70 năm Hiệp định Genève và Chuyến tàu tập kết (1954 - 2024)

Tất cả vì đồng bào miền Nam

02/09/2024 07:05 GMT+7

Dù còn nhiều khó khăn khi vừa dốc sức cho chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Thanh Hóa và nhân dân nhiều tỉnh miền Bắc đã hết lòng, hết sức tiếp đón, nuôi dưỡng đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc.

Tối 1.9, Đài truyền hình TP.HCM (HTV) phối hợp với Đài PT-TH Thanh Hóa (TTV), Đài PT-TH Đồng Tháp (THDT) tổ chức chương trình cầu truyền hình trực tiếp "Niềm tin và khát vọng" nhân kỷ niệm 70 năm Hiệp định GenèveChuyến tàu tập kết (1954 - 2024). Chương trình tổ chức tại 3 điểm cầu, gồm Khu lưu niệm đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc (tại P.Quảng Tiến, TP.Sầm Sơn, Thanh Hóa); Khu lưu niệm đoàn tàu không số (Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, P.Cát Lái, TP.Thủ Đức, TP.HCM) và Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm tập kết ra Bắc (TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp).

Tham dự tại điểm cầu TP.HCM có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, nguyên Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp có Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong. Tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cùng các nhân chứng lịch sử, mẹ Việt Nam anh hùng và đông đảo người dân.

Cuộc chuyển quân lịch sử

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Hiệp định Genève về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra cho cách mạng mỗi miền nhiệm vụ chiến lược phù hợp với tình hình mới. Một trong những nhiệm vụ đó là bố trí lực lượng cán bộ, đảng viên ở lại miền Nam để lãnh đạo nhân dân đấu tranh, buộc địch thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Genève, đồng thời chuyển bộ đội, chiến sĩ miền Nam ra Bắc theo quy định của Hiệp định. Đây là đợt chuyển quân, cán bộ để bồi dưỡng, đào tạo trở thành đội ngũ cán bộ, chiến sĩ vừa góp phần cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam.

Tất cả vì đồng bào miền Nam- Ảnh 1.

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève và Chuyến tàu tập kết (1954 - 2024) tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp

ẢNH: TTXVN

Tháng 8.1954, sau khi Hội đồng Chính phủ thông qua Đề án tổ chức Ban đón tiếp đồng bào, cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết. Tỉnh Thanh Hóa được giao nhiệm vụ cùng với các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Thực hiện chỉ đạo, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thành lập ban đón tiếp và lập điểm tập kết tại bến Sầm Sơn, nay là khu vực cửa Lạch Hới (P.Quảng Tiến, TP.Sầm Sơn, Thanh Hóa). Tỉnh Thanh Hóa khi đó cũng là địa phương đầu tiên đón đồng bào miền Nam. Trong 9 tháng (từ tháng 9.1954 - 5.1955), tỉnh Thanh Hóa đã đón 7 đợt, gồm 45 chuyến tàu, với tổng 56.486 người. Trong đó, có 47.346 người là cán bộ, bộ đội; 1.775 thương binh; 5.922 học sinh; và 1.443 người thân cán bộ.

Để đảm bảo sức khỏe cho đồng bào tập kết, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng một bệnh viện dã chiến quy mô 800 giường; thành lập ở Sầm Sơn một trạm cấp cứu; thành lập 2 trạm khám sức khỏe ở các xã Hoằng Lộc, Hoằng Quang (H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa); thành lập bệnh xá ở xã Thiệu Đô (H.Thiệu Hóa, Thanh Hóa) để chăm sóc sức khỏe cho đồng bào tập kết, đặc biệt là cho đồng bào từng bị thực dân cầm tù, tra tấn ở nhà lao Chí Hòa.

Sau công tác đón tiếp, ổn định sức khỏe cho từng người, đồng bào miền Nam đã được đưa đến các tỉnh, thành của miền Bắc, như: Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng… để lao động, học tập và công tác. Đối với đồng bào, chiến sĩ, học sinh miền Nam ở lại, đã được Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa bố trí, sắp xếp công ăn việc làm, đảm bảo đời sống lâu dài.

