Tập đoàn Trung Nam bác bỏ chuyện thay thép G7 bằng thép Trung Quốc

14/09/2018 06:58 GMT+7

Đó là thông tin do chủ đầu tư (Tập đoàn Trung Nam) dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng đưa ra tại cuộc họp báo tổ chức chiều qua (13.9) trước cáo buộc của tư vấn giám sát hợp đồng.

Gây áp lực để TP không ký xác nhận khối lượng
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam, cho biết dự án phải ngừng thi công chỉ vì lý do duy nhất là thành phố không ký xác nhận khối lượng khiến Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Nam Sài Gòn dừng giải ngân, doanh nghiệp (DN) không có đủ vốn để tiếp tục thực hiện.
Theo ông Tiến, tư vấn giám sát hợp đồng (TVGSHĐ) của dự án tuy ký xác nhận giá trị hoàn thành nhưng trong văn bản xác nhận thường kèm theo các ý kiến và khuyến cáo thiếu cơ sở, gây áp lực khiến TP không dám ký xác nhận. Tại Văn bản số 2903, Sở Tài chính TP.HCM cũng nêu rõ TVGSHĐ không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND TP nên Sở không thể ký xác nhận.
Đúng 3 tháng sau khi Trung Nam cho dừng dự án, TVGSHĐ đã phải ký lại tổng hợp các đợt tại văn bản HTFC-SCFC/LO-18-041 nhưng vẫn không theo biểu mẫu 02A nên BIDV không chấp nhận và tạm dừng giải ngân. Lúc này, khối lượng thi công đã đạt 72%, tương đương với tổng giá trị hoàn thành là 5.690 tỉ đồng nhưng TVGSHĐ chỉ xác nhận 3.503 tỉ đồng và vốn chủ sở hữu đã chi là 803 tỉ đồng. Khối lượng công việc đã hoàn thành nhưng chưa được giải ngân lên tới 1.384 tỉ đồng, gây khó khăn cho nhà thầu.
Người đứng đầu Tập đoàn Trung Nam còn dẫn nhiều văn bản để cho rằng TVGSHĐ “vu” cho chủ đầu tư tự ý thay đổi vật liệu thép. Đơn cử, TVGSHĐ không xác nhận thanh toán với lý do: “Tiêu chuẩn thép không có trong tiêu chuẩn UBND TP.HCM duyệt; Chỉ dẫn kỹ thuật: S355 xuất xứ G7, cơ tính và hóa tính tương đương S355”. Theo phía nhà đầu tư, trong hồ sơ thiết kế, do sai sót nên bản Chỉ dẫn kỹ thuật do tư vấn thiết kế lập ban đầu có nội dung này. Tuy nhiên, luật Xây dựng quy định “không được chỉ định nhà sản xuất cung cấp vật liệu, vật tư và thiết bị xây dựng trong nội dung thiết kế xây dựng của công trình sử dụng vốn nhà nước”, nên để phù hợp với các quy định của pháp luật, tư vấn thiết kế đã đính chính lại nội dung chỉ dẫn kỹ thuật: “Vật tư chính chế tạo cửa van là thép S355 hoặc tương đương”. Cũng theo phía Trung Nam, TVGSHĐ cố tình lờ đi hồ sơ điều chỉnh của tư vấn thiết kế, đưa những thông tin sai lệch.
“Cứ coi như với các công trình cống có sự thay đổi về vật liệu, TVGSHĐ cần thời gian để thẩm định, đánh giá nên chưa ký. Nhưng như cống Mương Chuối và cống Phú Định, ngay trong thiết kế cơ sở đã duyệt dùng thép đen, chúng tôi thực hiện đúng theo quy định nhưng cũng không chịu ký xác nhận để ngân hàng giải ngân, khiến DN khổ sở”, ông Tiến nói.
Giúp giảm chi phí 90 tỉ đồng
