(TNO) Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ở Singapore ngày 30.5 tuyên bố tàu thuyền và máy bay Mỹ sẽ tiếp tục đi trong vùng biển quốc tế, tuần dương hạm mang tên lửa USS Shiloh của hải quân nước này đã có mặt tại cảng Subic, tây bắc Philippines.
Tuần dương hạm mang tên lửa USS Shiloh của Mỹ - Ảnh: AFP |
Tạp chí Forbes (Mỹ) ngày 30.5 bình luận phát biểu cứng rắn của ông Carter tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore và sự hiện diện của tàu chiến Shiloh tại Vịnh Subic, từng là nơi tọa lạc của căn cứ hải quân Mỹ lớn nhất khu vực Đông Nam Á, cho thấy khả năng căng thẳng trên Biển Đông sẽ leo thang mạnh.
“Đây là một chuyến cập cảng thông thường”, một phát ngôn viên của hải quân Philippines nói với Forbes khi được hỏi về mục đích ghé thăm cảng Subic của tàu Shiloh.
Tạp chí Mỹ nhận xét sự xuất hiện của tàu Shiloh tại Vịnh Subic cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa Washington và Manila trong việc phòng thủ tại Biển Đông. Chiếc tàu chiến Mỹ sẽ neo đậu tại Vịnh Subic để tiếp nhiên liệu và lấy thêm đồ tiếp tế trước khi đi tuần tra những vùng biển lân cận.
Theo Forbes, câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu Shiloh, vốn đi cùng các tàu khu trục hạm và có thể có cả tàu ngầm, có áp sát các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông như thông tin mà báo chí Mỹ đã đưa ra trước đây hay không.
Hồi đầu tháng 5, tờ Wall Street Journal (Mỹ) dẫn nguồn tin từ Lầu Năm Góc tiết lộ chính phủ Mỹ đang cân nhắc cho tàu quân sự và máy bay do thám áp sát các đảo nhân tạo của Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông trong phạm vi 12 hải lý (22 km). Đây là quy định về phạm vi lãnh hải áp dụng cho đảo tự nhiên theo luật pháp quốc tế mà Trung Quốc ngang nhiên thiết lập cho các đảo do nước này bồi đắp trái phép ở Quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 30.5, ông Carter tiếp tục khẳng định tàu thuyền, máy bay Mỹ sẽ “hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.
Còn tại Bắc Kinh, các quan chức chính phủ cùng báo chí đã đồng loạt lên án Mỹ làm gia tăng căng thẳng. “Mọi người không khỏi tự hỏi có phải Lầu Năm Góc đang ra mặt thách thức Trung Quốc ở Biển Đông hay không”, theo một bài xã luận đăng trên tờ China Daily.
Tờ báo này còn chỉ trích Philippines là đã “lôi kéo các nước chẳng có can dự gì vào tranh chấp biển đảo, nhằm tìm cách củng cố cho những tuyên bố chủ quyền không có cơ sở và che đậy hoạt động gây rối dai dẳng của mình” (?).
Giới chức ngoại giao Trung Quốc cũng đồng loạt lên tiếng chỉ trích Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal, Đại sứ Trung Quốc tại Washington, Thôi Thiên Khải đã lớn tiếng rằng “chúng tôi phải bảo vệ các cơ sở trên những hòn đảo và bãi đá ngầm ở Biển Đông”, đồng thời bao biện rằng các cơ sở này được xây “vì mục đích tự vệ, chứ không phải để tấn công nước khác”.
Ông ta còn cảnh báo Mỹ chớ nên “âm mưu tái diễn chiến tranh Lạnh ở châu Á”.
Forbes nhận định mặc dù hiện tại chỉ mới có những tuyên bố cứng rắn giữa Mỹ và Trung Quốc về các vấn đề Biển Đông, nhưng những diễn biến gần đây cho thấy “tiếng trống trận đang vang lên từ chân trời phía xa trên toàn Đông Nam Á”.
Bình luận (0)