Tấp nập 'chợ' lẩu chay ở làng đại học

02/08/2023 12:25 GMT+7

Cứ mỗi buổi chiều, khuôn viên rộng 500 m2 ở khu ẩm thực bình dân, cạnh ký túc xá khu B, ĐH Quốc gia TP.HCM lại tấp nập sinh viên đến ăn lẩu chay, món được xem như "đặc sản" ở làng đại học.

Lẩu chay có mặt tại làng đại học Thủ Đức (TP.HCM) từ nhiều năm nay, từ một món ăn đổi vị cho sinh viên, nay lẩu chay trở thành "đặc sản" của làng đại học. Trong bán kính 500 m từ ký túc xá khu B, ĐH Quốc gia TP.HCM (P.Đông Hòa, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) có chừng 10 quán lẩu chay khác nhau. Tấp nập nhất phải kể đến khu ẩm thực bình dân trên đường Lương Định Của.

Tấp nập chợ lẩu chay ở làng đại học - Ảnh 1.

Khu ẩm thực ở làng đại học hút khách vì món lẩu chay

HUỲNH NHI

Khu ẩm thực bình dân rộng hơn 500 m2, có khoảng 20 ki ốt kinh doanh đủ món, như: nem nướng, bánh canh chả cá, bún đậu mắm tôm, chả viên chiên... Trong đó, hơn một nửa các ki ốt chuyên bán lẩu chay, do vậy nhiều bạn trẻ gọi nơi này bằng cái tên thân thương là "chợ" lẩu chay.

"Chợ" lẩu chay hoạt động từ 8 giờ đến hơn 22 giờ, đông đúc nhất là từ 17 giờ đến 20 giờ. Chị Trần Thị Mị (31 tuổi), chủ quán lẩu chay Mị Châu, cho biết vào những ngày rằm, mùng 1 đầu tháng, khách đến rất đông, có người phải đặt bàn trước để giữ chỗ. "Trong khu làng ẩm thực này, tiệm tôi có 2 cơ sở, mỗi ngày nấu khoảng 200 lít nước dùng mới đủ bán. Ngoài lẩu nấm, tiệm còn bán thêm lẩu mắm, lẩu thái, lẩu khổ qua, lẩu uyên ương... nguyên liệu đều là đồ chay. Nhờ món đa dạng và giá bình dân nên tiệm được các bạn trẻ ủng hộ, hơn 90% khách ở tiệm là sinh viên", chị Mị nói.

Tấp nập chợ lẩu chay ở làng đại học - Ảnh 3.

Các quán chuẩn bị nấu lẩu chay từ sáng để kịp bán cho khách

HUỲNH NHI

Còn anh Đỗ Huy Đông (37 tuổi), chủ quán lẩu chay Hoằng Đạt, cho biết tiệm anh chỉ phục vụ 1 món lẩu nấm nhưng rất được các bạn sinh viên yêu thích. "Tôi bán lẩu chay ở làng đại học này khoảng 10 năm nên quen thuộc với nhiều thế hệ sinh viên. Tiệm bán giá bình dân, bao no, miễn phí bún, mì gói, rau ăn thêm... nên các bạn quý mến ủng hộ", anh Đông chia sẻ và cho biết mỗi ngày tiệm đón 500-600 khách. 

Anh Đông nói thêm từ khi bán lẩu chay ở đây, sinh viên có chỗ ăn tập trung và tiện nghi hơn, gần với ký túc xá, hàng quán đa dạng, đỡ phải chạy xe máy đi xa. 

Tấp nập chợ lẩu chay ở làng đại học - Ảnh 4.

Nồi lẩu chay cho 2 người đầy ắp topping và rau ăn kèm

HUỲNH NHI

Lẩu chay có giá dao động từ 80.000 đồng đến 90.000 đồng/phần 2 người ăn. Nồi lẩu đầy đặn với nhiều topping (món ăn kèm), như: chả lụa, bò viên chay, đậu hũ, nấm đông cô, bò lát, xúc xích chay, tàu hũ ky... kết hợp cùng các loại rau cải tươi xanh, như: cải thảo, mồng tơi, cải xanh, nấm kim châm. 

Đổng Ngọc Trúc Quỳnh, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, tuần nào cũng đến đây ăn lẩu chay. "So với các món khác cùng giá thì lẩu chay ngon hơn rất nhiều. Vừa ăn lẩu, vừa nói chuyện với bạn rất vui, chuyện trường lớp, chuyển trọ, học hành, thi cử... giúp mình bớt căng thẳng. Chưa kể lẩu chay khá thanh đạm và ít dầu mỡ nên cũng tốt cho sức khỏe hơn", Quỳnh nói.

Tấp nập chợ lẩu chay ở làng đại học - Ảnh 5.

Nhiều sinh viên chọn cách họp mặt bạn bè cuối tuần bên nồi lẩu chay

HUỲNH NHI

Chị Đổng Thị Diễm Lam (28 tuổi), ngụ tại P.Trường Thọ, TP.Thủ Đức, cho biết lẩu chay gắn bó với chị từ hồi còn là sinh viên, đến khi đi làm, thỉnh thoảng chị Lam vẫn quay về làng đại học ăn lẩu chay như một cách để ôn lại kỷ niệm. 

"Lẩu chay có giá bình dân, mỗi lần ăn lẩu chay mình có cảm giác quay ngược thời gian về thời sinh viên, nhớ những hôm buồn vui rủ nhau ra quán lẩu tâm tình. Nồi lẩu nhỏ vậy mà ấm cúng, giúp bạn bè chúng mình gắn kết với nhau hơn".

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.