Phát biểu tổng kết hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh vào việc cần lưu ý tới việc tạo nguồn nhân lực cho khu vực văn hóa nghệ thuật.
Việc phát triển nhân sự làm ngành văn hóa nghệ thuật này được ông Nghĩa lưu ý ở hai việc. Thứ nhất, vẫn có tư duy cắt giảm biên chế ở khu vực nhân sự văn hóa nghệ thuật khi cần cắt giảm biên chế. Thứ hai, cần lưu ý tạo nguồn lực hơn qua việc đưa đi đào tạo ở nước ngoài cũng như đưa vào quy hoạch lãnh đạo.
Một lĩnh vực khác cũng được ông Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao là việc bảo tồn văn hóa dân tộc. "Chúng ta đã bảo tồn văn hóa dân tộc, đã bảo tồn tốt rồi thì cố làm tốt hơn nữa", ông Nghĩa nói. Ông cũng đánh giá các chương trình nghệ thuật lớn do Bộ VH-TT-DL tổ chức đã có tiến bộ nhiều. "Khó thì khó nhưng các chương trình nghệ thuật lớn có tiến bộ rất nhiều. Trình độ của đạo diễn, của những người thực hiện trên sân khấu, công nghệ ở tầng cao", ông Nghĩa nói.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh việc tiếp tục hoàn thiện nội dung xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị dân tộc, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình. "Có một nội dung rất quan trọng là xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa con người, giá trị dân tộc, giá trị gia đình. Cái này chúng ta tiếp tục hoàn thiện và bổ sung, chúng ta cố chọn cái gì tinh túy nhất, cái gì cần phát triển, tầm nhìn đến 2045, đề nghị đưa vào văn kiện Đại hội XIV, sau đó xin Đại hội đi vào cụ thể", ông Nghĩa nói.
Phát biểu tại hội thảo, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng thời gian tới việc phát triển văn hóa nên được thực hiện theo hướng phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống với tinh thần dân tộc - đại chúng kết hợp với tinh hoa văn hóa nhân loại. Văn hóa sẽ trở thành ngành công nghiệp đóng góp cho kinh tế. Phó thủ tướng cũng cho biết Bộ VH-TT-DL đang phối hợp với các cơ quan khác xây dựng chương trình mục tiêu về văn hóa, đưa ra những nhiệm vụ giải pháp có tính đột phá, giải quyết những vấn đề ưu tiên nhất cho văn hóa.
PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng lý luận Văn học nghệ thuật T.Ư, lại nhắc đến chuyện thu xếp biên chế cho các đoàn nghệ thuật truyền thống cấp địa phương. Theo ông Kỷ, việc sáp nhập các đoàn theo hướng gom hết tuồng, chèo, cải lương… vào một đoàn để giảm biên chế khiến các nghệ thuật này lâm nguy. Điều này nếu tiếp diễn sẽ dẫn đến nguy cơ không còn có người theo nghệ thuật dân tộc truyền thống nữa.
Tại cuộc làm việc, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tâm tư về việc xét giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh còn chưa kịp thời, đúng tiến độ và kịp thời gian. Điều này khiến nhiều tác giả không kịp chờ đến khi nhận được giải thưởng như nhạc sĩ Hồng Đăng đã qua đời trước khi được trao giải thưởng. Ông Quân cũng nêu vấn đề về việc chưa chú trọng đào tạo dẫn đến sự thiếu hụt đội ngũ phê bình lý luận văn học nghệ thuật trẻ. Việc không có hệ thống phê bình này khiến việc đánh giá tác phẩm của chúng ta trở nên khó khăn.
Bình luận (0)