TP.HCM phát triển để đóng góp nhiều hơn cho cả nước:

Tạo điều kiện cho hình mẫu phát triển mới

22/05/2023 06:35 GMT+7

Cơ chế vượt trội tạo động lực mạnh mẽ giúp TP.HCM phát triển xứng tầm để đóng góp nhiều hơn cho cả nước, được nhìn nhận là đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn. Thực thi thành công cơ chế vượt trội sẽ góp phần quan trọng hình thành mô hình phát triển mới.

Tạo điều kiện cho hình mẫu phát triển mới - Ảnh 1.

TP.HCM phát triển xứng tầm sẽ đóng góp được nhiều hơn cho cả nước

NGỌC DƯƠNG

Phân quyền tự chủ, dám nghĩ, dám làm

Nghị quyết sớm được ban hành ngày nào sẽ tạo động lực, cú hích rất lớn cho TP.HCM và cả nước. Tôi cho rằng cơ chế cần giải quyết bài toán ngân sách cho TP tăng lên thích đáng. Từ đó, TP.HCM mới có nguồn lực đầu tư, cải thiện kết cấu hạ tầng, chuyển sang kinh tế số, TP thông minh. Đặc biệt, phát huy tốt hơn vai trò của các doanh nghiệp, để các doanh nghiệp năng động, đóng góp giải quyết công ăn việc làm, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế; cắt giảm thủ tục, chi phí và giúp họ kết nối với các doanh nghiệp lớn trên thế giới.

Tạo điều kiện cho hình mẫu phát triển mới - Ảnh 2.

TIÊU PHONG

Về vấn đề hạ tầng, không thể nào ôm đồm hết, cố gắng chọn ra một vài dự án trọng điểm trước, tập trung làm, khi đó mở được các nút thắt, điểm nghẽn rồi mới có thể phát triển được.

Cơ chế đặc thù giống như trong công cuộc đổi mới, phải mạnh dạn đột phá. TP.HCM nên chủ động đột phá sau nghị quyết, phải có nhân lực chất lượng cao. Không có đội ngũ cán bộ chất lượng, không đem lại kết quả thì dư luận rất khắt khe và khó biện hộ. Không phải cứ giao quyền là thắng lợi, phải có am hiểu và kinh nghiệm thực tế mới mang lại hiệu quả.

Tôi đặc biệt muốn nhấn mạnh rằng, khi áp dụng cơ chế đặc thù, trao quyền thì TP.HCM phải có trách nhiệm cao. Nếu người đứng đầu là bí thư và chủ tịch sâu sát, dám đứng ra chịu trách nhiệm thì chắc chắn tất cả bộ máy sẽ dám nghĩ, dám làm và cơ chế đặc thù sẽ khơi thông được nguồn lực, đưa TP.HCM "cất cánh", trở thành trung tâm tài chính, kinh tế của cả nước và khu vực.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư

Thí điểm nhưng phải làm thật

Tâm thế hành động của cán bộ, công chức khi đón nhận những cơ chế vượt trội cho TP.HCM mang tính quyết định, không chỉ cần quyết tâm chính trị mà cần cả chuyên môn.

Tạo điều kiện cho hình mẫu phát triển mới - Ảnh 3.

SỸ ĐÔNG

Về tâm thế, những nhân lực chủ chốt trong bộ máy chính quyền cần chủ động đứng ở vị thế vừa là người quản lý, điều hành chung nhưng cũng vừa là một thủ lĩnh ngành, lĩnh vực ở địa phương. Bên cạnh đó, là tâm thế của người dự báo chính sách, dự báo về đường đi của mô hình thí điểm với trách nhiệm rằng "thí điểm là để làm thật sau đó".

TS Nguyễn Thị Thiện Trí, Trường ĐH Luật TP.HCM

Phát huy được sự lan tỏa, dẫn dắt

Dự thảo nghị quyết là cơ hội sống còn với TP.HCM trong thời điểm này, song đòi hỏi chúng ta phải có cách tiếp cận mới, không phải là hỗ trợ, tăng cường, cơi nới ngân sách cho hơn địa phương khác. Chúng ta phải tạo ra động lực và sức mạnh mới cho đúng tầm và giải quyết được vai trò đầu tàu, trung tâm kinh tế cả nước. TP.HCM phải bắt nhịp được với trình độ và xu thế phát triển của thế giới.

Tạo điều kiện cho hình mẫu phát triển mới - Ảnh 4.

TIÊU PHONG

Điều đầu tiên là tạo điều kiện cho TP.HCM thành một hình mẫu phát triển mới về thể chế, vượt trội, mang tính thử nghiệm để dẫn dắt quá trình cải cách thể chế của cả đất nước. Thay đổi về chất thì cơ chế ngân sách phải khác, còn giống y như địa phương khác sẽ không phát huy được năng lực tự chủ. TP.HCM phải có quyền tự chủ mới sáng tạo được, muốn thế phải có nguồn lực để bảo đảm. Cơ chế bộ máy, tổ chức và nhân sự phải khác khi đảm nhiệm và vận hành nhiều việc khác, trình độ cao hơn.

Hệ thống dự án phải tập trung cho đầu tàu, liên quan đến cả vùng kinh tế chứ không thể để giao thông tắc nghẽn, kẹt xe, ô nhiễm như hiện tại; ưu tiên các dự án trọng điểm giải quyết các vấn đề quốc gia. Trung tâm tài chính quốc tế thì phải dốc sức nếu không sẽ muộn, càng muộn hiệu quả sẽ rất thấp.

