Tạo “sân chơi” bình đẳng, minh bạch trong đấu giá tài sản thi hành án dân sự

24/07/2020 15:46 GMT+7

Cục trưởng Cục THADS TP.HCM yêu cầu phải tạo sân chơi bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức đấu giá tài sản; chấp hành viên phải đặt mục tiêu công khai, minh bạch, không gây thiệt hại cho tổ chức cá nhân liên quan.

Ngày 24.7, Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM tổ chức tọa đàm về đấu giá tài sản trong THADS, với sự tham gia của Chi cục trưởng 24 Chi cục THADS quận/huyện, gần 20 trung tâm đấu giá tại TP.HCM và đại diện Sở Tư pháp TP.HCM. Tọa đàm nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như chấn chỉnh thực trạng thông đồng, dìm giá trong bán đấu giá tài sản.

Thông tin rộng rãi bán đấu giá tài sản

Ông Đỗ Bình Hà, Chánh văn phòng Cục THADS TP.HCM, cho biết thực hiện chỉ đạo của Tổng cục trưởng Tổng cục THADS về việc đăng tải thông tin liên quan đến bán đấu giá tài sản THADS trên cổng/trang thông tin điện tử THADS, Cục trưởng Cục THADS TP.HCM đã yêu cầu các đơn vị đăng tải 100% các thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, các thông báo liên quan đến bán đấu giá tài sản, kết quả bán đấu giá tài sản lên trang thông tin điện tử của Cục THADS TP.HCM; đăng tải thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản trên cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản của Bộ Tư pháp.
Về mẫu hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản THADS, trong đó với quy định yêu cầu bên tổ chức đấu giá tài sản phải thông báo công khai trên báo in gồm một trong các báo: Thanh Niên, Pháp luật VN, Pháp luật TP.HCM, Tuổi Trẻ, Sài Gòn Giải Phóng. Một số tổ chức bán đấu giá cho rằng việc liệt kê cụ thể 5 tờ báo trong hợp đồng liệu có phù hợp với quy định pháp luật.
Ông Trần Đình Hoàng, Trưởng phòng Nghiệp vụ 2 (Cục THADS TP.HCM), cho biết việc đăng thông báo công khai việc đấu giá tài sản, quy định pháp luật chỉ nêu đăng ít nhất 2 lần trên một tờ báo T.Ư hoặc địa phương, nơi có tài sản đấu giá, nhưng Cục THADS liệt kê một số tờ báo, là những báo có lượng bạn đọc nhất định, để thông tin được thông báo rộng rãi, nhằm đảm bảo công tác quản lý bán đấu giá nên mong tổ chức bán đấu giá chia sẻ và thực hiện theo yêu cầu.
Trưởng phòng nghiệp vụ 2 - ông Trần Đình Hoàng mong các tổ chức đấu giá chia sẻ khi cơ quan thi hành đưa ra một số tờ báo buộc tổ chức đấu giá phải lựa chọn, đăng thông báo bán đấu giá.

Ảnh: CẨM TÚ

Ông Phạm Văn Sỹ (Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM, Sở Tư pháp), cho rằng mục đích việc bán đấu giá là phải công khai, và có nhiều người tham gia mua để tài sản bán được với giá tốt nhất. Do đó, việc liệt kê đăng thông báo trên một số báo như liệt kê cũng phù hợp. Tuy nhiên, luật cho phép đăng thông báo ít nhất hai lần trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản. Vì vậy, nếu tổ chức bán đấu giá thấy cần thiết thì có thể đăng thêm thông tin về việc bán đấu giá trên trang thông tin điện tử chuyên ngành về bất động sản...

Công khai kết quả thanh tra các tổ chức đấu giá

Ngoài ra, theo ông Đỗ Huy Du, Chi cục trưởng Chi cục THADS Bình Tân, các cơ quan chuyên môn nên công khai công tác kiểm sát, kết quả thanh tra các tổ chức đấu giá để chấp hành viên có sự lựa chọn tổ chức đấu giá phù hợp.
Kết luận buổi toạ đàm, Cục trưởng Cục THADS TP.HCM Vũ Quốc Doanh thông tin, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều công ty đấu giá, công ty nào uy tín thì THADS sẽ lựa chọn để ký hợp đồng bán đấu giá tài sản. Đây là lĩnh vực được các ngành, các cấp quan tâm và đang xây dựng mô hình đấu giá trực tuyến như ở Hàn Quốc, Hà Lan. Ông Doanh cũng đề nghị cần tạo sân chơi bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức đấu giá tài sản và các chấp hành viên phải đặt mục tiêu công khai minh bạch, không gây thiệt hại cho tổ chức cá nhân liên quan, để tránh tình trạng bị hủy kết quả bán đấu giá tài sản.
Dẫn chứng cho bước khởi đầu của mục tiêu tạo sân chơi bình đẳng, minh bạch, ông Doanh cho biết Cục THADS TP.HCM đã ban hành quy trình thực hiện lựa chọn tổ chức thẩm định giá, đấu giá tài sản THADS. Theo ông Doanh, đây là bước đột phá của Cục THADS TP.HCM và Tổng cục đang dựa vào quy trình này để tham khảo, xây dựng một quy trình chung cho ngành.
Ông Nguyễn Thành Băng (Phó trưởng phòng Bổ trợ Tư pháp - Sở Tư pháp TP), chia sẻ rằng trên phương diện quản lý Nhà nước, trường hợp Sở Tư pháp phát hiện vi phạm thì chỉ dừng ở mức độ xử phạt vi phạm hành chính, không có quyền trực tiếp yêu cầu tổ chức đấu giá dừng cuộc đấu giá. Tuy nhiên, theo quy định của luật Đấu giá tài sản thì người có tài sản đấu giá có quyền dừng cuộc đấu giá, đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu tổ chức đấu giá có hành vi cản trở, thông đồng. Do đó, Sở Tư pháp đề nghị cơ quan THADS quán triệt chấp hành viên cần tăng cường công tác giám sát và thực hiện các quyền của người có tài sản.
Bên cạnh đó, ông Băng đề nghị Cục THADS TP chỉ đạo chấp hành viên căn cứ vào tính đặc thù từng tài sản đấu giá mà xây dựng các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá. Ngoài thủ tục đăng tin lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, Cục THADS cần quán triệt chấp hành viên thực hiện cập nhật thông tin kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Trong đó nêu rõ lý do tại sao chọn tổ chức đấu giá này và không chọn tổ chức đấu giá kia để góp phần tăng tính minh bạch. Tiêu chí cần lựa chọn tổ chức đấu giá có năng lực, trang thiết bị tốt nhất để đem lại giá trị cao nhất khi bán đấu giá tài sản.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.