Tặng vật của những dòng sông: Lạ lùng 'rồng đất' sông Gianh

03/10/2022 08:08 GMT+7

Từ xa xưa, khi quần tụ cạnh những dòng sông ở bắc miền Trung, người dân được thiên nhiên ban tặng không chỉ nguồn nước mát mà còn tận hưởng nhiều món quà quý giá. Cho đến nay, những tặng vật độc, lạ ấy vẫn dồi dào và mang lại cơm no áo ấm…

Không phải ai cũng biết, cũng nhìn thấy và từng ăn sá sùng. Bản thân người viết cũng “mù tịt” cho đến khi được lội bì bõm cùng cánh “thợ săn” sá sùng chuyên nghiệp bên bờ sông Gianh (Quảng Bình). Mới hay, loài vật kỳ lạ này được xem là một trong những món ngon vật lạ từng dành cho bậc đế vương...

Đặc sản tiến vua ở… quán ven đường

Bên bờ sông Gianh, có một quán ăn nhỏ, rất bình dị nhưng lúc nào cũng tấp nập người xe vào ra. Quán có tên Lương Tròn, do ông Trần Thanh Lương (43 tuổi, trú P.Quảng Thuận, TX.Ba Đồn, Quảng Bình) làm chủ. Với gần 15 năm kinh doanh, ông Lương tự tin khoe quán của mình không chỉ có tôm, cá, mực… mà còn là nơi duy nhất bán “đặc sản tiến vua” tại khu vực này.

Thợ săn ‘rồng đất tiến vua’ kiếm tiền triệu mỗi ngày ở sông Gianh

Hỏi ra mới hay, món giúp ông Lương tin tưởng sẽ kéo được khách về quán ăn bé nhỏ của mình là con sá sùng. “Tên lạ lắm phải không? Lạ mới độc, mới hiếm… Chính những người bản địa ở đây cũng không phải đều biết đến con sá sùng. Mà nếu biết tên thì không phải ai cũng biết bắt, biết chế biến, biết ăn”, ông cười nói.

Sá sùng sinh sống tập trung từ cửa sông Gianh ngược về phía thượng nguồn chừng 10 km

BÁ CƯỜNG

Như một “nhà động vật học” am tường, ông Lương mô tả sá sùng có hình dạng như loài giun đất nhưng to hơn gấp chục lần, vì thế cũng được gọi là giun biển. Loài này thường sinh sống ở môi trường bùn lầy, nước lợ, được cho là có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như thanh nhiệt, giải độc, đặc biệt tốt cho nam giới... Nhưng khác với cá, tôm, cua, ốc…, sá sùng chỉ có vào một vài tháng nhất định trong năm. Bắt sá sùng cũng là một nghệ thuật, chứ không đơn giản là đào lớp bùn lầy ven sông thì có ngay. Chính vì quý và hiếm như vậy nên sá sùng được vinh danh là “rồng đất”, tương truyền là sản vật mà quan lại địa phương thường cung tiến lên nhà vua và các quan lớn trong triều.

Nắm được “bí kíp” về loài sá sùng, quán ăn nhỏ của ông Lương nhờ đó mà tồn tại, khấm khá lên ngay bên cửa sông Gianh. Chính ông cũng không biết “công lực” của sá sùng cỡ nào, nhưng hết thảy khách đến quán Lương Tròn ai cũng gọi món sá sùng, chưa ăn là chưa chịu về. “Sá sùng sau khi chế biến có thể xào tỏi, nấu phở, nấu cháo hoặc đem phơi khô rồi chiên, nướng. Vị của sá sùng khác lạ hơn nhiều loài hải sản khác, thịt ngọt, dai giòn và chứa rất nhiều chất đạm”, ông Lương cho hay.

Vượt trăm cây số tìm sá sùng

Trúng đậm với sá sùng, nhưng ông Lương không phải là người trực tiếp lội bùn để tìm “rồng đất”. Công việc này đã có những “thợ săn” chuyên nghiệp lo liệu. Cứ vào mùa sá sùng (2 tháng trước mùa mưa bão), có 2 “thợ săn” sá sùng quê ở H.Núi Thành (Quảng Nam) lại ghé quán ăn nhỏ của ông Lương, được bao ăn bao ở chỉ để làm công việc duy nhất: bắt sá sùng và bán độc quyền cho ông. “Cả vùng hạ lưu sông Gianh rộng lớn này không có người nào làm được nghề bắt sá sùng, cực chẳng đã tôi mới phải tìm thuê người ở địa phương khác đến. Cũng không dễ để tìm và thuê được họ, may cho tôi là gặp được hai người. Họ là dân chuyên nghiệp”, ông Lương tấm tắc.

