại rất băn khoăn. Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH, việc tăng tuổi nghỉ hưu nên cân nhắc số đông người LĐ.
“Với cơ quan hành chính sự nghiệp, việc tăng tuổi không ảnh hưởng nhiều lắm, nhưng số đông người LĐ, không chỉ LĐ nặng nhọc mà kể cả ngành giáo dục, rất nhiều giáo viên mẫu giáo nói là rất mong đến ngày được nghỉ hưu. Rất nhiều người LĐ không đồng tình với đề xuất”, ông Cương nói.
Ông Ngô Trung Thành, đại diện Ủy ban Pháp luật, cũng cho rằng dự thảo chưa có ý kiến của đối tượng là người LĐ mà thiên về ý kiến của các cơ quan, tổ chức nhiều hơn, trong khi người LĐ mới là đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp.
Chậm hưu người già, thiếu cơ hội cho người trẻ
tin liên quan
Tính toán từng đối tượng khi tăng tuổi nghỉ hưu“Trong khi người trẻ muốn tham gia thị trường LĐ thì bị hạn chế cơ hội, mà người già muốn nghỉ lại phải tiếp tục làm việc thì cần cân nhắc. Thêm nữa, LĐ VN chủ yếu là LĐ thủ công, cơ bắp, cần sức người rất lớn; điều kiện LĐ của chúng ta cũng chậm được cải thiện; bản thân người sử dụng LĐ cũng không muốn sử dụng LĐ già, cứ 35 - 40 tuổi nhiều chủ sử dụng LĐ đã tìm cách sa thải, nên không được nghỉ hưu, họ cứ lăn lóc ở ngoài mà không tìm được công việc thay thế...”, ông Hiểu bày tỏ.
Chia sẻ quan điểm này, ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) bày tỏ: “Ở cương vị của tôi, tôi quan tâm đến việc làm cho những người trẻ tuổi. Người lớn tuổi không nghỉ thì lấy đâu ra cơ hội cho người trẻ? Chỉ có một số môi trường công tác người LĐ mong muốn kéo dài thôi, còn đa số mong nghỉ và chúng tôi thấy là không nên kéo dài tuổi đó”.
Phải tăng tuổi hưu vì thiếu hụt lao động?
Giải trình trước đa số ý kiến chưa đồng thuận của ĐBQH, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết VN phải nâng tuổi nghỉ hưu vì áp lực thiếu hụt LĐ đã là nhãn tiền. 5 năm gần đây, mỗi năm thị trường LĐ tăng thêm 400.000 người, trong khi 15 năm trước, mỗi năm tăng 1,2 triệu người.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cũng đề nghị ĐBQH và truyền thông ủng hộ Bộ trong việc này, vì “đến giờ câu chuyện kéo dài độ tuổi nghỉ hưu là một việc VN không thể chậm hơn nữa”.
“Chúng ta cũng cần xác định, nếu theo lộ trình này, đến năm 2035 mới có người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60; đến 2028 mới có người nam giới đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 62, chứ không phải nói ra cái là kéo dài ngay”, ông Dung nói.
Bình luận (0)