Tàu ngầm Trung Quốc gia tăng hiện diện ở vùng biển gần Ấn Độ

25/12/2019 16:02 GMT+7

Biển Andaman trở thành mục tiêu mới của Bắc Kinh giữa lúc Ấn Độ phát hiện các tàu ngầm Trung Quốc gia tăng hoạt động tại đây.

Hải quân Ấn Độ hồi tháng 9 đã điều động lực lượng xua đuổi tàu khảo sát Trung Quốc Shi Yan 1 bị phát hiện đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Ấn Độ tại biển Andaman, nằm trong vùng 200 hải lý tính từ quần đảo Andaman và Nicobar. Giới chuyên gia cho rằng các tàu khảo sát Trung Quốc có nhiệm vụ lập bản đồ đáy đại dương nhằm phục vụ hai mục đích quân sự hoặc kinh tế.
Không chỉ tàu khảo sát, tờ The Eurasian Times dẫn lời các nguồn tin Hải quân Ấn Độ tiết lộ tàu ngầm Trung Quốc thường xuyên di chuyển đến biển Andaman. Hiện vẫn chưa rõ ý đồ thật sự của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà phân tích đánh giá Trung Quốc muốn tiếp cận biển Andaman do khu vực này gần eo biển Malacca.

Một tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc

Reuters

Eo biển hẹp Malacca, nối Biển Đông và Ấn Độ Dương, nằm ở “vị trí án ngữ” chiến lược đối với việc vận chuyển nhiên liệu và hàng hóa ở châu Á. Về mặt quân sự, nếu xung đột bùng nổ thì nắm rõ địa hình “vị trí án ngữ”, kiểm soát eo biển Malacca hoặc biển Andaman có thể giúp quyết định thành bại.

[VIDEO] Trung Quốc khoe tàu ngầm hạt nhân, tàu khu trục tên lửa dẫn đường thế hệ mới trong thao diễn hải quân

Trước đây, tàu chiến Trung Quốc hiếm khi xuất hiện tại khu vực này. Tuy nhiên, kể từ năm 2012, Trung Quốc thường xuyên điều tàu ngầm tuần tra ở biển Andaman và vịnh Bengal. Hải quân Ấn Độ phát hiện 3-4 tàu ngầm Trung Quốc ở khu vực này cứ mỗi 3 tháng một lần. Theo hải quân Ấn Độ, có khoảng 8-10 tàu nổi và tàu ngầm Trung Quốc tham gia hoạt động tuần tra tại đó hằng năm.
Chuyên gia Yogesh Joshi tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) đánh giá: “Biển Andaman dần dần trở thành mặt trận quan trọng. Nguy cơ đối đầu giữa hải quân Ấn Độ và Trung Quốc trong tương lai là điều không thể tránh khỏi”.

Tàu khảo sát Trung Quốc Shiyan 1 bị phát hiện đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Ấn Độ tại biển Andaman hồi tháng 9.2019

Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc

Chuyên gia Joshi chỉ ra rằng việc Bắc Kinh quan tâm đến biển Andaman được thể hiện rõ qua hàng loạt dự án đầu tư của Trung Quốc trong những năm gần đây bao gồm: cảng nước sâu ở Myanmar, dự án kênh đào nối biển Andaman và vịnh Thái Lan. Bên cạnh đó,  trong những năm gần đây, Trung Quốc nỗ lực tăng cường sự hiện diện ở Sri Lanka và Maldives, láng giềng của Ấn Độ. “Trung Quốc đang xây dựng các đảo nhân tạo để phục vụ cảng và cơ sở công nghiệp lớn tại hai nước này”, ông Joshi nói.
Trước tình hình đó, Ấn Độ đẩy mạnh xây dựng quần đảo Andaman và Nicobar trở thành “tàu sân bay không thể bị đánh chìm”. Các sân bay và cảng ở quần đảo này giúp quân đội Ấn Độ giám sát vịnh Bengal và eo biển Malacca.

Ấn Độ gần đây tăng cường mua sắm khí tài tuần tra biển. Trong ảnh là máy bay trinh sát và săn ngầm P-8I Poseidon (Boeing chế tạo) của Hải quân Ấn Độ

Hải quân Mỹ

Chính phủ Ấn Độ gần đây tuyên bố sẽ đầu tư hơn 50 tỉ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng ở quần đảo Andaman và Nicobar nhằm mục tiêu đặt căn cứ hải quân với 32 tàu chiến đóng quân vào năm 2022. Bên cạnh đó, Ấn Độ lên kế hoạch xây dựng căn cứ không quân lớn ở quần đảo này nhằm tăng cường năng lực tuần tra, trinh sát chống tàu ngầm suốt ngày lẫn đêm.
“Không giống như Biển Đông, quân đội Trung Quốc không thể tăng cường hiện diện hải quân do những bất lợi về mặt địa lý. Tuy nhiên, nếu sử dụng những loại vũ khí phục vụ chiến lược phong tỏa biển như tàu ngầm thì Trung Quốc cũng có thể loại trừ khả năng Ấn Độ thống trị vùng biển này”, theo chuyên gia Joshi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.