Qua đó, phát hiện nhiều vi phạm trong quản lý tài chính, đầu tư góp vốn, cũng như quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên với giá trị sai phạm lên tới hàng ngàn tỉ đồng.
Những thương vụ đầu tư “vịt trời”
Theo kết luận thanh tra, tính đến cuối năm 2014, tổng số vốn đầu tư ra ngoài Công ty mẹ TKV là hơn 13.599 tỉ đồng, trong đó đầu tư vào các đơn vị trong ngành là 13.511 tỉ đồng, ngoài ngành hơn 88,6 tỉ đồng. Việc đầu tư trong ngành cơ bản được bảo toàn vốn nhưng tỷ suất lợi nhuận không cao, đầu tư ngoài ngành đạt hiệu quả rất thấp. Qua kiểm tra một số khoản lỗ cho thấy có nguy cơ mất vốn. Trong đó, TKV đầu tư vào Công ty Southern Mining Co., Ltd (Campuchia) hơn 4,395 triệu USD, tương đương 77,6 tỉ đồng đến thời điểm thanh tra là không có hiệu quả, khả năng mất toàn bộ vốn đầu tư.
Về thương vụ này, Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết tháng 12.2007, ông Doãn Văn Quang, Phó tổng giám đốc TKV ký thỏa thuận mua 70% cổ phần Công ty Southern Mining. Ngày 11.3.2008, TKV đã chuyển khoản số tiền nêu trên cho đối tác. Trước đó, kết quả khảo sát ban đầu ngày 15.1.2008 của đoàn công tác TKV do ông Quang làm trưởng đoàn đã xác định trên diện tích 100 km2 có quặng sa khoáng Crôm là 5.804 tấn Cromspinel, trữ lượng 19,6 triệu tấn quặng Crômit gốc. Từ kết quả khảo sát này, TKV đã báo cáo Chính phủ và được chấp thuận chủ trương đầu tư nêu trên. Tuy nhiên, sau thời điểm chuyển tiền, TKV thực hiện khảo sát lại toàn bộ diện tích nêu trên với kết quả không có dấu hiệu quặng như khảo sát ban đầu. TTCP chỉ rõ, HĐQT TKV đã không chấp hành quy định về đầu tư, ký thỏa thuận mua cổ phần, chuyển tiền góp vốn khi chưa khảo sát kỹ về địa chất... dẫn đến mất toàn bộ vốn đầu tư.
tin liên quan
Tái cơ cấu Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản VNNăm 2014, TKV đầu tư góp vốn vào Công ty cổ phần Cromit Cổ Định, Thanh Hóa (VTCC) để triển khai dự án Nhà máy sản xuất FeroCrom Cacbon cao với công suất 20.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư hơn 377 tỉ đồng, đã giải ngân đến tháng 6.2015 là hơn 314 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi dự án hoàn thành chỉ hoạt động được hơn nửa năm bằng quặng tồn kho, đến tháng 5.2015 thì dừng sản xuất do không còn nguyên liệu. Cũng tại VTCC, TKV còn góp vốn vào dự án khai thác, tuyển quặng nhưng đã dừng hoạt động từ năm 2013 đến nay do giấy phép hết hạn. Tổng cộng tại 2 dự án này TKV đã thực hiện góp vốn, giải ngân hơn 436 tỉ đồng nhưng do không hoạt động, nên đến nay thua lỗ ước tính hơn 113 tỉ đồng.
TTCP cũng cho biết, nhiều khoản đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính của TKV không hiệu quả, thậm chí đã mất vốn như khoản tiền hơn 29 tỉ đồng và khoản nợ không có khả năng thu hồi hơn 52,7 tỉ đồng tại Công ty cổ phần đóng tàu Sông Ninh; khoản đầu tư hơn 47,8 tỉ đồng tại Công ty cổ phần đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà.
