Tàu đổ bộ Nhật Bản 'sống lại' sau đêm trăng, có thể là lần cuối cùng

26/02/2024 14:57 GMT+7

Tàu đổ bộ thông minh điều tra mặt trăng (SLIM) của Nhật Bản đã bất ngờ thức dậy sau lần 'bất tỉnh' từ gần một tháng trước do hết năng lượng.

Cụ thể, Cơ quan thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) hôm nay 26.2 cho biết tàu đổ bộ thông minh điều tra mặt trăng (SLIM) đã tạo ra một bất ngờ khác, khi "thức dậy" sau đêm trăng kéo dài 2 tuần, Reuters đưa tin.

Nguyên nhân dẫn đến việc tàu vũ trụ bị "bất tỉnh" là do một sự cố trong lần tiếp đất vào tháng trước. Khi đó, con tàu hạ cánh dưới một góc nghiêng, khiến các tấm pin mặt trời bị quay sai hướng so với dự kiến, ảnh hưởng hoạt động hấp thụ năng lượng cho việc vận hành.

Theo JAXA, khi góc của mặt trời thay đổi, SLIM sẽ hồi sinh trong 2 ngày và thực hiện các quan sát khoa học về miệng núi lửa bằng camera có độ phân giải cao. Sau khi bóng tối kéo đến, tàu vũ trụ sẽ lại đi ngủ.

Tàu đổ bộ Nhật Bản 'sống lại' sau đêm trăng, có thể là lần cuối cùng- Ảnh 1.

Hình ảnh tàu đổ bộ SLIM trên mặt trăng được công bố hôm 25.1

REUTERS

Tuy nhiên, vì SLIM "không được thiết kế cho những đêm trăng khắc nghiệt" nên JAXA không chắc liệu con tàu còn thức dậy lần nào nữa hay không.

"Hôm qua, chúng tôi đã gửi một lệnh và SLIM đã phản hồi. Tàu đổ bộ đã thành công khi sống sót qua một đêm trên bề mặt mặt trăng trong khi vẫn duy trì chức năng liên lạc của nó!", AFP dẫn thông báo được JAXA đăng trên mạng xã hội X.

JAXA cho hay thêm rằng các kết nối đã "chấm dứt sau một thời gian ngắn" vì nhiệt độ của thiết bị liên lạc rất cao. Các công tác chuẩn bị đang được thực hiện để tiếp tục hoạt động khi máy móc đã "đủ nguội".

Tàu thăm dò Nhật Bản đổ bộ lên mặt trăng thành công, nhưng sợ "mất điện"

SLIM, được mệnh danh là "xạ thủ mặt trăng" nhờ công nghệ hạ cánh chính xác, hôm 20.1 đã hạ cánh xuống một địa điểm được định trước. Chiến công này là một chiến thắng lớn cho chương trình không gian của Nhật Bản sau một chuỗi thất bại gần đây.

SLIM cũng góp phần đưa Nhật Bản trở thành quốc gia thứ năm "hạ cánh êm ái" trên mặt trăng, sau Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc và Ấn Độ.

Nga, Hàn Quốc và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cũng đang nỗ lực tiếp cận vệ tinh tự nhiên của trái đất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.