Trước cáo buộc chủ đầu tư tự ý thay thép G7 bằng thép Trung Quốc chất lượng kém, ông Nguyễn Tâm Tiến cho rằng trong quá trình triển khai dự án, việc thi công hoàn toàn tuân thủ thiết kế bản vẽ thi công (TKBVTC), chỉ có sự thay đổi giữa thiết kế cơ sở FS (TKCS) và TKBVTC nhằm đảm bảo kỹ thuật cho công trình đủ điều kiện để triển khai thi công và tối ưu hóa chất lượng, hiệu quả khi đưa vào khai thác.
Cũng theo chủ đầu tư, nhà thầu đã thi công theo đúng TKBVTC được duyệt, đáp ứng yêu cầu sử dụng vật liệu chế tạo cửa van là thép S355 JO theo tiêu chuẩn DIN (hoặc loại tương đương SM490A-B theo JIS, Q345B theo GB 700-88, A572 Gr.50 theo ASTM...) có các chỉ tiêu cơ lý đúng quy định.
Đối với cống Bến Nghé, theo yêu cầu kiến trúc cho không gian xung quanh, phải thiết kế loại cửa van cung xoay chìm vĩnh viễn trong nước, đòi hỏi phải dùng loại cửa van không gỉ sét và cứng. Đơn vị thiết kế đã tính toán và tối ưu hóa TKCS trong bước TKBVTC bằng cách thay loại thép SUS304 (JIS G4304-2015) bằng loại thép SUS323L tốt hơn, có cơ tính và giới hạn chảy cao hơn. Các công trình tương tự tại Nhật Bản cũng sử dụng loại này. Về chi phí, đại diện chủ đầu tư cho rằng tuy dùng loại thép thay thế làm tăng tổng chi phí thêm 12,69 tỉ đồng nhưng độ an toàn, độ bền và tuổi thọ công trình cao hơn nhiều, đồng thời khối lượng thép giảm, kéo theo giảm chi phí nhân công, ca máy.
Với các cống còn lại, nhà thầu thay đổi vật liệu cửa van sang thép đen nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông thủy, tăng khả năng chịu lực. Các nước tiên tiến như Đức, Hà Lan... các cửa van phẳng khẩu độ lớn đều dùng loại thép này. Việc điều chỉnh vật liệu không những đảm bảo kỹ thuật mà còn giúp giảm chi phí cho hạng mục cửa van hơn 90 tỉ đồng.
“Hợp đồng BT UBND TP ký với nhà đầu tư cũng không có điều khoản, ràng buộc nào là thép sử dụng cửa van phải là thép G7 hay châu Âu, thép Mỹ, thép Nhật... Việc chọn lựa thép phôi tấm để gia công chế tạo cửa van có thể dùng bất cứ loại thép nào, miễn sao đạt chuẩn kỹ thuật. Vì thế hoàn toàn không có chuyện thay thế thép G7 bằng thép Trung Quốc”, vị này nói và nhấn mạnh: Chủ đầu tư luôn tuân thủ TKBVTC đã được thẩm định phê duyệt và được Hội đồng kiểm tra nghiệm thu của Bộ NN-PTNT kiểm tra nhiều lần, đánh giá công trình, chất lượng.
Đơn vị tư vấn giám sát nợ như “chúa chổm” ?
Đơn vị TVGSHĐ của dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng gồm Công ty TNHH Meinhardt liên danh với 2 công ty khác là Công ty CP tư vấn xây dựng công trình hàng hải và Công ty CP tư vấn xây dựng và chuyển giao công nghệ Thăng Long 12. Trong đó, Meinhardt vừa có tên trong danh sách các DN nợ đọng thuế do Cục Thuế Hà Nội công bố hồi giữa tháng 8 với mức nợ hơn 33,6 tỉ đồng. Ít ngày sau, Cục Thuế TP.HCM cũng yêu cầu đốc thúc nợ tới lần thứ 3 với Công ty Meinhardt. Tổng số tiền nợ lãi chậm nộp và tiền phạt nợ đọng thuế của DN này là khoảng 27 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ 7,2 tỉ đồng. Ngoài ra, Meinhardt cũng còn nợ BHXH số tiền trên 4 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.