Loài ốc sên biển Conus geographus có phương thức săn mồi hết sức độc đáo. Chúng sẽ bò qua các rạn san hô để tìm con mồi. Khi phát hiện mục tiêu, thường là các loại cá nhỏ, ốc sên sẽ phun nọc độc vào vùng nước xung quanh, theo Daily Mail.
Nọc độc của ốc sên Conus geographus thực chất là một dạng insulin độc đáo, khiến đường huyết của những con cá gần đó bị giảm mạnh và tê liệt tạm thời. Sau đó, con ốc sên sẽ đến và ăn thịt con mồi.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Utah (Mỹ) phát hiện insulin trong nọc độc của ốc sên có các đặc điểm tương tự như insulin trong cơ thể người. Dù không mạnh như insulin của người nhưng insulin trong nọc độc của ốc sên lại có tác dụng nhanh hơn, theo Daily Mail.
Nhóm nghiên cứu ước tính để kiểm soát hiệu quả đường huyết người bệnh, insulin của ốc sên phải mạnh hơn 20 đến 30 lần. Do đó, các nhà khoa học đã tìm cách khiến insulin trong nọc độc ốc sên có tác dụng mạnh hơn. Họ đã tiến hành thử nghiệm trên chuột và nhận được những kết quả tích cực.
Vì tác dụng nhanh hơn nên loại insulin này sẽ làm giảm nguy cơ gây tăng đường huyết đột ngột và nhiều biến chứng nghiêm trọng của tiểu đường, nhà khoa học Helena Safavi, một trong những tác giả của nghiên cứu, giải thích.
Nọc độc của ốc sên Conus geographus được kỳ vọng sẽ là nguyên liệu để tạo ra phương thuốc mới giúp điều trị bệnh tiểu đường an toàn và hiệu quả hơn, theo Daily Mail.
Bình luận (0)