(TNO) Nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý đối tượng tạt a xít về tội “cố ý gây thương tích” là chưa thỏa đáng với hậu quả mà nạn nhân phải gánh chịu.
Một trong hai nạn nhân nhân bị tạt a xí đang được điều trị tại bệnh viện - Ảnh: Ngọc Thọ |
Nỗi đau mang tên a xít
Luật sư (LS) Phạm Văn Thạnh (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng, việc bị tạt a xít có sức hủy hoại rất lớn đến sức khỏe, sự sống của con người về hiện tại lẫn tương lai. Nhiều nạn nhân tuy không chết nhưng suốt đời thành người tàn phế, phải sống trong nỗi đau đớn, mặc cảm về thể xác và tinh thần...
Trong khi đó, những kẻ dã tâm tạt a xít người khác hầu hết chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” chứ không phải tội “Giết người” đã làm cho dư luận không đồng tình, phản đối, lên án.
“Do pháp luật hình sự chưa luật hóa cụ thể trường hợp này nên cơ quan tố tụng chỉ xử lý như vậy là chưa hợp lý, chưa có sức răn đe. Những trường hợp này, không thể căn cứ vào hậu quả chết người có xảy ra hay không mới xử tội giết người được”, LS Thạnh phân tích.
LS Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) lại cho rằng, việc dùng a xít tạt vào người nạn nhân có thể bị xử lý hình sự theo 2 tội danh “Cố ý gây thương tích” hoặc “Giết người”, tùy theo tính chất hành vi, mức độ của hành vi phạm tội chứ không thể hiểu là chỉ có thể xử lý về tội cố ý gây thương tích như một số ý kiến.
Đối với việc xử lý hành vi tạt a xít về tội danh “cố ý gây thương tích” là xét về ý thức chủ quan, động cơ mục đích phạm tội. Theo đó, đối tượng tạt a xít hầu hết chỉ muốn hủy hoại về sức khỏe, nhan sắc hay để “dằn mặt” đối phương, chứ không cố ý tước đoạt tính mạng của nạn nhân. Hậu quả của việc bỏng a xít đa phần chỉ gây sát thương, không tử vong ngay. Hậu quả chết người có thể xảy ra với nguyên do là nạn nhân bị nhiễm trùng vết thương, gây suy hô hấp... Chính vì thế trong thực tiễn nhiều trường hợp chỉ có thể xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích.
“Tuy nhiên, nếu hành vi của đối tượng dùng lượng a xít lớn, nồng độ a xít đậm đặc, cao và việc tạt a xít nhằm vào vị trí trọng yếu trên cơ thể con người như tạt vào đầu, mặt; mức độ phạm tội quyết liệt, cố ý thực hiện hành vi đến cùng trong việc tước đoạt tính mạng nạn nhân... thì có thể xử lý tội giết người”, LS Chánh nêu quan điểm.
Hai nghi phạm tại cơ quan công an - Ảnh: Ngọc Thọ
|
Siết chặt quản lý mua bán a xít
Trước thực trạng các loại hóa chất, trong đó có a xít đang được bày bán tràn lan trên thị trường và thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng, LS Chánh cho rằng, điều này đã tạo điều kiện cho người phạm tội. Thực trạng này đòi hỏi các ngành chức năng cần phải quan tâm siết chặt công tác quản lý, giám sát công tác kinh doanh mua bán hóa chất như ai được phép mua, bán a xít, hóa chất độc hại.
Còn LS Thạnh cho rằng, trước vấn nạn dùng a xít để giải quyết mâu thuẫn, các cơ quan liên ngành tố tụng cần sớm có hướng dẫn riêng về loại hành vi này, chỉ rõ trường hợp nào xử về tội “Giết người”, trường hợp nào là “Cố ý gây thương tích”. Cần phải xử lý nghiêm, mạnh hơn nữa để phòng ngừa chung, răn đe làm cho kẻ có dã tâm chấm dứt ý nghĩ giải quyết mâu thuẫn bằng a xít.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần phải có văn bản quy định cụ thể hơn về việc kinh doanh, sử dụng hóa chất nói chung, a xít nói riêng để quản lý chặt chẽ ai được mua, dùng mục đích gì…
Ngoài ra, các LS cho rằng, để thống nhất đường lối xử lý rất cần sự hướng dẫn cụ thể về tội danh hoặc quy định hành vi này thành một tội danh riêng biệt. Điều này không chỉ giúp cơ quan tiến hành tố tụng dễ áp dụng pháp luật hơn mà còn mang lại sự công bằng cho nạn nhân.
Nạn nhân bị sang chấn tâm lý
Trao đổi vớiThanh Niên Onlinevào sáng 16.10, bà V.T.T. mẹ của H. (nạn nhân của vụ tạt a xít) cho biết khi hai nghi phạm bị bắt gia đình cảm thấy nhẹ nhõm và mong pháp luật trừng phạt một cách thích đáng đối với những kẻ phạm tội.
Bà V.T.T. cho biết thêm, tình trạng của H. hôm nay trở nên tệ hơn. H. cảm thấy đau nhiều hơn; mắt sưng húp không còn nhìn thấy gì nữa. Buổi sáng có biểu hiện sốt, chỉ ăn được một chút cháo lỏng.
Hiện tại H. cảm thấy rất buồn, không nói chuyện gì nhiều, chỉ ậm ừ vài tiếng qua loa. Bác sĩ chẩn đoán H. bị sang chấn tâm thần, tâm lý không ổn định, nằm một chút là khóc.
|
Tổn thương thể xác và tâm hồn
“Hành vi tạt a xít vào mặt để lại cho 2 nữ sinh thương tật vĩnh viễn cả về thể xác và tâm hồn”, PGS.TS Trần Thị Thu Mai, giảng viên khoa Tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TP.HCM chia sẻ.
TS Mai cho rằng tình yêu ở lứa tuổi thanh niên thường đẹp như nắng đầu mùa nhưng muôn nỗi đắng cay. Bởi vì tình yêu xuất hiện những hạn chế về vốn kinh nghiệm sống, hiểu biết nên việc nhận thức về hạnh phúc và hôn nhân gia đình còn chưa thật rõ ràng, đầy đủ và chưa ổn định.
Theo TS Mai, khi không muốn tiếp tục mối quan hệ với ai đó nên lựa chọn cách bày tỏ để người kia không cảm thấy bị tổn thương; chọn thời điểm phù hợp, để cùng nhau thanh thản với nhau rằng: “Chúng ta xa nhau, nhưng vẫn cho nhau nụ cười”.
Sau khi đã chia tay, nên giữ khoảng cách và không liên lạc với nhau nữa, để người kia có thể mở rộng lòng mình đón nhận những tình yêu khác sẽ đến với họ trong đời.
TS Mai nói thêm, các bậc phụ huynh nên thường xuyên quan tâm và chia sẻ với con về những câu chuyện trong cuộc sống... Đặc biệt các bậc phụ huynh cũng không nên “cấm yêu” mà nên thông cảm với con, tạo hoàn cảnh cho con được tìm hiểu bạn một cách phù hợp.
|
Bình luận (0)