Các động thái quân sự của Trung Quốc, nhất là ở Biển Đông, đang là mối đe dọa cho đội tàu sân bay xưa nay được ví von bất khả xâm phạm của Mỹ.
Nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71) tham gia một cuộc tập trận ngày 23.9.2014 - Ảnh: Hải quân Mỹ |
Báo động đỏ: Mối đe dọa lớn dần với tàu sân bay Mỹ là tên một báo cáo của Trung tâm an ninh nước Mỹ mới (CNAS) - một tổ chức tư vấn chính sách tại Mỹ. Báo cáo cho rằng mặc dù nhiều nước khó lòng có thể mong đạt tới quy mô và sức mạnh ngang tầm với đội tàu sân bay cực “khủng” của Mỹ, nhưng những nước như Trung Quốc, Iran và Nga trong những năm qua đã điều chỉnh sức mạnh quân sự, tích cực gia tăng năng lực nhằm chống lại đội tàu sân bay - xưa nay là một trong những sức mạnh quân sự đáng gờm nhất của Mỹ.
Báo cáo đặc biệt chú trong đến các động thái quân sự của Trung Quốc thời gian qua tại khu vực Thái Bình Dương và chiến lược A2/AD (chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực) nguy hiểm của nước này. A2/AD tương đương với một khái niệm từ lâu đã tồn tại trong chiến tranh: ngăn cản đối phương đến gần một khu vực nào đó. Chiến lược A2/AD của Trung Quốc chẳng khác gì hào sâu đào xung quanh các tòa lâu đài trong những trận chiến cổ xưa, có điều những cái hào đó bây giờ là tên lửa đất đối không, tên lửa hành trình chống hạm, là tàu ngầm, tàu nổi và máy bay chiến đấu. Tất cả đều nhắm tới mục tiêu đẩy đối thủ ra càng xa khỏi một khu vực chiến lược nào đó càng tốt.
Báo Washington Post ngày 22.2 dẫn nội dung báo cáo đặc biệt chú trọng đến mối đe dọa từ Trung Quốc, nhất là tên lửa chống hạm tầm xa của nước này. Washington Post dẫn lại sự kiện Trung Quốc đưa tên lửa đất đối không HQ-9 lên đảo Phú Lâm, cho đây là một phần trong chiến lược A2/AD của Trung Quốc. Tổ chức CNAS nhận dạng HQ-9 là mối đe dọa tầm ngắn, nhưng việc Trung Quốc ngang ngược đưa nó lên Phú Lâm cho thấy đó là đe dọa lâu dài cho hải quân Mỹ, theo nhận định của CNAS.
Việc Trung Quốc ngang ngược đưa tên lửa lên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khiến cả thế giới lên án - Ảnh minh họa: GoogleEarth/FoxtrotAlpha
|
Các mối đe dọa tầm trung và tầm xa mà CNAS đề cập tới trong báo cáo bao gồm các máy bay ném bom và các tên lửa đạn đạo chống hạm như DF-21D và DF-26. Với tầm bắn theo thứ tự là 810 và 1.620 hải lý (1.500 - 3.000 km), hai loại tên lửa này được xác định là “mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng cho hàng không mẫu hạm ”.
CNAS cho rằng trong lúc Trung Quốc và một số nước đang tích cực vận dụng các công nghệ mới, chẳng hạn máy bay không người lái, tên lửa hiện đại, máy bay chiến đấu tối tân mà tàu sân bay của Mỹ chẳng thay đổi gì, Mỹ đang tự đặt mình trước nguy hiểm. Nguy hiểm càng gia tăng trong bối cảnh các tàu sân bay của Mỹ giảm bớt các cuộc tấn công tầm xa để có thể tập trung cho các chuyến xuất kích dày đặc hơn nhưng ở tầm ngắn hơn.
“Một đối thủ với khả năng A2/AD sẽ có thể tấn công dồn dập vào tàu sân bay bằng nhiều phương cách và từ nhiều hướng khác nhau. Sẽ là rất khó, nếu không muốn nói là không thể chống trả những cuộc tấn công như thế”, CNAS nhận định.
CNAS đề cập tới một số giải pháp để Mỹ khắc phục tình hình, trong đó có việc xây dựng một hệ thống và chiến lược đối phó, bao gồm cả tấn công mạng để vô hiệu hóa năng lực của đối thủ. Tuy nhiên, giải pháp lâu dài, theo CNAS là tập trung nâng cao sức mạnh của tàu ngầm và máy bay không người lái tầm xa “ém” trên tàu sân bay. CNAS cho rằng tàu ngầm có thể xâm nhập vào vùng A2/AD mà không bị phát hiện, trong khi máy bay không người lái, một khi được nâng tầm hoạt động, có thể giúp tàu sân bay đối đầu với mối đe dọa từ A2/AD.
Bình luận (0)