Tạo đồng thuận trong giải phóng mặt bằng

17/04/2023 10:18 GMT+7

Để công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thuận lợi, tránh tạo điểm nóng, Q.Ngũ Hành Sơn luôn lấy phương châm "vận động là chính" và mạnh dạn đề xuất chính quyền TP.Đà Nẵng xem xét giải quyết thấu tình, đạt lý cho người dân.

CHỦ ĐỘNG DI DỜI TÀI SẢN

Những ngày này, các hộ dân thuộc diện di dời, giải tỏa tại tổ 36 (P.Hòa Quý, Q.Ngũ Hành Sơn) đang khẩn trương di dời tài sản, vật dụng để nhường "đất sạch" cho dự án. Dù có những nuối tiếc khi phải rời xa nơi gia đình từng gắn bó hơn 30 năm qua nhưng vợ chồng ông Trần Thanh Tuấn (73 tuổi) và con cái cũng sẵn sàng tâm lý tái định cư. "Hôm 11.4, sau khi bàn bạc với cả gia đình, tôi đã ra trụ sở UBND quận ký biên bản nhất trí bàn giao mặt bằng. Mấy hôm nay, cả nhà tập trung chuyển tài sản để sớm ổn định đời sống tại nơi ở mới", ông Tuấn nói.

Tạo đồng thuận trong giải phóng mặt bằng - Ảnh 1.

Người dân tháo dỡ nhà cửa để bàn giao mặt bằng

HOÀNG SƠN

Để có được kết quả này, các tổ vận động của chính quyền địa phương đã làm việc kiên trì suốt thời gian dài. Ông Mai Niên, Phó chủ tịch UBND Q.Ngũ Hành Sơn, cho biết GPMB gắn liền và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, kinh tế, sinh hoạt của mỗi hộ dân nên không thể tránh khỏi những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Để công tác này được tiến hành thuận lợi, tránh tạo điểm nóng, tránh tình trạng khiếu kiện khiếu nại kéo dài, vượt cấp của các hộ dân…, ngoài áp dụng đúng quy định, quy trình bồi thường, tái định cư còn cần có sự chỉ đạo, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm sao cho phù hợp thực tế đối với từng hoàn cảnh gia đình.

Trên cơ sở kế hoạch chi tiết số 38 ngày 24.3.2023, UBND Q.Ngũ Hành Sơn đã ban hành tiến độ GPMB đối với các dự án, trong đó ghi rõ từng nội dung tồn đọng, vướng mắc, giao thời gian hoàn thành cụ thể cho cơ quan, đơn vị xử lý... Chính quyền quận tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư; rà soát hoàn thiện hồ sơ pháp lý, tổ chức đi thực tế để xem xét giải quyết thấu tình, đạt lý cho nhân dân. Ngoài ra, trong quy trình giải tỏa đền bù, công tác vận động luôn được cả hệ thống chính trị quan tâm làm sao cho các hộ dân giải tỏa đền bù nắm rõ được các quy định của pháp luât liên quan để họ đồng thuận. "Trong những năm qua, lãnh đạo quận luôn đặt công tác GPMB là nhiệm vụ trọng tâm của quận", ông Niên nói.

KHI LÒNG DÂN ĐỒNG THUẬN

Theo ông Cao Thanh Hoàng, Giám đốc Ban GPMB Q.Ngũ Hành Sơn, tính đến cuối năm 2022, Ban tiếp nhận chuyển giao 80 dự án, đã hoàn thành 43 dự án với 3.037 hồ sơ đã bàn giao mặt bằng. Đầu năm 2023, UBND TP.Đà Nẵng ban hành kế hoạch đền bù giải tỏa các dự án trên địa bàn quận với tổng số 38 dự án, khu vực dự án đang thực hiện dở dang. Trong 3 tháng đầu năm 2023, quận đã hoàn thành 1 dự án nhóm 1, là dự án tuyến đường 11,5 m từ khu số 4 mở rộng - Khu đô thị mới Nam cầu Tuyên Sơn đến khu số 4 Vệt khai thác quỹ đất dự án mở rộng đường Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa. Số tiền chi trả lũy kế từ nguồn kế hoạch vốn là gần 12 tỉ đồng.

Tạo đồng thuận trong giải phóng mặt bằng - Ảnh 2.

Vợ chồng ông Trần Thanh Tuấn dọn dẹp đồ đạc để chuyển đến nơi ở mới

Theo ông Hoàng, có được kết quả trong GPMB thời gian qua là nhờ sự sáng tạo trong cách làm cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở trong công tác vận động nhân dân bàn giao mặt bằng, hạn chế thấp nhất phải dùng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất. Trong công tác giải quyết đơn thư tại các dự án, Ban thường xuyên kiểm tra, rà soát, phối hợp các đơn vị liên quan trả lời dứt điểm cho nhân dân được rõ, tránh tình trạng người dân phải đi lại và gửi đơn nhiều lần. Đối với các đơn kiến nghị có những yếu tố, cơ sở cần phải xem xét giải quyết, Ban GPMB tham mưu Hội đồng tổ chức họp, kiểm tra thực tế và tổ chức tiếp dân nhằm giải quyết dứt điểm, tạo niềm tin trong nhân dân…

Phó chủ tịch UBND Q.Ngũ Hành Sơn Mai Niên cho biết thêm, với định hướng xây dựng thành đô thị hiện đại phía đông nam TP.Đà Nẵng, ngay sau khi được thành lập nhiều dự án hạ tầng đô thị đã triển khai trên địa bàn quận. Trong đó, giai đoạn 2005 - 2015, quận như một "đại công trường" khi cùng lúc có hàng trăm dự án được khởi động với hàng ngàn hộ dân phải di dời, giải tỏa và hàng chục ngàn ngôi mộ phải di chuyển lên Nghĩa trang Hòa Sơn. "Nhưng đáng quý ở chỗ, người dân đã chấp nhận một cuộc đổi thay, hy sinh một phần lợi ích riêng cho sự bứt phá đi lên của quê hương Ngũ Hành Sơn. Những con đường huyết mạch như Ngũ Hành Sơn, Lê Văn Hiến nối dài từ ngã tư Tiên Sơn về thẳng đến cầu Biện, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Chí Công nối địa bàn quận Ngũ Hành Sơn với các quận, huyện lân cận… Rồi những con đường ngang như Minh Mạng, Nguyễn Duy Trinh, Sư Vạn Hạnh, Non Nước, Huyền Trân Công Chúa tạo thành những tuyến đường trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương nói riêng, TP nói chung", ông Niên nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.