'Tập võ cổ truyền Việt Nam sẽ được rất nhiều thứ...'

12/08/2015 00:00 GMT+7

Liên hoan quốc tế võ cổ truyền VN đã khép lại vào tối qua nhưng dư âm sẽ còn đọng mãi trong trái tim những võ sư đến từ khắp nơi trên thế giới, bởi đã nhắc nhớ lại trong họ những kỷ niệm sâu sắc của cuộc đời.

Liên hoan quốc tế võ cổ truyền VN đã khép lại vào tối qua nhưng dư âm sẽ còn đọng mãi trong trái tim những võ sư đến từ khắp nơi trên thế giới, bởi đã nhắc nhớ lại trong họ những kỷ niệm sâu sắc của cuộc đời.

Ký ức đẹp với võ ViệtCôn thủ Salavei (Belarus) trong bài biểu diễn ngày cuối tại đại hội - Ảnh: Chí Hường
Thọ giáo ngay tại châu Âu
Thay vì đi du lịch vịnh Hạ Long, sáng nay, ông Olivier Barbey (Thụy Sĩ), Trưởng môn phái Sơn Long quyền thuật tại Pháp sẽ cùng các môn sinh sang Bắc Ninh, quê hương của võ sư Nguyễn Đức Mộc (người sáng lập ra môn phái Sơn Long quyền thuật, mất năm 2009 tại Pháp).
Kết thúc phần biểu diễn đầy ấn tượng vào sáng qua, ông Olivier xúc động nói: “Tôi muốn đến tận nơi để thắp cho ông một nén nhang, bày tỏ lòng tiếc nhớ. Năm 1983, lần đầu tiên gặp võ sư Mộc ở châu Âu, tôi đã như bị... thôi miên bởi những động tác ra đòn của ông cực kỳ đơn giản mà mạnh như gió. Khi ấy, ông đã 70 tuổi nhưng không một võ sư trẻ nào có thể thắng nổi. Tôi quyết định thọ giáo võ sư Mộc. Suốt 32 năm qua, Sơn Long quyền thuật đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của tôi và cả đời này, tôi không bao giờ quên được công lao dạy dỗ của võ sư Nguyễn Đức Mộc”.
Ông Hoàng Vĩnh Giang, Chủ tịch Liên đoàn Thế giới võ cổ truyền VN, tiết lộ một thông tin: “Năm 1954, trong suốt thời gian tại Pháp để tiến hành đàm phán Hiệp định Geneve, phái đoàn VN đã được bảo vệ bởi nhóm môn sinh do võ sư Nguyễn Đức Mộc đứng đầu. Ông đã cùng với 30 học sinh Pháp, tham gia tập luyện võ cổ truyền VN, đứng canh gác cẩn mật gần như suốt ngày đêm. Ông là một võ sư rất nổi tiếng và sắp tới đây, chúng tôi sẽ phong cho ông danh hiệu Đại võ sư vì những cống hiến to lớn của ông với nền võ thuật VN”.
Nên duyên nhờ võ Việt
Người tập võ thường có cơ thể săn chắc nhưng anh Siargey Sharenda, đến từ Belarus lại là một... ca rất lạ. Anh hơi phục phịch một chút nhưng “đừng tưởng tôi béo bụng do... bia nhé. Cơ địa tôi là thế và tôi tự hào vì mình béo. Nhưng sức khỏe tôi rất tốt và bạn có nhìn tôi múa côn không, rất đẹp và uyển chuyển đấy”. Siargey còn bảo rằng nhờ biết võ cổ truyền VN mà anh kiếm được một nửa của đời mình.
Vợ anh - Katsiaryna Hakovic âu yếm nhìn chồng khi anh kể bằng giọng hài hước: “Số là một lần đến CLB võ cổ truyền, tôi đã bị sét đánh bởi một cô nàng xinh đẹp. Nàng cũng đam mê võ cổ truyền VN. Vì có cùng sở thích nên chúng tôi nhanh chóng yêu nhau và cũng nhanh chóng nên vợ nên chồng. Con gái tôi 9 tuổi cũng nối gót bố mẹ, tập võ cổ truyền được vài năm nay. Năm nào, gia đình tôi cũng sang VN và những cuộc đàm đạo về võ cổ truyền VN với các võ sư VN thật sự bổ ích. Tôi mong một ngày nào đó, võ cổ truyền VN trở thành một môn trong hệ thống thi đấu chính thức của châu Á hay thậm chí là Olympic”.
Côn thủ Salavei (Belarus) tập võ cổ truyền VN được gần 10 năm nay và CLB võ thuật trong trường đại học mà anh đang giảng dạy có gần 300 môn sinh. Anh tìm hiểu rất kỹ những bài viết về truyền thống võ Việt để mỗi lần lên lớp lại truyền dạy cho các học trò, đằng sau những động tác tưởng chừng như khoan thai mềm mại nhưng ẩn chứa sức mạnh tinh thần to lớn. Với anh, võ cổ truyền VN là phương cách tốt để rèn luyện nhân cách.
Còn gia đình anh Baricault (Pháp) cũng đam mê môn phái An Bình đạo đến mức đã quyết định mua nhà ở Huế để thi thoảng lại sang để thi triển võ nghệ tại những giải đấu võ cổ truyền quy mô nhỏ. Baricault chia sẻ: “Đối với chúng tôi, VN như quê hương thứ 2 của mình. Võ cổ truyền VN không còn là của riêng người VN nữa mà đã trở thành môn võ được yêu thích trên toàn thế giới. Tôi vẫn thường nói với các bạn tôi rằng, hãy tập võ cổ truyền VN, bạn sẽ được rất nhiều thứ, không chỉ là sức khỏe mà cả về ý chí lẫn tinh thần”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.