Tàu hải quân New Zealand bị chìm

06/10/2024 07:48 GMT+7

Một tàu của Hải quân Hoàng gia New Zealand đã bị mắc cạn và chìm ngoài khơi Samoa ở Thái Bình Dương.

Quân đội New Zealand thông báo tàu hải quân HMSZS Manawanui bị mắc cạn vào tối 5.10 khi đang khảo sát rạn san hô ngoài khơi Samoa, theo AFP.

Toàn bộ 75 thủy thủ và hành khách đã rời tàu bằng xuồng phao và ca nô, sau đó được đưa đến Samoa an toàn. Theo Reuters, tàu Manawanui chuyên dùng cho hoạt động lặn và thủy văn của hải quân.

Tàu hải quân New Zealand bị chìm

Phó đề đốc Shane Arndell của quân đội New Zealand cho biết con tàu bị mắc cạn gần khu vực phía nam đảo Upolu vào hôm 5.10 khi đang khảo sát. Nhiều tàu và một máy bay P-8A Poseidon đã tham gia hỗ trợ cứu nạn.

Nguyên nhân tàu bị mắc cạn đang được điều tra. Những đoạn phim và hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy có cột khói bốc lên từ tàu Manawanui sau khi nó mắc cạn. Con tàu sau đó bị lật và chìm hẳn vào khoảng 9 giờ ngày 6.10 (giờ địa phương).

Tàu hải quân New Zealand bị chìm- Ảnh 1.

Tàu HMSZS Manawanui của Hải quân Hoàng gia New Zealand bị mắc cạn gần Samoa

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH NZHERALD

Quân đội New Zealand đang làm việc với nhà chức trách để đánh giá nguy cơ và giảm thiểu tác động môi trường.

Tờ The New Zealand Herald dẫn lời Tham mưu trưởng Hải quân Gary Golding cho biết có 2 người bị thương trong vụ việc, trong khi 12-15 người khác bị một số vết cắt và trầy xước nhỏ. Ông cũng đánh giá rằng rất khó để trục vớt con tàu và mục tiêu chính hiện tại là giảm tác động môi trường.

Tàu hải quân New Zealand bị chìm- Ảnh 2.

Hình ảnh được cho là chụp con tàu bị cháy trước khi chìm

ẢNH: TÀI KHOẢN X @pooliecoast

Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Judith Collins nói không thấy hổ thẹn về việc chìm tàu bởi sự việc có thể tồi tệ hơn. Bà giải thích rằng khu vực trên chưa được khảo sát từ năm 1987 và công việc trên cần được hoàn thành. Bộ trưởng Collins nhấn mạnh điều quan trọng là không ai mất mạng và đó là một "thắng lợi".

Tàu Manawanui được chính phủ New Zealand đóng với kinh phí 103 triệu NZD (1.570 tỉ đồng). Con tàu được sử dụng cho nhiều hoạt động lặn, trục vớt và khảo sát quanh New Zealand và khu vực tây nam Thái Bình Dương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.