Tảo mộ

23/10/2022 15:00 GMT+7

Hằng năm, cứ sau khi lặt xong lá của cây mai vàng “cổ thụ” - loại hoa có năm cánh đứng chiễm chệ trước sân nhà độ 2, 3 ngày là ông nội hối anh em, con cháu sắp xếp thời gian về quê “quét mộ” (tảo mộ) ông bà.

Ông nội thường nói: “Tết nhất con cháu ai cũng biết lo trang hoàng, sắm sửa nhà cửa của mình khang trang, đủ đầy mà để mồ mả ông bà nằm chỏng chơ trong quạnh hiu, hoang phế là tội lắm, là bất hiếu lắm. Tranh thủ về để còn biết mồ mả tổ tiên nằm tản mạn ở đâu, biết dòng tộc anh em con cháu xa gần ở đâu mà chào hỏi, viếng thăm!”.

Thông thường, mộ phần của bà sơ sẽ được quét dọn trước. Bà sơ là mẹ đẻ ra ông cố của tôi, tức là bà nội của ông nội tôi. Đây là phần mộ lâu đời nhất với tuổi đời ngót nghét trăm năm mà dòng tộc chúng tôi còn có được, các đời trước nữa giờ đã nhiều mơ hồ, muốn truy tìm cũng không thể. Đường đến mộ bà sơ khá xa và phải đi qua nhiều con rạch nhỏ nên chỉ có thể đi bằng phương tiện ghe chèo hay xuồng bơi. Gặp con nước ngược và chở khẳm nên xuồng bơi di chuyển khá chậm nhưng tiếng nói cười của con cháu đi “quét mộ” thì cứ rôm rả cả một khúc sông. Con nước miền Tây nặng hạt phù sa nên có màu đỏ quạch như máu đang cuồn cuộn chảy trong hệ thống sông ngòi chằng chịt, len lỏi vào từng thửa ruộng, tấc đất làm nên sự màu mỡ và trù phú, bốn mùa cây trái xanh tươi của vùng đồng bằng châu thổ.

Đến nơi, ông nội tôi đốt lên 3 nén nhang khấn vái, trình với bà sơ về việc con cháu tụ họp quét dọn phần mộ cho bà. Sau khi khấn xong thì đoàn chúng tôi tiến hành dọn dẹp, cánh thanh niên khỏe mạnh thì dùng dao phát quang bụi rậm hay dùng len xắn ít đất sạch gần đó để tu sửa lại phần đất mộ đã bị nắng mưa bào mòn; quý cô thì có nhiệm vụ làm sạch “cỏ mộ” hay dùng bàn chải hoặc xơ dừa kết hợp với nước để đánh bay lớp rong rêu bám cũng như lớp vôi tô đã bị loang lỗ, bong tróc trước khi khoác lên mình ngôi mộ lớp vôi trắng sáng. Mọi người vừa làm vừa trò chuyện hỏi thăm nhau, kể lại cho con cháu nghe những tích xưa liên quan đến người đã mất hay làm rõ mối quan hệ họ hàng trong dòng tộc. Sau khi hoàn tất “quét mộ” cho bà sơ, ông nội tôi lại rút 3 nén nhang mới để đốt và bày lên trên phần mộ một ít giấy vàng mã, giấy ngũ sắc khiến cho quang cảnh ngôi mộ trở nên xinh tươi, vui mắt và ấm áp. Mọi người khấn vái trước mộ bà sơ lần cuối và xin phép được cáo lui.

Sau khi “quét mộ” cho bà sơ xong thì đoàn chúng tôi tự giải tán, mỗi nhánh nhỏ trong đại gia đình trở về nhà riêng và tiến hành “quét mộ” đối với những phần mộ còn lại trong dòng họ, người thân. Phía sau hè nhà ông bà nội tôi có khoảng 5 công đất trồng lúa mà ở cuối là bờ ruộng được đắp đất thật cao với bề ngang tầm bốn mét hơn, nơi đó có “giấc ngủ ngàn thu” của những người thân trong gia đình tôi: mộ phần của ông bà cố (ba mẹ của ông nội), ông Út (em của ông nội), bà nội, ba và cô Ba. Các công đoạn “quét mộ” ở đây cũng được tiến hành tươm tất như ở phần mộ bà sơ. Nhìn ông nội tôi chống gậy đi từng bước chậm chạp với mái tóc đã bạc trắng phơ phơ, còn tóc của cô chú tôi thì cũng “phai màu theo tháng năm”, đang quây quần “quét mộ” cho người thân nhân dịp “tết đến xuân về”, trông thật thương. Ông nội dặn chúng tôi khi ông mất, ông muốn được an nghỉ phía dưới chân – nơi phần mộ của ba mẹ ông và nằm bên cạnh phần mộ của bà nội tôi. Có chút gì đó nghèn nghẹn, cay cay nơi sống mũi cháu con!

Ai rồi cũng chết. Đó là quy luật tất yếu của tạo hóa. Cuối năm 2019, ông nội tôi cũng đã quy tiên sau một cơn bạo bệnh, khép lại một kiếp nhân sinh, nhưng cái tình máu mủ, dòng họ thì vẫn đong đầy trong trái tim những người còn sống, nhất là tình cảm gia đình và nhân cách sống ở đời của ông.

Một mùa xuân mới lại về. Cây mai vàng trước sân nhà nội được con cháu thay ông lặt lá; mộ phần ông bà, dòng tộc cũng được quét dọn sạch sẽ, tinh tươm, khói nhang lan tỏa. Cặp triền đê đi về phía mồ mả ông bà, có nhiều loài cây “hoa đồng cỏ nội” như rau trai, rau muống, vòi voi, cây nổ (sâm tanh tách), cỏ mực, bìm bìm, cứt lợn (hoa ngũ sắc), xuyến chi… đua nhau khoe sắc như chào đón những bước chân quen, như minh chứng cho một đời thủy chung với đất, với quê.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.