Tàu Hayabusa2 đáp xuống tiểu hành tinh, lấy mẫu vật 4,6 tỉ năm

11/07/2019 19:00 GMT+7

Tàu thăm dò vũ trụ của Nhật Bản đã hạ cánh xuống tiểu hành tinh đang di chuyển trong không gian và cách Trái đất khoảng 300 triệu km, trong nỗ lực thu thập mẫu vật giúp khám phá lịch sử của hệ mặt trời.

Các nhà khoa học của Cơ quan Thám hiểm Không gian Nhật Bản (JAXA) trong trung tâm chỉ huy trên đảo Tanegashima đã vỗ tay và làm dấu hiệu chiến thắng “V” sau khi tàu thăm dò Hayabusa2 chạm lên bề mặt tiểu hành tinh Ryugu vào sáng 11.7 (giờ Tokyo).
“Con tàu đã chạm đất thành công”, AFP dẫn lời phát ngôn viên JAXA Takayuki Tomobe.
JAXA cho hay phi thuyền hoạt động một cách ổn định bên trên tiểu hành tinh đang cách địa cầu khoảng 300 triệu km.
Trong lần thứ hai đáp lên Ryugu, Hayabusa2 sẽ thu thập các mẫu vật tồn tại từ thời sơ khai của hệ mặt trời, cho phép các chuyên gia Trái đất có cơ hội nhìn ngược về quá khứ cách đây khoảng 4,6 tỉ năm.

Các nhà nghiên cứu JAXA đưa ra các hình ảnh chụp cận cảnh con tàu đáp xuống bề mặt tiểu hành tinh

JAXA

Theo JAXA, đây là lần đầu tiên tàu du hành Nhật Bản lấy mẫu vật bên trong lòng thiên thể này.
Để có thể làm như thế, Hayabusa2 vào tháng 4 đã thực hiện một tác vụ khá nguy hiểm khi phóng cái gọi là “thiết bị va chạm”, tạo ra một vết lõm trên bề mặt Ryugu nhằm khuấy động lên nhóm vật liệu chưa từng lộ diện trên bề mặt tiểu hành tinh trước đây. Nếu không cẩn thận, hành động bắn phá bề mặt có thể làm nứt tiểu hành tinh.
Cơ quan Nhật Bản cho rằng các mẫu vật trong lòng Ryugu có thể chứa vật liệu sinh học và nước. Dự kiến Hayabusa2 sẽ quay về Trái đất trong năm sau.
Sứ mệnh Hayabusa2 được khởi động vào tháng 12.2014 với tổng chi phí khoảng 30 tỉ yen (lúc đó 270 triệu USD). Nó tiến vào quỹ đạo tĩnh cách Ryugu khoảng 20 km hồi tháng 6 năm ngoái sau khi vượt qua quãng đường 3,2 tỉ km trong hơn 3 năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.