Tập trung cắt bỏ khâu trung gian

25/05/2019 07:26 GMT+7

Vẫn còn hiện tượng "nhiều cửa nhiều khóa", nhiều khâu trung gian khiến doanh nghiệp muốn làm một dự án phải mất hàng năm trời xin thủ tục, trong khi đó lại có tình trạng “chạy dự án”.

Nhận xét trên được Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, nêu ra hôm qua (24.5) khi phát biểu kết luận hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ (PAR INDEX) và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2018.

Trễ hẹn phải nghiêm túc xin lỗi dân

Việc tinh gọn bộ máy còn chưa hiệu quả, còn tình trạng qua nhiều cửa, nhiều khóa. DN phản ánh có thủ tục làm dự án mất đến 2 - 3 năm, thế thì chết
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình
Phó thủ tướng nhìn nhận, kết quả cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đã đạt được nhiều tiến bộ, nhiều thủ tục đã được cắt giảm, sự quan tâm và đánh giá của người dân, doanh nghiệp (DN) với TTHC ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cũng cho rằng còn một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức, còn tình trạng ban hành văn bản trái thẩm quyền, chậm công khai thủ tục. Việc xin lỗi người dân khi trễ hẹn giải quyết TTHC chưa nghiêm, hay ứng dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, còn mang tính hình thức. “Việc tinh gọn bộ máy còn chưa hiệu quả, còn tình trạng qua nhiều cửa, nhiều khóa. DN phản ánh có thủ tục làm dự án mất đến 2 - 3 năm, thế thì chết”, Phó thủ tướng nói, đồng thời yêu cầu nhiệm vụ tới đây cần tập trung là cắt bỏ khâu trung gian, bởi có như thế mới giảm xin cho, bớt tham nhũng vặt cũng như khắc phục tình trạng "chạy dự án". Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc thanh, kiểm tra hoạt động công vụ để kịp thời xử lý những sai phạm.
Phó thủ tướng yêu cầu cần có nhiều hơn quy định, quy chế nói rõ bao nhiêu ngày nhận hồ sơ, nhận một lần hay mấy lần, trả lời sao khi hồ sơ chưa đầy đủ gắn với phân cấp, phân trách nhiệm và kiểm soát thủ tục. “Hội đồng tư vấn cải cách TTHC cần tăng cường đối thoại với người dân, DN, từ đó đề xuất kiến nghị, tháo gỡ vướng mắc. Phải giảm tỷ lệ trễ hẹn trả hồ sơ, nghiêm túc xin lỗi người dân, tổ chức khi trễ hẹn”, Phó thủ tướng yêu cầu. Cùng với đó, Phó thủ tướng lưu ý tình trạng một số tiêu chí chấm điểm vẫn còn bất cập, cần nghiên cứu sửa đổi để chính xác, công bằng, phù hợp hơn và đặc biệt là không để tình trạng “địa phương, bộ, ngành còn nhiều khiếu nại kéo dài, đông người mà được chấm điểm cao”.

Không có bất ngờ ở ngôi đầu

Đóng vai người dân để nắm
tình hình

Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho hay, địa phương xác định muốn cải cách TTHC thực chất thì có cả "trả giá". "Chúng tôi duy trì thường xuyên 2 kênh. Một là kiểm tra công vụ đột xuất của Sở Nội vụ. Hai là đóng giả người dân đi nắm tình hình từ xã đến tỉnh. Vì thế mà trong năm 2017 có 31 cán bộ công chức bị xử lý và con số này năm 2018 là 20", ông Hậu nói.
Kết quả chỉ số hành chính năm 2018 được công bố ngày 24.5 cho thấy, không có bất ngờ nào ở nhóm đầu khi ở khối bộ ngành, đứng đầu vẫn là cái tên quen thuộc Ngân hàng Nhà nước với 90,57%. Tuy nhiên, nếu Ngân hàng Nhà nước bị tụt 1,79% so với năm ngoái và bị đơn vị thứ 2 là Bộ Tài chính (với 90,19%) bám sát thì ở bảng xếp hạng của các địa phương, Quảng Ninh tiếp tục ở đỉnh bảng với chỉ số đạt 89,06%, bỏ xa 5,08% với đơn vị đứng thứ 2 là TP.Hà Nội. Trong khi đó, Phú Yên là địa phương xếp cuối bảng với chỉ số 69,53%. Khá hơn một chút là Kon Tum (69,57%) và Trà Vinh (69,85%).
Ở nhóm cuối bảng xếp hạng của các bộ, ngành, nếu Bộ Y tế là cái tên quen thuộc khi lại đứng thứ 2 (từ dưới lên) thì Bộ GTVT tiếp tục tụt dốc để đứng "đội sổ".
Đánh giá chung, báo cáo cho biết ở khối bộ ngành, năm 2018 có 15 đơn vị tăng điểm so với năm 2017 (điểm số tăng đáng kể từ 76,30 năm 2017 lên 81,78 năm 2018) nhưng kết quả xác định chỉ số hành chính năm 2018 cho thấy các bộ còn nhiều tồn tại, hạn chế như trong công bố công khai TTHC và tỷ lệ TTHC được giải quyết đúng hạn theo quy định. Tỷ lệ điểm số đánh giá tác động của cải cách TTHC qua điều tra xã hội học tiếp tục không cao. Tỷ lệ điểm số trung bình mà các bộ nhận được qua điều tra xã hội học ở mức 70,91%.
Còn ở khối địa phương, tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung của 63 tỉnh thành nằm trong khoảng 69,98% - 97,88%. Tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước là 88,99%. Phân tích giá trị trung bình của 7 chỉ số thành phần giữa năm 2017 và 2018 cho thấy, có 4 chỉ số tăng song cũng có 3 chỉ số giảm giá trị trung bình là: cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy và cải cách tài chính công.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.