Trong nhiều nền văn hóa, tập tục an táng thường là xác người được chôn trong đất. Đây là tập tục bắt nguồn từ thời xa xưa, người ta có thể thấy các khu chôn cất khắp nơi trên thế giới. Thông thường đó là những gò đất, hang động hoặc đền thờ dùng để lưu giữ thi hài của tổ tiên. Ngày nay, phong tục chôn người chết dưới đất với bia đá để chỉ nơi chôn cất rất phổ biến, tuy nhiên hướng người chết được đặt thế nào thì không giống nhau.
Theo Wikipeida, ở Sahara, đối với nghĩa trang của người Hồi giáo thì tất cả các ngôi mộ đều hướng ra sa mạc, đặt vuông góc với Mecca, một thành phố nằm ở rìa phía tây của Ả Rập Xê Út ngày nay. Hướng về Mecca (hay Makkah) là hướng về nơi sinh của nhà tiên tri Muhammad, trung tâm của sự phát triển đức tin và thực hành Hồi giáo.
Trong các nền văn hóa cổ đại, chẳng hạn như Chaldea, một quốc gia tồn tại ở vùng Lưỡng Hà từ khoảng thế kỷ 10 trước Công nguyên, các ngôi mộ được đặt ở một số vị trí khác nhau, thi thể người chết khoanh tay theo hình chữ "X" (tượng trưng cho vị thần bầu trời của họ). Các vị thần và hoàng gia Ai Cập cổ đại sau này, từ khoảng năm 3.500 trước Công nguyên, cũng nằm ở tư thế khoanh tay và còn tùy theo triều đại, xác ướp khoanh tay ở các vị trí có thể cao hoặc thấp hơn.
Tư thế khi chôn cất
Thông thường thi thể được đặt nằm thẳng, tay và chân thẳng hoặc khoanh tay trước ngực, mắt nhắm, còn miệng thì khép lại. Chân có thể mở rộng trong tư thế nằm ngửa hoặc nằm sấp. Tuy nhiên, trong một số nền văn hóa, việc chôn úp mặt xuống thể hiện sự thiếu tôn trọng rõ rệt, ví dụ như trường hợp của người Sioux, các nhóm bộ lạc bản địa ở châu Mỹ và Bắc Mỹ. Tuy nhiên cũng có những bộ tộc đặt thi thể ở tư thế uốn cong, hai chân uốn cong hoặc gấp lên trên người. Riêng các chiến binh trong một số xã hội cổ đại thường chôn cất người chết trong tư thế thẳng đứng.
Trong đạo Hồi, người ta đặt thi thể ở tư thế nằm ngửa, hai tay dọc theo hai bên thân, đầu quay về bên phải với gương mặt hướng về nhà thờ Hồi giáo ở Mecca. Những người theo đạo Thiên chúa thì chôn người chết theo hướng Đông - Tây, đầu quay về hướng Tây. Điều này phản ánh cách bố trí của các nhà thờ Thiên chúa giáo, và vì lý do tương tự; để xem sự xuất hiện của Đấng Christ vào ngày Phán xét (Eschaton). Trong nhiều truyền thống Cơ đốc giáo, các giáo sĩ đã thụ phong khi chết sẽ được chôn cất theo hướng ngược lại, quan tài cũng theo hướng như vậy, để vào lễ Phục sinh họ có thể đứng dậy và sẵn sàng phục vụ dân tộc của họ.
Đối với con người, việc duy trì tư thế lộn ngược thẳng đứng với đầu ở dưới, chân hướng lên trong một thời gian dài sẽ rất khó chịu, do đó việc chôn cất như thế là bất bình thường, trái ngược với tư thế nghỉ ngơi. Nhìn chung, chỉ có những sát thủ hay người tự sát mới bị chôn ngược lại, như một hình phạt sau khi khám nghiệm tử thi. Điều này cũng giống như việc chôn cất ở các ngã tư, nhằm để ức chế hoạt động của các xác sống.
Trong các phương thức mai táng không theo tiêu chuẩn, chẳng hạn như việc chôn cất hàng loạt, thi thể có thể được định vị tùy ý. Điều này có thể là dấu hiệu thiếu tôn trọng người đã khuất, hoặc ít nhất cũng là sự thờ ơ của kẻ vô nhân tính, hoặc do cân nhắc về thời gian và không gian khi chôn cất.
Hướng chôn cất ở Việt Nam
Có nhiều hình thức chôn cất ở nước ta, tùy theo nền văn hóa vùng miền, các dân tộc và tôn giáo. Thông thường hướng đặt bia mộ là hướng dưới chân người đã khuất. Xét về phong thủy, các chuyên gia cho rằng, việc chôn cất người chết theo hướng nào thường được căn cứ vào tuổi tác, cung mệnh, trạch vận phong thủy bát trạch.
Ví dụ, có nơi tập tục qui định người đã mất sinh vào các năm Thân, Tý, Thìn thì nên chọn hướng Đông và Tây (hướng tốt), hướng Nam là hướng xấu; người mất sinh vào năm Tỵ, Dậu, Sửu thì chọn hướng Nam và Bắc (hướng tốt), còn hướng xấu là Đông. Người đã khuất thuộc cung mệnh Tây Tứ Mệnh thì nên chọn hướng Tây, Tây Nam, Bắc, Đông Bắc (thuộc phương vị Tây Tứ Trạch), nếu thuộc Đông Tứ Mệnh thì chọn hướng Bắc, Đông, Đông Nam, Nam (thuộc phương vị Đông Tứ Trạch)...
Bình luận (0)