Tạo thể chế thông thoáng trong phát huy, sử dụng nhân tài

05/01/2017 06:34 GMT+7

Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến ngành khoa học - công nghệ do Bộ KH-CN tổ chức ngày 4.1.

Nghiên cứu nhiều, ứng dụng ít
Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh, mặc dù ngành KH-CN đã đạt được những kết quả nhất định đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế xã hội, tuy nhiên, cơ chế tài chính cho KH-CN còn bất cập, chưa hấp dẫn để thu hút các nguồn lực xã hội và doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, chính sách trọng dụng, sử dụng cán bộ cũng chưa đủ mạnh để thu hút được các nhà khoa học trẻ, tài năng, nhà khoa học là người VN ở nước ngoài tham gia các nhiệm vụ KH-CN.
Không để tình trạng như vừa qua, thừa quá nhiều, anh nào cũng tin học, anh nào cũng kế toán, khoa học cơ bản và khoa học tự nhiên thì ít có người đi học...

GS-TS Tạ Ngọc Tấn, Phó chủ tịch Hội đồng lý luận T.Ư, thẳng thắn: “Giới KH-CN đánh giá cao Thông tư 55 liên bộ Tài chính và KH-CN đã cởi mở về vấn đề tài chính, xử lý vấn đề kinh phí trong phục vụ nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, phần khoán công lao động, những thuyết minh, liên quan đến kinh phí vô cùng khó khăn phức tạp. Đến tôi cũng phải đầu hàng, dứt khoát phải có chuyên gia về tài chính, kế toán mới giải quyết được. Để quyết toán bây giờ vẫn là hồ sơ rất dày, trong khi vấn đề quan trọng không phải tấm hồ sơ quyết toán mà là kết quả nghiên cứu khoa học thông qua hội đồng khoa học có tầm cỡ, đủ uy tín về mặt khoa học để đánh giá”.
GS Tấn đề nghị, nhà nước tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, đánh giá từ khâu đầu tiên, đặt hàng, nghĩ đề tài đến hiệu quả đề tài. “Tại sao không thể khoán đề tài nghiên cứu, hợp đồng với nhà nghiên cứu. Ông làm xong, tốt thì nhận tiền, không xong ông đền tôi”, GS Tấn nêu vấn đề.
Lần đầu tiên, VN xuất khẩu nông lâm thủy sản, đặc biệt là trái cây trên 32 tỉ USD; lần đầu tiên, có trên 110.000 doanh nghiệp thành lập với số vốn đăng ký hơn 891.000 tỉ đồng, trong đó có nhiều doanh nghiệp KH-CN. Đánh giá cao những kết quả đã đạt được của ngành KH-CN, tuy nhiên theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năng lực cạnh tranh của VN xếp thứ 56 trên thế giới, nhưng chỉ số sẵn sàng công nghệ lại đứng thứ 92/140. “Chúng ta nghiên cứu nhiều lĩnh vực, nhưng trong thực tiễn tôi thấy ứng dụng ít. Đầu tư cho KH-CN cần bám sát hơn nhu cầu thực tiễn và thiết thực hơn ưu tiên cho các đề tài đề án thiết thực phục vụ đất nước. Bên cạnh đó, cần xem xét lại hội đồng đề tài, có lúc còn cảm tính, ít sát thực tế nên hiệu quả sử dụng còn thấp”, Thủ tướng phát biểu.
Đừng để nhà khoa học phải lo đi mua hóa đơn
Theo Thủ tướng, muốn phát triển KH-CN thành công cần phải có 6 yếu tố: thể chế, cơ chế, môi trường; con người; nguồn lực; cơ sở hạ tầng; năng lực hội nhập; năng lực kiến tạo quản trị của nhà nước cho KH-CN. “Nếu chúng ta có thiết chế quản lý kém thì không khuyến khích được KH-CN. Vì vậy phải phá bỏ mọi thể chế kìm hãm KH-CN, tạo những thể chế thông thoáng trong phát huy, sử dụng nhân tài, kể cả người chưa vào Đảng, kiều bào là những nhà khoa học ở nước ngoài nhưng có nguyện vọng cống hiến năng lực và kinh nghiệm cho quê hương”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh: “Tinh thần chung là khai phá mọi nguồn nhân lực sáng tạo để đưa đất nước tiến lên vững vàng. Việc tháo gỡ các thể chế kìm hãm sự phát triển của KH-CN thì chính Bộ KH-CN phải đề xuất lên T.Ư Đảng, Chính phủ”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, ngành KH-CN phải bảo đảm năng lực thực thi pháp luật trong việc bảo vệ quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, nếu không VN không thể phát huy nội lực và tranh thủ ngoại lực. “Không có tập đoàn quốc tế nào muốn đặt trung tâm nghiên cứu và thiết kế ở VN nếu họ e ngại về quyền sở hữu trí tuệ. Năm 2017, về môi trường cạnh tranh chúng ta phải đứng ở top đầu ASEAN, trong đó sở hữu trí tuệ phải đóng vai trò nâng thang bậc lên”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát, đánh giá toàn bộ đội ngũ cán bộ khoa học của VN để xây dựng quy hoạch chiến lược đào tạo và sử dụng tối ưu. “Không để tình trạng như vừa qua, thừa quá nhiều, anh nào cũng tin học, anh nào cũng kế toán, khoa học cơ bản và khoa học tự nhiên thì ít có người đi học...”, Thủ tướng lưu ý Bộ KH-CN phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT trong vấn đề này.
Trước kiến nghị của các bộ, ngành, các nhà khoa học về những thủ tục hành chính cản trở họ trong nghiên cứu khoa học, Thủ tướng chỉ đạo phải tách hoạt động khoa học ra khỏi hoạt động hành chính, tránh tình trạng hành chính hóa nghiên cứu khoa học. Thủ tướng bày tỏ: “Nếu nhà khoa học suốt ngày chỉ nghĩ về thủ tục hành chính thì rơi rụng về am hiểu chuyên môn, trong khi am hiểu thủ tục hành chính tăng lên. Hãy làm quen với tư duy quản lý khoa học bằng kết quả chứ không nên dựa vào quá trình. Đừng để nhà khoa học phải đi mua hóa đơn vất vả”.
Thủ tướng yêu cầu cần đẩy mạnh hội nhập, coi hội nhập KH-CN là nội dung quan trọng để chuyển giao tiến bộ KH-CN vào VN. Thủ tướng nhấn mạnh: “Đây là cơ hội lớn, nếu bỏ lỡ ta sẽ tụt lại xa hơn. Thủ tướng luôn lắng nghe và sẵn sàng tiếp mọi cán bộ khoa học muốn đóng góp xây dựng Tổ quốc VN. Các tham tán KH-CN ở các nước phải chú ý làm nhiệm vụ này, đừng để nhiệm vụ chính là đưa con đi học, ưu đãi chính sách”.
Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành và địa phương đầu tư cho cho KH-CN, đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp KH-CN. Theo Thủ tướng, hiện tại nhà nước đầu tư cho KH-CN là 70%, còn xã hội hóa là 30%. Tới đây, phải thay đổi lại, chính sách khuyến khích đầu tư hướng tới 70% cho KH-CN từ xã hội hóa, còn lại 30% là nhà nước đầu tư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.