Sáng 1.7, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành đã có cuộc ăn sáng tọa đàm với các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam.
Chia sẻ với Thủ tướng, ông Jung In-Sub, CEO Hanwha Aerospace, cho biết tập đoàn này đã đầu tư nhà máy sản xuất động cơ máy bay và linh kiện cung cấp cho các khách hàng toàn cầu tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội).
Hanwha Aero Engines được đầu tư với tổng số vốn 200 triệu USD và có kế hoạch mở rộng đầu tư lên 260 triệu USD trên tổng diện tích khoảng gần 97.000 m2 tại Hòa Lạc để sản xuất các cấu kiện, linh kiện của động cơ máy bay.
Năm 2023 công ty đạt doanh thu khoảng 140 triệu USD (hơn 3.400 tỉ đồng). CEO Hanwha Aerospace mong muốn mở rộng quy mô hoạt động và tham gia chuỗi sửa chữa, bảo dưỡng máy bay. "Việt Nam hiện có nhu cầu lớn nhưng các hãng phải ra nước ngoài như Mỹ hay Singapore để bảo dưỡng", ông Jung In-Sub nói.
Đáp lại, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh ý tưởng tham gia quá trình bảo dưỡng máy bay của Hanwha Aerospace và cho biết tập đoàn này có thể hợp tác với các hãng hàng không lớn của Việt Nam như Vietnam Airlines và Vietjet Air.
"Việt Nam đang phát triển kinh tế hàng không, đội máy bay ngày càng lớn mạnh, nhu cầu bảo dưỡng rất lớn. Bên cạnh đó, chúng tôi đang xây dựng các sân bay mới như Long Thành, Chu Lai, mở rộng Nội Bài…", Thủ tướng thông tin.
Tại cuộc tọa đàm, ông Huh Yong-soo, Chủ tịch Công ty GS Energy, cho biết đã đầu tư nhà máy phát điện Long An quy mô 3 tỉ USD. Năm 2021, công ty được cấp chứng nhận đầu tư và đến tháng 9.2023 đã lập báo cáo tiền khả thi.
Bày tỏ hy vọng trong thời gian sớm nhất, dự án này sẽ được khởi động và cung cấp điện năng cho Việt Nam theo quy hoạch điện 8, ông Yong-soo mong Thủ tướng và các cơ quan Việt Nam hỗ trợ về mặt pháp lý.
Ông Jung Yeo-nin, Chủ tịch Doosan Enerbility - tập đoàn có các dự án đầu tư tại Quảng Ngãi, cho biết sẵn sàng tham gia các dự án điện gió, điện khí tại Việt Nam, cung cấp trang thiết bị của các nhà máy phát điện, phát triển tuốc bin gió, đóng góp vào ngành năng lượng mới của Việt Nam.
Mong muốn nhận được sự quan tâm từ phía Chính phủ về cơ chế chính sách, ông Jung Yeo-nin cho biết sẵn sàng chuyển giao đào tạo nhân lực chuyên môn trong lĩnh vực điện.
Liên quan sản xuất công nghiệp nặng, ông Lee Kye-In, Chủ tịch Posco International - doanh nghiệp có dự án sản xuất 2,3 triệu tấn thép tại Việt Nam - cho biết đã tham gia thành công vào dự án nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1.
Posco cũng đang chuẩn bị đầu tư dự án nhiệt điện khí LNG Quỳnh Lập tại Nghệ An (công suất 1.500 MW), đóng góp đáng kể vào sự phát triển của địa phương. Tập đoàn này cũng muốn tham gia các dự án đất hiếm tại Việt Nam.
Một "ông lớn" đóng tàu của Hàn Quốc là Hyundai Mipo cho biết đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực này tại Việt Nam. Theo ông Kim Hyung-Kwan, CEO Hyundai Mipo, doanh nghiệp này đang ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ xanh để giúp ngành đóng tàu bền vững hơn.
Hyundai Mipo cũng muốn gia hạn thêm 20 năm thời gian sử dụng khu đất thuộc nhà máy đóng tàu của Vinashin. Đồng thời, mong muốn Chính phủ cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cấp năng lượng để tàu sử dụng được nhiên liệu thế hệ mới như LNG.
Thông tin với các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc trong lĩnh vực hạ tầng và năng lượng, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2023 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 4 quy hoạch năng lượng quốc gia và đang tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách.
"Năng lượng là lĩnh vực tiềm năng của Việt Nam với nhu cầu công suất nguồn điện sẽ tăng gấp đôi hiện nay vào năm 2030 với khoảng 150.000 MW, đến năm 2050 sẽ gấp 8 lần công suất hiện nay. Nhu cầu thu hút năng lượng hiện nay vô cùng lớn", Bộ trưởng Diên khẳng định.
Để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo 6 giải pháp, trong đó có cơ chế bán lẻ điện cạnh tranh; từ 1.7 cơ chế mua bán điện trực tiếp có hiệu lực. Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện cơ chế điện mặt trời áp mái; rà soát điều chỉnh giá điện cập nhật…
Thúc đẩy "chân trời hợp tác mới"
Về đề xuất của các doanh nghiệp tài chính Hàn Quốc muốn tham gia quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán chính sách với các thành phần kinh tế đều bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có cổ phần hóa.
Ông Phớc cũng dẫn chứng các công ty chứng khoán của Hàn Quốc tại Việt Nam rất thành công. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, khoảng 15%/năm, vốn hóa thị trường chiếm khoảng 75% GDP.
Mong muốn các nhà đầu tư Hàn Quốc tham gia lĩnh vực chứng khoán, theo Bộ trưởng Phớc, tập đoàn của Hàn Quốc là Hana đã đầu tư thành công vào BIDV và công ty chứng khoán của BIDV. "Chúng tôi sẽ ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp và sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn, cũng như thiết kế chính sách về thuế, hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp", Bộ trưởng Phớc nói.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cũng khẳng định, quan điểm chung là tạo điều kiện cho cả ngân hàng Việt Nam và nước ngoài. Hệ thống ngân hàng của Hàn Quốc có độ mở tương đối lớn so với Việt Nam, việc các ngân hàng Hàn Quốc mở rộng nhiều chi nhánh tại Việt Nam cho thấy hiệu quả trong hoạt động.
Thông tin thêm với lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, là quốc gia biển với kinh tế biển phát triển, Việt Nam có nhu cầu rất lớn về công nghiệp đóng tàu. Hoan nghênh các doanh nghiệp hợp tác xây dựng các nhà máy đóng tàu tại Việt Nam với các cỡ tàu khác nhau, Thủ tướng cũng gợi ý doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia lĩnh vực đường thủy nội địa tại đồng bằng sông Cửu Long.
Bình luận (0)