'Tàu ngầm tấn công hạt nhân' mới của Triều Tiên có đáng sợ?

'Tàu ngầm tấn công hạt nhân' mới của Triều Tiên có đáng sợ?

16/09/2023 14:18 GMT+7

Hãng thông tấn Quốc gia đưa tin trong loạt động thái tăng cường sức mạnh hải quân, Triều Tiên hôm 8.9 đã hạ thủy "tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến lược" đầu tiên và được giao cho hạm đội tuần tra vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản phụ trách.

Truyền thông Triều Tiên hôm 8.9 cho biết hải quân nước này đã trình làng "tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật" đầu tiên. Con tàu mang tên Anh hùng Kim Kun Ok hiện đã được biên chế vào hạm đội tuần tra vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.

Vậy con tàu này là gì và có ý nghĩa như thế nào đối với hải quân Triều Tiên?

Trong bài phát biểu tại lễ hạ thủy tàu ngầm, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết con tàu sẽ trở thành một trong những "phương tiện tấn công dưới nước chính của lực lượng hải quân".

Hải quân Triều Tiên vốn có phần lép vế so với lực lượng lục quân và bị lu mờ sau chương trình tên lửa đạn đạo phát triển "thần tốc" của nước này.

Tuy nhiên, trong vòng một năm qua, Bình Nhưỡng đã tăng cường trang bị cho hải quân vũ khí hạt nhân mới, bao gồm thiết bị không người lái dưới nước và tàu chiến.

Các nhà phân tích cho rằng con tàu mới dường như là một tàu ngầm lớp Romeo đã được cải tiến. Triều Tiên mua lại chiếc tàu thời Liên Xô này từ Trung Quốc vào thập niên 1970, nhưng sau đó đã tổ chức tự đóng tàu.

Nhà nghiên cứu tại Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc Shin Seung-ki cho biết tàu này dự kiến sẽ mang theo tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo chiến thuật, nhưng có thể gặp phải nhiều hạn chế.

Ông Shin Seung-ki nói: "Vì Triều TIên đã cải tiến mạnh mẽ tàu ngầm lớp Romeo có sẵn, nên có thể xuất hiện một số hạn chế trong việc vận hành so với tàu hiện có. Tuy nhiên, có khả năng Triều Tiên đã củng cố cấu trúc bên trong tàu theo cách nào đó, để đảm bảo hoạt động của con tàu. Do đó, mặc dù có thể có những hạn chế, có khả năng là Triều Tiên sẽ tiếp tục phát triển cho đến khi có thể vận hành tàu một cách bình thường trong tương lai."

Cựu chuyên gia vũ khí của chính phủ Mỹ Vann Van Diepen, hiện làm việc cho tổ chức 38 North có trụ sở tại Washington, cho rằng những vũ khí như vậy sẽ không mang lại nhiều giá trị cho lực lượng hạt nhân trên đất liền. Lý do là vì thiết kế tàu ngầm lớp Romeo đã lỗi thời, tương đối chậm và ồn ào, tầm hoạt động cũng có hạn chế. Ông Diepen cho biết khi những yếu tố này kết hợp lại thì con tàu khó có thể sống sót lâu dài vì dễ dàng bị các hệ thống vũ khí chống ngầm đánh bại.

Trong khí đó, quân đội Hàn Quốc cho biết tàu ngầm mới của Triều Tiên có vẻ chưa sẵn sàng cho hoạt động bình thường và nhiều khả năng Triều Tiên chỉ đang cố phóng đại năng lực quân sự của mình.

Hải quân Triều Tiên có khoảng 470 tàu mặt nước và khoảng 70 tàu ngầm.

Hồi tháng 8, nhà lãnh đạo Kim đã đến kiểm tra tàu hộ tống lớp Amnok mới, được truyền thông Triều Tiên giới thiệu là có khả năng bắn tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân.

Tuy nhiên, chuyên trang Naval News gọi các vũ khí và hệ thống cảm biến của tàu này là "lỗi thời nghiêm trọng so với các thiết kế của phương Tây hoặc châu Á".

Dù vậy, Naval News vẫn khẳng định đây là một bước tiến lớn của Bình Nhưỡng, tiềm tàng khả năng thay đổi tình thế nếu có thể mang tên lửa hành trình hạt nhân.

Trước đó, vào mùa xuân, hải quân Triều Tiên đã thử nghiệm "vũ khí tấn công dưới nước không người lái có khả năng mang đầu đạn hạt nhân".

Loại vũ khí này được cho là để thực hiện các trận tấn công bất ngờ vào vùng biển của đối phương, tiêu diệt các nhóm tấn công hải quân và các cảng lớn chỉ bằng một vụ nổ dưới nước.

Một báo cáo của trang 38 North thời điểm đó cho biết loại vũ khí này có tốc độ chậm và tầm tấn công hạn chế. Điều này khiến nó yếu thế hơn nhiều so với các tên lửa đạn đạo và hành trình trang bị vũ khí hạt nhân hiện có, xét về thời gian bay đến mục tiêu, độ chính xác và khả năng sát thương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.