Lịch sử 70 năm qua, rất nhiều người là đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc ngày đó, đã và đang là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, nhiều người là các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, diễn viên, sĩ quan cao cấp, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, doanh nhân thành đạt... đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Hết lòng, hết sức vì đồng bào miền Nam

70 năm trôi qua nhưng cụ bà Nguyễn Thị Nhủ (86 tuổi, ngụ khu phố Hải Vượng, P.Quảng Tiến) là một trong 11 thiếu niên đội Cánh chim hòa bình của xã Quảng Tiến (nay là P.Quảng Tiến) vẫn còn nhớ rõ giây phút đón đồng bào miền Nam.

"Bến đón đồng bào miền Nam lúc đó được kết bằng luồng từ miền núi chuyển xuống, phía trên là dãy lán tạm để khi lên bờ đồng bào miền Nam nghỉ tạm. Khi đó, tôi cùng 10 anh chị em trong đội Cánh chim hòa bình vinh dự được phân công đứng hàng đầu chào đón đồng bào miền Nam, lúc đó chúng tôi đều 15 - 16 tuổi. Phía sau chúng tôi là người dân nữa, đứng chào đón đồng bào nhiều lắm. Khi lên bờ, các anh bộ đội còn kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện cảm động lắm, như chuyện một người mẹ tiễn con ra Bắc. Trước khi chia tay, người mẹ đó đã lấy trong túi áo một nắm đất đưa cho con mang theo ra Bắc. Tôi nghe đến đó mà nghẹn ngào, xúc động", bà Nhủ kể.

Tất cả vì đồng bào miền Nam- Ảnh 2.

Khu lưu niệm đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc (tại P.Quảng Tiến, TP.Sầm Sơn, Thanh Hóa)

ẢNH: MINH HẢI

Phát biểu trong chương trình cầu truyền hình, ông Trương Hòa Bình, nguyên Phó thủ tướng thường trực Chính phủ, Thường trực Ban Liên lạc học sinh miền Nam T.Ư, đại diện cho đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, đã bày tỏ lời cảm ơn tới tới đồng bào miền Bắc, đặc biệt là cán bộ, nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã hết lòng, hết sức vì đồng bào miền Nam dù hoàn cảnh khi đó còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

"Hôm nay là dịp may mắn để tôi có thể thay mặt các thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc, xin được bày tỏ lòng tri ân của mình với Đảng, Chính phủ và nhân dân miền Bắc. Sự kiện đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc không chỉ được ghi trong sử sách mà đã được thể hiện trong thực tế, qua hình ảnh Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra bắc tại TP.Sầm Sơn. Sự đón tiếp, chăm sóc chu đáo đối với đồng bào miền Nam 70 năm trước là minh chứng cho sự quan tâm của Đảng, Bác Hồ và tình cảm của nhân dân miền Bắc đối với miền Nam", nguyên Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nói.

Nhân dân nhiều địa phương tại Thanh Hóa đã đóng góp nhu yếu phẩm để hỗ trợ đồng bào tập kết trong thời gian ở lại tỉnh như: Nhân dân H.Nông Cống và H.Đông Sơn ủng hộ 600 con bò, 700 con lợn, 15.000 con gà vịt, 12 vạn quả trứng; nhân dân các huyện Nga Sơn, Quảng Xương ủng hộ 8.384 đôi chiếu; nhân dân các huyện Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Yên Định ủng hộ 2.800 màn cá nhân, 1.000 màn đôi, 4.100 mền chăn, và 1.450 cốt áo bông. Ngoài ra, nhân dân tỉnh Thanh Hóa còn ủng hộ đồng bào miền Nam tổng cộng 49.000 bộ quần áo, 6.161 đôi dép cao su và hàng ngàn tấn thực phẩm.

Khu lưu niệm đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 tại TP.Sầm Sơn (Thanh Hóa) xây dựng bên bờ sông Mã (gần cửa Lạch Hới, P.Quảng Tiến, TP.Sầm Sơn), quy mô hơn 40.000 m2, khởi công cuối tháng 8.2022, do UBND TP.Sầm Sơn làm chủ đầu tư. Công trình có tổng vốn gần 255 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa và một phần ngân sách của tỉnh Thanh Hóa.

Khu lưu niệm được chia làm 3 phân khu, trong đó khu A rộng khoảng 13.600 m2, là khu trung tâm với tượng đài hình con tàu chở đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc được làm bằng bê tông cốt thép, và bức phù điêu lớn hình cánh cung; khu B rộng gần 2.000 m2, tái hiện hình ảnh những lán trại, nơi ăn ở sinh hoạt của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết; khu C là con đường ký ức bằng gốm sứ dài hơn 1,1 km và công viên chuyên đề gần 24.000 m2

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.