'Tàu 67' Đà Nẵng chờ gỡ vướng

24/09/2019 06:31 GMT+7

Hầu hết các tàu cá vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67 của Chính phủ tại TP.Đà Nẵng đang gặp nhiều vấn đề cần tháo gỡ.

Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng, cho biết với “tàu 67”, TP.Đà Nẵng có quy trình rất chặt chẽ, kỹ càng; tổ giúp việc (gồm các ngành nông nghiệp, tài chính, ngân hàng…) sau khi xem xét hồ sơ của ngư dân, nếu đủ điều kiện mới tham mưu cho UBND TP xét duyệt. Sau đó, hồ sơ mới giao ngân hàng thẩm định. Thận trọng như vậy, nên đến nay TP.Đà Nẵng chỉ phát triển mới được 7 tàu, cùng 2 tàu cải hoán, đến nỗi Sở NN-PTNT bị Bộ NN-PTNT phê bình vì tiến độ chậm (chỉ tiêu Bộ NN-PTNT giao cho Đà Nẵng lên đến 47 tàu).

Ngư dân điển hình cũng thành... con nợ

Ngư dân có mặt ở nơi gìn giữ chủ quyền, nên sống chết cũng phải ủng hộ tạo mọi điều kiện cho họ. Tuy nhiên, Nghị định 67 cũng rà soát đánh giá lại, để không làm khó ngân hàng

Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng

Theo ông Nguyễn Phú Ban, cả 9 “tàu 67” của Đà Nẵng đều thuộc những hộ ngư dân sừng sỏ, kinh nghiệm lâu năm, nhiều năm là điển hình xuất sắc toàn quốc. Có điều, chỉ 2 tàu cải hoán hoạt động hiệu quả, 7 tàu đóng mới lại gặp trở ngại. Theo thống kê, 7 tàu đóng mới và 2 tàu nâng cấp này được cam kết giải ngân hơn 120 tỉ đồng, đã cho vay hơn 118 tỉ đồng, dư nợ hơn 111 tỉ đồng. Trong đó, Vietcombank Đà Nẵng cho vay 2 tàu 24,7 tỉ đồng, Vietcombank Nam Đà Nẵng 1 tàu (hơn 29,6 tỉ đồng). Agribank Đà Nẵng 1 tàu đóng mới (gần 5,8 tỉ đồng), 1 tàu nâng cấp (0,9 tỉ đồng). BIDV Đà Nẵng 1 tàu đóng mới (hơn 15,8 tỉ đồng), 1 tàu nâng cấp (0,4 tỉ đồng). BIDV Hải Vân 2 tàu đóng mới gần 34,5 tỉ đồng.
Điều gây ngạc nhiên là ngư dân Lê Văn Sang (Q.Hải Châu), một “điển hình” mà ông Ban vừa nhắc, nay cũng dính nợ xấu. Theo ông Sang, “tàu 67” rất tốt nhưng vốn vay quá lớn, thực tế khai thác trong năm có thời điểm bất lợi (gặp sự cố, thiên tai, giá hải sản thấp), mà không trả đúng hạn thì bị mất lãi suất ưu đãi, chuyển sang lãi suất thương mại và nợ xấu. “Ngư dân không thể vay ngân hàng, buộc phải vay ngoài, đánh bắt khó khăn nên nợ chồng nợ. Hiện nay chúng tôi và BIDV đã thỏa thuận được phương án tái sản xuất, chỉ cần ngân hàng không thu lại tàu, thì ngư dân có cơ hội trả nợ”, ngư dân Sang chia sẻ.
Ngư dân Trần Văn Mười (ngụ Q.Sơn Trà) cũng dẫn chứng lãi vay ưu đãi 1%/năm, nhưng chỉ cần 1 kỳ (1 quý) không trả được thì nợ dồn nợ mất khả năng chi trả, do biến thành lãi thương mại 7%/năm. Ông cho biết đang thỏa thuận ngân hàng đi biển tiếp để dùng tiền hỗ trợ dầu trả cho ngân hàng, “Chứ bây giờ hết cách trả nợ, nếu ngân hàng không chịu thì tôi bàn giao tàu lại”, ông Mười nói.
Nhìn từ góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Hữu Hòa, Giám đốc BIDV Hải Vân, cho biết có ngư dân nợ 18,6 tỉ đồng, “tàu 67” hoạt động từ tháng 5.2017 nhưng từ tháng 9.2017 đến nay không trả nợ, tàu lại liên tục nằm bờ, khai thác ngưng trệ. Không có nguồn thu trả nợ, ngư lưới cụ hình thành từ vốn vay không còn trên tàu, nhiều khả năng thất thoát, khách cũng… bỏ đi xa, không hợp tác với BIDV để trả nợ. Không chỉ tàu nằm bờ, cả tàu hoạt động cũng vẫn dính nợ xấu. “Một ngư dân khác nợ BIDV Hải Vân hơn 15,7 tỉ đồng, tàu hoạt động từ tháng 5.2018 nhưng nay liên tục báo lỗ, nguồn thu từ khai thác hải sản không chuyển về, trả nợ chậm, có dấu hiệu chây ì thiếu thiện chí. Nếu hết quý 3/2019 mà 2 tàu cá liên tục chây ì thì chi nhánh khởi kiện thu hồi nợ”, ông Hòa nói.

