Đại hội thi đua quyết thắng Quân khu 7

Tạo nguồn cán bộ cơ sở biết coi trọng phẩm giá

11/07/2024 04:49 GMT+7

Sau quá trình áp dụng, mô hình lớp học tự quản của Tiểu đoàn 1 (Trường quân sự Quân khu 7) đã góp phần hình thành ý thức tự giác, tự rèn, tự học cho học viên và mang lại hiệu quả cao trong công tác quản học viên ngành quân sự cơ sở.

Tiểu đoàn hoạt động "qua loa"

Tiểu đoàn 1 là đơn vị trực thuộc Trường quân sự Quân khu 7, được giao nhiệm vụ quản lý các học viên đại học, cao đẳng, liên thông đại học, liên thông cao đẳng và đại học văn bằng 2 ngành quân sự cơ sở ngay từ khóa đầu tiên.

Hằng năm, Tiểu đoàn 1 quản lý từ 450 - 800 học viên; hiện tại đang quản lý hơn 500 học viên ngành quân sự cơ sở, thuộc 3 loại hình đào tạo gồm đại học, cao đẳng chính quy, đại học văn bằng 2. Tiểu đoàn 1 được chia thành 14 đầu lớp, quân số các lớp từ 30 - 54 học viên.

Về quá trình ra đời mô hình lớp học tự quản, chia sẻ với Thanh Niên, thượng tá Nguyễn Hữu Sáng, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Tiểu đoàn 1 cho biết, từ tháng 6.2022, Tiểu đoàn 1 chỉ còn biên chế khung 5 cán bộ (3 cán bộ Tiểu đoàn và 2 trợ lý) có thời điểm thiếu vắng do đi học bồi dưỡng, đi công tác... Cùng với đó, số lượng học viên cần quản lý quá lớn, dao động từ khoảng 700 người, nên tác động không nhỏ đến công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện học viên.

"Chính vì thế, Đảng ủy, Ban chỉ huy Tiểu đoàn đã thành lập 14 đầu lớp học, các lớp tự bình chọn ban cán sự lớp (lớp trưởng, lớp phó; bí thư, phó bí thư chi bộ; bí thư, phó bí thư chi đoàn, chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng quân nhân). Đồng thời, thành lập 7 chi bộ chính thức trực thuộc đảng bộ Tiểu đoàn (các chi bộ từ 30 - 75 đảng viên), 7 tổ chức đoàn và 7 hội đồng quân nhân. Đa phần cán bộ đều là học viên kiêm nhiệm chưa qua môi trường rèn luyện quân đội, chưa có nhiều kinh nghiệm, nên có nhiều bỡ ngỡ, sự chênh lệch về trình độ, độ tuổi, hoàn cảnh gia đình…", thượng tá Sáng cho biết.

Nhận thấy những khó khăn trong quá trình tổ chức lớp, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 1 triển khai xây dựng mô hình lớp học tự quản, thực hiện 3 yêu cầu đối với học viên: tự quản, tự giác, tự trọng. Đối tượng học viên ngành quân sự cơ sở sau khi ra trường là nguồn cán bộ ban chỉ huy quân sự của địa phương, vì thế phải rèn cho học viên hình thành ý thức trách nhiệm ngay từ còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thượng tá Sáng chia sẻ, những ngày đầu thực hiện mô hình, cán bộ tiểu đoàn làm việc trực tiếp với học viên tự quản. "Vì tiểu đoàn tập trung sinh hoạt tại 2 dãy nhà cao 3 tầng lầu nên cán bộ quản lý không thể đi đến từng lớp, từng phòng để nhắc nhở. Do đó, chúng tôi sử dụng hệ thống loa phóng thanh gắn tại các dãy nhà để thông báo, nhắc nhở học viên. Chính điều này mà thủ trưởng cơ quan nói vui rằng Tiểu đoàn 1 hoạt động 'qua loa', nhưng điều đó mang lại hiệu quả rất cao", quản lý Tiểu đoàn 1 kể.

Tạo nguồn cán bộ cơ sở biết coi trọng phẩm giá- Ảnh 1.

Học viên Tiểu đoàn 1 trong một giờ học tại lớp

THÚY LIỄU

Kết quả vượt bậc

Có thể nói, mô hình lớp học tự quản là bước tiến mới trong công tác quản lý, giáo dục học viên trong tình hình thực tế của Tiểu đoàn 1.

Học viên tiểu đoàn đã xây dựng ý thức tự giác học tập và rèn luyện, nắm chắc mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục và đào tạo của nhà trường; phấn đấu học tập và rèn luyện đạt kết quả cao nhất; tự hình thành niềm tin và ý chí phấn đấu của mình; tin ở tổ chức cấp trên, tin ở nhiệm vụ, tin ở đồng đội, tin ở môi trường giáo dục đào tạo.

