Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.Thủ Đức

10/01/2021 05:58 GMT+7

Trong quý 1/2021, TP.HCM sẽ tập trung nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để phát triển TP.Thủ Đức trình các cơ quan T.Ư xem xét, thông qua.

Ngày 9.1, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2021, trong đó tập trung triển khai Nghị quyết 1111/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP.Thủ Đức.

TP.HCM vẫn đóng góp 371.000 tỉ, chiếm 25,5% ngân sách quốc gia giữa "bão táp" Covid-19

Đẩy mạnh phân cấp cho TP.Thủ Đức

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở ngành cần nhanh chóng xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nhưng không được làm gián đoạn, ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả trong giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính và các nhu cầu chính đáng của tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Trong quý 1/2021, TP.HCM tập trung nghiên cứu các cơ chế chính sách đặc thù để phát triển TP.Thủ Đức trình các cơ quan T.Ư, đồng thời triển khai thực hiện các nội dung phân cấp cho TP.Thủ Đức.
Cũng tại hội nghị, ông Trương Trung Kiên, Chủ tịch UBND Q.Thủ Đức, đề xuất 3 giải pháp giúp TP.Thủ Đức phát triển. Thứ nhất, sở ngành nhanh chóng hướng dẫn biểu mẫu thống kê tài sản, tài chính, dự án đầu tư đang triển khai thực hiện dở dang để phục vụ công tác bàn giao giữa các cơ quan, đơn vị liên quan đến việc thành lập TP.Thủ Đức. Thứ hai, UBND TP.HCM quan tâm chỉ đạo giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện một số dự án trọng điểm trên địa bàn. Cuối cùng, ông Kiên đề nghị xây dựng cơ chế về tài chính, phân bổ 100% nguồn thu từ tiền sử dụng đất để lại cho TP.Thủ Đức trong 5 năm đầu.
Đối với quy hoạch, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan thông tin, TP.HCM đang nghiên cứu lập quy hoạch chung TP.Thủ Đức tỷ lệ 1/10.000 - 1/25.000 với các mục tiêu phát triển giao thông xanh, khả năng chống chịu, ứng phó với ngập lụt. Đồng thời, lập quy hoạch phân khu các khu vực, gồm: Trường Thọ (147 ha), Tam Đa và dọc Đông Tây mới (1.000 ha); hành lang tuyến metro số 1 (493 ha); hành lang vành đai 2 (600 ha) và khung chính sách khai thác giá trị đất áp dụng cụ thể cho vành đai 2.
Về vấn đề tài chính, Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà cho biết năm 2021, ngành tài chính sẽ hướng dẫn việc xử lý công tác tài chính, thực hiện bàn giao, sử dụng tài sản tại 3 quận: 2, 9, Thủ Đức và các phường sáp nhập ở các quận 3, 4, 5, 10 và Phú Nhuận.

Tăng cường kiểm tra công vụ đột xuất

Để thực hiện chủ đề của năm 2021 là năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các sở, ngành trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. “Nơi nào, lĩnh vực nào để doanh nghiệp phản ánh, chờ đợi lâu, bị phiền hà, nhũng nhiễu trong giải quyết các thủ tục hồ sơ thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP.HCM”, ông Phong khẳng định và cho biết việc này nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ để xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, tổ chức, doanh nghiệp.

Nghiêm cấm tặng quà tết cho cấp trên

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị không tổ chức các đoàn đi thăm, chúc tết lãnh đạo các cấp, nghiêm cấm tặng quà tết cho cấp trên dưới mọi hình thức, không sử dụng kinh phí, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân, trái quy định trong dịp tết.
Đồng thời dành nguồn lực để thăm hỏi, tặng quà, chăm lo tết cho gia đình chính sách, khó khăn, phù hợp với phương châm “lấy sức dân chăm lo cho dân” hiệu quả, thiết thực, có ý nghĩa. Ông Phong cũng yêu cầu chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, nâng giá, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ngoài ra, không tổ chức các lễ, hội quá sớm trước tết hoặc kéo dài nhiều ngày sau tết, và xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, thu lợi bất chính. 
Cũng theo ông Phong, TP.HCM cam kết tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến công tác đầu tư, đảm bảo các yêu cầu như: có thời hạn đối với quy trình thủ tục hành chính, xử lý hồ sơ; xác định rõ tổ chức, cá nhân thực hiện chức trách trong xử lý hồ sơ; có chế tài xử lý vi phạm và khen thưởng cụ thể; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Định kỳ hằng quý, tổ chức đối thoại giữa chính quyền các cấp với tổ chức, doanh nghiệp theo lĩnh vực chuyên ngành để kịp thời lắng nghe, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.
Để cụ thể hóa yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân cho biết năm 2021 sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm nhằm nâng cao tính răn đe, cảnh báo và phòng ngừa những hành vi thiếu chuẩn mực, vi phạm đạo đức công vụ. Qua đó, góp phần phòng ngừa tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP.HCM.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng tiếp tục tăng cường kiểm tra công vụ, quy tắc ứng xử theo hướng đột xuất; đặc biệt là kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính và kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, khiếu nại, tố cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.