Đối thoại để cùng tìm giải pháp

Chỉ kiện khi thực sự cố tình không trả nợ

Ông Trần Ngọc Ân, Giám đốc Agribank Đà Nẵng, khẳng định “tàu 67” là chủ trương đúng nhưng quá trình triển khai bộc lộ bất cập. “Agribank Đà Nẵng cho vay 2 tàu, chỉ 7 tỉ đồng thôi nhưng nay ngư dân đòi trả tàu, ngân hàng đòi kiện. Theo tôi, cứ vận động trước đã, tìm chính sách đặc thù địa phương, tìm mọi quan hệ để ngư dân chuyển tàu cho hộ khác có điều kiện tốt hơn. Bởi thực tế ngư dân khó khăn thật sự, chứ không phải chây ì, nếu chây ì mới kiện để đảm bảo pháp lý”,  ông Ân nói.
Trước thực trạng nợ xấu của “tàu 67”, Ngân hàng Nhà nước đề nghị UBND TP.Đà Nẵng chỉ đạo các bên liên quan phối hợp ngân hàng quản lý, kiểm tra tàu cá tránh xuống cấp, hư hỏng, thất thoát tài sản. Các cơ quan chức năng trao đổi về tình hình hoạt động, khai thác để ngân hàng đánh giá đúng về khách hàng; nghiên cứu phương án chuyển các nguồn hỗ trợ, nguồn vốn ưu đãi như nhiên liệu, tiền hỗ trợ ngư dân về tài khoản ngân hàng cho vay để hỗ trợ ngân hàng quản lý dòng vốn đầu tư, đảm bảo việc sử dụng vốn đúng mục đích. Ngoài hỗ trợ theo Nghị định 67, Giám đốc Sở NN-PTNT đề xuất HĐND TP nghiên cứu không hỗ trợ ngư dân đóng mới mà hỗ trợ sau đầu tư để nâng cao chất lượng. Trong tháng 10, lãnh đạo TP.Đà Nẵng dự tính đối thoại với ngư dân “tàu 67” để sắp xếp tổ chức lại hoạt động gắn với quốc phòng, từng bước tháo gỡ vì sao nằm bờ, trong đó kiến nghị ngân hàng hạ lãi suất thêm 5 - 6 năm.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, TP đã hết sức thận trọng trong phát triển “tàu 67”. Nghị định 67 không chỉ ngư dân hưởng lợi mà nhiều ngành nghề khác cũng phát triển theo. Lãnh đạo Thành ủy định hướng, để giải quyết vấn đề “tàu 67” bền vững, cần quy hoạch lại loại hình đánh bắt, vùng đánh bắt, loại hải sản khai thác để đảm bảo hiệu quả cao nhất. “Ngư dân có mặt ở nơi gìn giữ chủ quyền, nên sống chết cũng phải ủng hộ tạo mọi điều kiện cho họ. Tuy nhiên, Nghị định 67 cũng rà soát đánh giá lại, để không làm khó ngân hàng”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.