Về công tác quản lý vốn đầu tư, tài sản, TTCP cho biết ban lãnh đạo TKV đã quyết định chủ trương và quản lý quá trình thực hiện đầu tư tài chính thuộc ngành nghề kinh doanh chính thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn, vi phạm pháp luật, bảo lãnh trả nợ vay vượt thẩm quyền. Hậu quả, một số khoản đầu tư thua lỗ, mất vốn với giá trị lớn. Trong đó, mất hết vốn chủ sở hữu và nợ Công ty TNHH MTV KLM Thái Nguyên hơn 24,6 tỉ đồng; xác nhận bảo lãnh vượt thẩm quyền dẫn đến doanh nghiệp KLM Thái Nguyên phải xử lý khoản nợ phải trả cho Ngân hàng EximBank Thái Lan cả gốc và lãi hơn 13,7 triệu USD. TKV cũng góp hơn 870 tỉ đồng tại Sắt Thạch Khê thiếu khảo sát, tính toán kỹ và các điều kiện cần thiết dẫn đến đọng vốn trong thời gian dài, lãng phí....
Qua thanh tra các hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV, TTCP cũng phát hiện không ít sai phạm. Công tác giám định mua bán than của TKV bị buông lỏng, dẫn đến có sự chênh lệch lớn khối lượng, chất lượng than sau khi sàng tuyển với khối lượng, chất lượng than đã xác nhận trước đó, gây nguy cơ thất thoát tài sản. Đơn cử tại Công ty tuyển than Cửa Ông, từ năm 2010 - 6.2015 đã thu hồi được số lượng than cục sau sàng tuyển cao hơn nhiều so với sản lượng trên cơ sở xác nhận của Công ty cổ phần giám định Quacontrol để thanh toán cho các đơn vị khai thác mỏ là 1,64 triệu tấn. Theo đó, chênh lệch than thu hồi và phế phẩm thải loại trước và sau sàng tuyển với tổng giá trị 1.833 tỉ đồng.
Chuyển hồ sơ hàng loạt vụ việc sang Bộ Công an
Kết thúc thanh tra, TTCP đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị liên quan xử lý các sai phạm về kinh tế lên tới 14.882 tỉ đồng và 6.697.567 m2 đất, đồng thời xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân có liên quan đến sai phạm, khuyết điểm. Đáng chú ý, TTCP đã chuyển hồ sơ và đề nghị Bộ Công an xem xét, điều tra xử lý trách nhiệm nhiều vụ việc, gồm: TKV và một số doanh nghiệp trực thuộc gồm Công ty cổ phần xi măng Hữu Nghị - Phú Thọ, Công ty cổ phần xi măng Hà Giang, Công ty cổ phần Bình Nguyên - Đắk Nông đã vi phạm điều khoản hợp đồng kinh tế điều kiện giao hàng và thanh toán, dẫn đến mất vốn; Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc TKV và Tổng công ty khoáng sản (trước năm 2005) đã quyết định chủ trương và quản lý đầu tư tài chính thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn, vi phạm quy định, buông lỏng quản lý, bảo lãnh nợ vượt thẩm quyền dẫn đến thua lỗ, mất vốn.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, cuộc thanh tra tại TKV được TTCP tiến hành từ tháng 7.2015 đến nay mới kết thúc, chậm gần 2 năm theo quy định. Nguyên nhân là nội dung thanh tra lớn, có nhiều vụ việc phức tạp. Trao đổi với Thanh Niên ngày 2.1, một cán bộ có trách nhiệm của TKV cho biết, đến nay nội dung kết luận của TTCP vẫn đang tiếp tục xin ý kiến một số bộ ngành do chưa thống nhất một số nội dung, như khoản xử lý sai phạm hay một số vụ việc chuyển sang Bộ Công an. Trong khi đó, trả lời Thanh Niên, ông Ngô Văn Khánh, Phó tổng TTCP, người ký kết luận thanh tra, nói kết luận này là quan điểm chính thức của TTCP.
|
Bình luận (0)