"Về tự quản, tự giác: học viên sẽ thực hiện theo chế độ quy định trong ngày, tập thể dục, đơn vị sẽ lập kế hoạch đôn đốc học viên thực hiện rèn luyện một cách tự giác. Bên cạnh đó, đơn vị còn rèn luyện ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật và thực hiện nghiêm các chế độ quy định của quân đội cho học viên như 11 chế độ trong ngày và 3 chế độ trong tuần. Về tự trọng: Với đặc thù học viên ngành quân sự cơ sở đều là cán bộ chỉ huy trưởng, phó chỉ huy trưởng, dân quân thường trực các xã, phường, và mục tiêu đào tạo tại trường là trở thành cán bộ địa phương sau này, do đó chúng tôi xây dựng cho học viên về lòng tự trọng, tự ý thức được vị trí, vai trò của bản thân, coi trọng danh dự, phẩm giá của chính mình", thượng tá Sáng chia sẻ.

Bên cạnh đó, Tiểu đoàn 1 còn thực hiện phân công tổ 3 người trong học tập gắn với mô hình "đôi bạn cùng tiến", các học viên hướng dẫn nhau cùng học, cùng trao đổi để tiến bộ. Quản lý Tiểu đoàn 1 chia sẻ, có những học viên tuổi đời còn trẻ, vừa học xong phổ thông, vào dân quân thường trực của địa phương và được cử đi học nên chưa quen với nề nếp sinh hoạt của môi trường quân đội. Nhưng qua thời gian học tập, được các anh trong đơn vị hỗ trợ, hiện tại các học viên này đã hòa nhập và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thượng tá Sáng cho hay, chính nhờ những nỗ lực của tập thể Ban chỉ huy Tiểu đoàn cùng sự quyết tâm của các học viên, kết quả thi tốt nghiệp và kiểm tra kết thúc các môn học của học viên đều đạt yêu cầu, tỷ lệ khá giỏi cao; 100% học viên đều tốt nghiệp ra trường, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Anh Nguyễn Chí Tình, học viên lớp đại học quân sự cơ sở khóa 72, trực thuộc Tiểu đội 1 cho biết: "Thời gian đầu thực hiện mô hình này, chúng tôi cũng còn nhiều bỡ ngỡ, có học viên còn ngủ quên do không có ai đốc thúc. Nhưng rồi qua vài ngày, anh em tự bảo ban nhau thực hiện nội quy, tôn trọng giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh rồi cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Học viên chúng tôi xác định mình học để trở thành người cán bộ quân sự địa phương nên tự quản, tự giác, tự trọng để hoàn thiện bản thân, chấp hành nghiêm mọi quy định, kỷ luật của đơn vị".

Tạo nguồn cán bộ cơ sở biết coi trọng phẩm giá- Ảnh 2.

Học viên Tiểu đoàn 1 học bắn súng tiểu liên AK

THÚY LIỄU

Sáng kiến hay và thiết thực

Đánh giá hoạt động, kết quả thực hiện mô hình lớp học tự quản của Tiểu đoàn 1, đại tá Bùi Văn Dự, Phó hiệu trưởng phụ trách giáo dục đào tạo Trường quân sự Quân khu 7 nhận xét, đây là mô hình hay, có thể đưa vào mô hình mẫu, nhân rộng trong đơn vị, mang lại hiệu quả cao trong công tác quản học viên ngành quân sự cơ sở.

Trường quân sự Quân khu 7 hiện đang quản lý, đào tạo 19 đối tượng học viên với 59 chương trình đào tạo. Mỗi năm, trường đào tạo khoảng 30.000 học viên, sinh viên.

Bên cạnh đó, trường còn đăng cai tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng, hội thi, hội thao do Bộ Quốc phòng và Quân khu 7 tổ chức. Trường quân sự Quân khu 7 còn bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho lãnh đạo của các ban ngành, địa phương thuộc đối tượng 2, các chức sắc, tôn giáo, già làng, trưởng bản; tập huấn, bồi dưỡng cho Quân đội Hoàng gia Campuchia, liên kết đào tạo nhiều chuyên ngành với các học viện, trường học trong và ngoài quân đội, thực hiện nhiều nhiệm vụ do Quân khu 7 và Bộ Quốc phòng giao.

Đại tá Bùi Văn Dự cho biết: "Trong những năm qua, trường đã tiếp nhận, đào tạo 2.574 học viên là chỉ huy cấp xã, phường, thị trấn. Chất lượng học viên năm sau cao hơn năm trước. Riêng năm 2024 đã tiếp nhận 313 học viên, trong đó đảng viên là 243 người".

Theo đại tá Dự, quản lý học viên ngành quân sự cơ sở tại trường thời gian qua còn có một số khó khăn nhất định, nhưng khó khăn lớn nhất là số lượng học viên lớn, có tuổi đời, hoàn cảnh gia đình, trình độ học vấn khác nhau, thời gian và loại hình đào tạo khác nhau nhưng lại không biên chế cán bộ quản lý cấp đại đội, trung đội.

"Để tháo gỡ vấn đề này, trường đã chỉ đạo thành lập chi bộ lớp, lựa chọn học viên làm bí thư, phó bí thư, cán bộ lớp kiêm nhiệm theo mô hình "3 tự" - tự quản, tự giác, tự trọng. Tiếp đó, Nhà trường phối hợp tốt với chính quyền địa phương chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, kịp thời gặp gỡ động viên, giúp đỡ những học viên có hoàn cảnh khó khăn, để yên tâm học tập, công tác".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.