Cơ chế đặc thù làm sao để biến TP.HCM giống như Singapore - điểm đến của các tập đoàn lớn trên thế giới. Tầm nhìn chúng ta phải thông thoáng. Hoặc như Thủ Đức là TP đặc thù, thông minh, sáng tạo thì cơ chế chính sách phải khác. Đây là TP thử nghiệm cấu trúc luật lệ mới có giá trị quốc gia, sau này còn các TP khác đi theo.

Chúng ta cũng đừng đặt vấn đề chỉ "cởi trói" cho TP.HCM mà là liên quan đến cả vùng, ít nhất 4 - 5 tỉnh xung quanh. Nếu chỉ có TP.HCM thì vẫn kẹt, vẫn tắc. Nghị quyết cho TP.HCM phải có vấn đề vùng trong đó, tạo điều kiện cho TP.HCM và phát huy được sự lan tỏa, dẫn dắt. Tôi ủng hộ việc sớm ban hành nghị quyết, đây là cơ hội sống còn của TP.HCM.

PGS-TS Trần Đình Thiên, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế của Ủy ban T.Ư MTTQ VN, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Kích hoạt động lực công chức

Với quy mô dân số đông, khối lượng công việc nhiều và đóng góp nguồn thu lớn, việc tăng biên chế cho TP.HCM là cần thiết, song song với chính sách về thu nhập.

Tạo điều kiện cho hình mẫu phát triển mới - Ảnh 5.

SỸ ĐÔNG


Với 8 cơ chế mới về tổ chức bộ máy trong dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 năm 2017 của Quốc hội, tôi cảm nhận keyword (từ khóa) chủ đạo của các cơ chế này là phân cấp, phân quyền mạnh mẽ để TP.HCM linh hoạt, chủ động giải quyết những bất cập. Như HĐND TP.HCM được quyền xác định chỉ tiêu biên chế, linh hoạt sắp xếp cơ cấu tổ chức, nhân sự các đơn vị trực thuộc UBND TP.HCM sẽ giúp các địa phương chủ động hơn trong triển khai công việc.


Đây là cơ chế mang tính chất kích hoạt, tạo sự cân bằng, hiệu quả, khoa học, phù hợp nhất. Phân cấp là nhân tố quan trọng mà nền tảng là giao quyền chủ động cho HĐND TP.HCM trên cơ sở các quy định của T.Ư.


Với tư duy bứt phá và mạnh dạn, sáng tạo, năng động của TP.HCM, cộng với sự quyết tâm chính trị, sự ủng hộ của T.Ư, tôi tin rằng nếu có cơ chế tốt, phù hợp, TP.HCM không chỉ nộp ngân sách 400.000 tỉ/năm mà có thể 500.000, 600.000 tỉ/năm, thậm chí cả triệu tỉ đồng/năm. Quan trọng hơn nữa cần được thể chế hóa, cụ thể hóa trong luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để khả thi trong thực tiễn đời sống.


PGS-TS Vũ Tuấn Hưng, Bí thư Đảng ủy, Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN)


Tiếp tục vị thế đầu tàu kinh tế cả nước

TP.HCM là TP trực thuộc T.Ư giữ vị trí rất quan trọng, số thu ngân sách chiếm 27% tổng thu ngân sách cả nước, tỷ trọng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) rất lớn. Quy mô TP còn rất nhiều tiềm năng. Những năm qua có nhiều chính sách cho TP.HCM, sự phát triển đã khẳng định được lợi thế trên bản đồ kinh tế VN. Tuy nhiên, tiềm năng còn lớn hơn nhiều, đặc biệt nguồn lực đất đai; thứ hai là con người, với quy mô dân số, chất lượng lao động lớn. Thứ ba, vị trí và vai trò thì TP.HCM là đầu tàu kinh tế cả nước, kể cả vị trí trung tâm trong khu vực.

Chúng ta phải có tư duy và cơ chế đột phá để làm sống lại nguồn lực, khai thác và phát triển nguồn lực đó mạnh hơn, nhanh hơn. Không thể áp dụng cơ chế chung cả nước được, vì TP.HCM là mũi nhọn, đầu tàu, phải căn cứ vào điều kiện đặc thù để có phương thức, cơ chế đặc thù; thiết lập hệ thống, cơ chế để tạo ra động lực thực sự mạnh mẽ.


Tạo điều kiện cho hình mẫu phát triển mới - Ảnh 6.

TIÊU PHONG

Tự chủ mới sáng tạo, mà tự chủ thì phải phân cấp, phân quyền. Đây là vấn đề rất lớn, nhưng chúng ta phải làm và phải trao cho TP.HCM kèm theo các cơ chế giám sát. Việc thông qua nghị quyết thì sau tờ trình của Chính phủ, các ủy ban của Quốc hội sẽ thẩm tra. Nếu cơ chế đủ mạnh, giải phóng nguồn lực, thông qua sớm ngày nào thì sẽ là lợi thế phát triển cho TP.HCM và cả nước ngày đó. Đề án, cơ chế, chính sách đụng đến luật thì phải sửa luật, theo trình tự rút gọn.

Nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đức Thụ


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.