Tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển

28/12/2018 04:56 GMT+7

Chiều qua (27.12), Chính phủ đã họp phiên thường kỳ cuối cùng trong năm 2018 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc .

Một trong những vấn đề được Chính phủ ưu tiên thảo luận tại phiên họp là một số báo cáo tình hình thực hiện chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nghị quyết của T.Ư về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế (Nghị quyết 05); Nghị quyết hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN (Nghị quyết 11); Nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN (Nghị quyết 10) và Nghị quyết 24 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.
Đối với việc thực hiện Nghị quyết 10 của T.Ư về phát triển kinh tế tư nhân, theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, nguồn lực cho khu vực này thời gian gần đây dần được khơi thông. Cụ thể, dư nợ tín dụng của khối dân doanh liên tục tăng qua các năm và chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống với mức 87,35% tại thời điểm tháng 9.2018.
Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển lĩnh vực này, trong đó có việc đã chuyển 1.395 phản ánh, kiến nghị tới các bộ, ngành xử lý theo thẩm quyền trong gần 1 năm từ tháng 10.2017 đến tháng 7.2018, và có hơn 85% đã được trả lời. Dù vậy, Thủ tướng cho rằng một số địa phương chưa có chương trình hành động thực hiện nghị quyết này, đặc biệt là thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, khung pháp lý để phát triển kinh tế tư nhân. Các cấp, các ngành, địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi như về vốn, đất đai… để kinh tế tư nhân phát triển. “Chính phủ đã trao đổi với lãnh đạo Ban Kinh tế T.Ư về việc phối hợp kiểm tra một số ngành, địa phương về phát triển kinh tế tư nhân, nhất là các địa phương trọng điểm, để thúc đẩy vấn đề này”, Thủ tướng nói.
Trước đó, người đứng đầu Chính phủ đã điểm lại một số nét chính về kinh tế - xã hội năm qua với những nét ấn tượng như: GDP tăng trưởng ở mức cao (7,08%), thu ngân sách T.Ư vượt kế hoạch, xuất siêu cán mốc kỷ lục hơn 7 tỉ USD. Cùng với đó, chất lượng, mô hình tăng trưởng có chuyển biến tích cực khi mà tăng trưởng tín dụng ở mức thấp và sản lượng dầu thô khai thác giảm. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới năm nay cũng cao hơn so với các năm trước…
Dù vậy, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế. Đó là việc chỉ đạo thực hiện 3 đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại và nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra; giải ngân đầu tư công còn chậm. Tình trạng ô nhiễm môi trường, thiên tai, bão lũ, sạt lở đất bờ sông, bờ biển nhiều nơi diễn ra nghiêm trọng nhưng chưa có giải pháp toàn diện, căn cơ. Xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc, nhất là một số lĩnh vực liên quan đến người dân.
Hôm nay (28.12), Chính phủ sẽ dành một ngày để họp trực tuyến với các địa phương, bàn về thực hiện các nghị quyết của T.Ư, của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại năm 2019. Dự kiến Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ tham dự và phát biểu tại hội nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.