'Tắt tiếng quốc ca khi truyền hình trực tiếp là vi phạm tôn nghiêm quốc gia'

31/05/2022 11:44 GMT+7

Thảo luận về luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, nhiều đại biểu đồng tình bổ sung quy định không được cản trở sử dụng, phổ biến quốc ca khi thực hiện quyền sở hữu trí tuệ mới được bổ sung vào dự Luật.

Sáng 31.5, tiếp tục kỳ họp 3 Quốc hội XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của luật Sở hữu trí tuệ.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại phiên thảo luận sáng 31.5

gia hân

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Chính phủ đề nghị bổ sung quy định về việc tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến quốc kỳ, quốc huy, quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng quốc kỳ, quốc huy, quốc ca.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc xử lý tội phạm, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong việc phổ biến, sử dụng quốc kỳ, quốc huy, quốc ca đã được quy định tại nhiều luật khác nhau.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế diễn ra thường xuyên, việc sử dụng quốc kỳ, quốc huy, quốc ca tại các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể dục thể thao ở trong nước, nước ngoài và cả trên không gian mạng trở nên phổ biến hơn, việc tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật về việc phổ biến, sử dụng quốc kỳ, quốc huy, quốc ca là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu vừa bảo đảm sự tôn nghiêm của các biểu tượng quốc gia trong đời sống xã hội, vừa bảo đảm quyền thụ hưởng của người dân.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đưa quy định này vào dự thảo luật sửa đổi theo kiến nghị của Chính phủ.

Thảo luận sau đó, nhiều đại biểu thể hiện sự đồng tình rất cao với đề nghị này.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), cho biết, vừa qua có sự đáng tiếc xảy ra trong sự kiện thể thao quốc tế là tắt tiếng quốc ca khi truyền hình trực tiếp trận bóng đá.

“Đó là sự vi phạm tôn nghiêm của quốc gia chúng ta. Cho nên việc cấm tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không ngăn chặn, cản trở phổ biến, sử dụng quốc huy, quốc kỳ, quốc ca là rất cần thiết”, đại biểu Đồng tháp nói.

Nhấn mạnh, đối tượng đặc biệt, là biểu tượng thiêng liêng của đất nước, chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử và cách mạng sâu sắc, đại biểu Nguyễn Hải Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội chữ Thập đỏ Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hội nhập hiện này, luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh những vấn đề về sử dụng bản quyền liên quan đến các đối tượng đặc biệt này.

Từ đó, đại biểu Nguyễn Hải Anh cũng cho rằng, việc bổ sung quy định không cản trở phổ biến, sử dụng quốc huy, quốc kỳ, quốc ca là cần thiết.

Giải trình cuối phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng nhấn mạnh, việc bổ sung quy định đối với quốc kỳ, quốc huy, quốc ca vào dự thảo luật là “vấn đề thực tiễn đặt ra”.

“Quy định này là cơ sở pháp lý để xử lý những trường hợp thực tế đã đặt ra như việc truyền hình trực tiếp nhưng lại tắt tiếng quốc ca”, ông Tùng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.