Sá sùng được chế biến thành nhiều món từ xào tỏi, nấu cháo, phở… hoặc đem phơi khô, đóng gói xuất bán

Ông Lê Văn Khắp, 54 tuổi, một trong 2 “thợ săn”, có 15 năm gắn bó với nghề bắt “rồng đất” và ngót 10 năm lùng sục ở đôi bờ sông Gianh kiếm cơm từ loài vật kỳ lạ này. Cứ đến tháng 7 - 8, ông lại nhảy xe bắc nam ra ở quán Lương Tròn. Trong 2 tháng lưu lại đây, công việc hằng ngày của ông Khắp không gì ngoài việc đi tìm bắt sá sùng và chế biến chúng. “Năm nào tôi cũng về đây và cũng chỉ bắt cho riêng quán Lương Tròn. Thi thoảng có một số người muốn “đi đêm” với tôi để lấy số sá sùng bắt được, nhưng tôi đều từ chối. Mình xa xôi ra đất khách kiếm ăn, được người ta giúp đỡ cho chỗ ăn chỗ ở, không làm vậy được”, ông Khắp chia sẻ.

Nguyễn Văn Cường, “thợ săn” còn lại chỉ mới 32 tuổi, trẻ khỏe hơn nên đến mùa lại tự mình chạy xe máy từ Quảng Nam ra đến Quảng Bình, hết mùa lại chạy vào. Sau mỗi chuyến, 2 “thợ săn” kiếm được từ 15 - 20 triệu đồng/người. “Để tránh làm mất chén cơm của nhau, hằng ngày chúng tôi chung bữa cơm, chung chén rượu nhưng lúc làm việc thì chia nhau ra nơi thật xa để tránh đụng mặt”, anh Cường tâm sự chuyện nghề.

“Moi” tiền triệu dưới bùn đất

Để bắt được sá sùng không dễ, vì không phải cửa sông nào cũng có. Vậy nên, thật khó lòng để chúng tôi từ chối lời rủ rê của ông Khắp để trải nghiệm một chuyến lội bùn săn sá sùng bên bờ sông Gianh.

Để bắt được loài đặc sản này, ông Khắp cũng đối diện nhiều khó khăn

Với 1 cái xẻng đầu nhọn và 1 cái xô, ông Khắp mặc thêm đôi tất chân cao gần tới đầu gối rồi xăm xăm đi ra hướng cửa Gianh. Công việc thường bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng, khi con nước đã ổn định. “Bắt sá sùng phải canh con nước, phải chờ khi thủy triều xuống, hai bên bờ lộ ra những bãi bùn lúc đó mới có thể lên đường”, ông bật mí.

Sá sùng giá bao nhiêu ?

Ở quán Lương Tròn, một đĩa sá sùng xào tỏi có giá từ 250.000 - 300.000 đồng. Với sá sùng tươi, ông Lương, chủ quán, bán với giá 1,3 triệu đồng/kg trong khi sá sùng khô có giá gần 4 triệu đồng/kg.

“Nom qua thì thấy dễ, chứ để bắt được con này tôi cũng mất cả năm trời mới học được. Thông thường sá sùng sống ở độ sâu khoảng 40 - 50 cm. Chúng nhạy cảm, chỉ cần nghe tiếng động mạnh, cảm thấy nguy hiểm thì liền thụt sâu xuống hơn cả mét, người bắt đòi hỏi phải nhanh tay nếu không sẽ tuột mất”, ông Khắp cho hay.

Bắt được sá sùng đã khó, phân biệt được hang của chúng với hang của cua, rạm, ốc… càng khó hơn. Nét nhận biết là phần cửa hang của sá sùng có hơi nhô lên so với mặt đất. Với con mắt tinh tường của mình, cứ thấy cửa hang sá sùng, ông Khắp liền dùng xẻng chọc xuống bùn, đoạn hất lên thì dùng tay chụp ngay lên con sá sùng béo nung núc.

Chật vật chừng 6 giờ đồng hồ đi dọc bờ sông Gianh, hôm đó thu hoạch của ông Khắp không được như mọi ngày, chỉ chừng hơn 1 kg sá sùng. “Nhưng thế này là có cơm ăn rồi”, ông cười tít mắt. Nói đoạn, ông Khắp bước nhanh về quán Lương Tròn, bởi sá sùng cần phải được chế biến thô ngay, dù cách làm cũng khá đơn giản. “Phần ruột bỏ đi, chỉ giữ lại phần thịt ngoài rồi đem rửa lại 2 - 3 lần nước là xong. Sau đó muốn phơi khô hay ăn tươi thì tùy chủ quán”, ông chia sẻ.

Với 15 năm trong nghề, ông Khắp lường trước những rủi ro mà mình đối diện, nhất là ở cửa sông Gianh có rất nhiều vỏ hàu, mảnh chai dưới lớp bùn non. “Vết cứa sâu, lại ở trong bùn lầy, rất dễ nhiễm trùng…”, ông tặc lưỡi. Nhưng có vẻ những tai nạn kiểu này không phải là điều khiến những thợ săn sá sùng như ông Khắp lo lắng nhất. Mà nỗi lo nằm ở chỗ sá sùng đang cạn kiệt ở nhiều nơi. Từng lặn lội đi nhiều tỉnh miền Trung để tìm kiếm nhưng đành về không, ông lo vài ba năm nữa thôi tặng vật độc đáo này của những dòng sông sẽ hết và ngón nghề của ông sẽ dần mai một. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.