Tàu sân bay Mỹ - Trung 'vờn nhau' ở tây Thái Bình Dương

07/05/2022 07:30 GMT+7

Ở vùng biển tây Thái Bình Dương, trong khi nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh ( Trung Quốc ) đang tập trận và bị theo dõi chặt chẽ của tàu sân bay Nhật, thì còn có sự hiện diện của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Abraham Lincoln.

Tối 5.5, tờ South China Morning Post đưa tin nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đang tiến hành cuộc tập trận cùng chiến đấu cơ ở vùng biển tây Thái Bình Dương.

Tàu sân bay tụ hội

Cụ thể, từ đầu tuần này, tàu sân bay Liêu Ninh dẫn đầu nhóm tác chiến trong đó có 7 chiến hạm khác gồm 5 tàu khu trục, 1 tàu hộ tống và 1 tàu hỗ trợ đi qua eo biển Miyako nằm gần quần đảo Okinawa (Nhật) để tiến vào phía tây Thái Bình Dương. Trong số 5 tàu khu trục, có tàu Nam Xương t huộc loại Type 055 được xem là lớp tàu khu trục hiện đại nhất của quân đội Trung Quốc hiện nay, đối trọng trực tiếp với lớp tàu khu trục “siêu khủng” Zumwalt của Mỹ. Các tàu còn lại gồm: 3 tàu khu trục thuộc loại Type 052D là Tây Ninh, Ô Lỗ Mộc Tề và Thành Đô, cùng tàu khu trục Trịnh Châu loại Type 052C, tàu hộ tống Tương Đàm thuộc loại Type 054A và tàu hỗ trợ Hồ Hô Luân.

Tàu sân bay Liêu Ninh trong một lần hoạt động ở vùng biển tây Thái Bình Dương

Chinamil.com.cn

Theo thông tin từ Cơ quan phòng vệ Nhật Bản, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đã triển khai tập trận với các nội dung bao gồm cất và hạ cánh chiến đấu cơ J-15 cũng như trực thăng trinh sát cảnh báo sớm Z-18 tại vùng biển trên.

Đáp trả lại, phía Nhật Bản đã điều động tàu JS Izumo túc trực theo dõi hoạt động của nhóm chiến hạm Trung Quốc. Xuất phát là tàu sân bay trực thăng có độ choán nước toàn tải khoảng 27.000 tấn và dài gần 250 m, chiến hạm lớp Izumo gồm 2 chiếc JS Izumo và JS Naga đang trong kế hoạch nâng cấp để có thể mang theo chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35. Nhờ đó, Nhật Bản trong tương lai có thể triển khai các tàu lớp Izumo tác chiến như tàu sân bay tương tự cách mà hải quân Mỹ áp dụng với các tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp và America. Không chỉ điều chiến hạm, Nhật Bản còn triển khai máy bay trinh sát biển Kawasaki P-1 và máy bay chống ngầm Lockheed P-3 Orion đến khu vực nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh tập trận.

Trong khi đó, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Abraham Lincoln cũng đang tập trận tại vùng biển tây Thái Bình Dương. Hôm qua 6.5, tài khoản Facebook của Hạm đội Thái Bình Dương - Hải quân Mỹ đăng tải các ảnh tập trận bắn đạn thật của tàu sân bay USS Abraham Lincoln tại biển Philippine thuộc tây Thái Bình Dương. Tuy không nói rõ thời điểm diễn ra cuộc tập trận, nhưng chiến hạm nói trên đã hoạt động tại vùng biển này từ tháng 4.

Lẽ ra, tàu sân bay USS Abraham Lincoln dự kiến đến Biển Đông vào đầu tháng 5 để thăm một quốc gia Đông Nam Á nhưng rồi đã hoãn. Theo hình ảnh do trang mạng của Bộ Quốc phòng Mỹ, tàu USS Abraham Lincoln ngày 3.5 đang tập luyện ở vùng biển Philippine.

Chiến đấu cơ cất cánh từ tàu USS Abraham Lincoln vào ngày 3.5 ở biển Philippine

US Navy

Tham vọng lâu dài của Bắc Kinh

Những năm qua, Trung Quốc không còn giấu giếm tham vọng vươn tầm hoạt động của hải quân đến khu vực tây Thái Bình Dương, thậm chí là đủ sức tấn công các căn cứ quân sự Mỹ ở khu vực này như Hawaii, đảo Guam.

Trong cuộc điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hồi tháng 3.2021, Tư lệnh Bộ chỉ huy Indo-Pacific của nước này khi đó là đô đốc Philip Davidson từng cảnh báo nguy cơ đảo Guam bị quân đội Trung Quốc “đánh úp”. Bởi Trung Quốc thường xuyên quảng bá việc sở hữu các loại tên lửa đạn đạo tầm trung và liên lục địa. Truyền thông Trung Quốc còn gọi tên lửa đạn đạo Đông Phong 26 (DF-26) là “tên lửa diệt Guam” với tầm bắn 4.000 km. Cuối tháng 8.2020, Trung Quốc đã bắn thử 2 tên lửa Đông Phong 21 (DF-21) và DF-26 tới Biển Đông. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã thử nghiệm việc khai hỏa tên lửa DF-21 từ máy bay ném bom H-6K và đã tung ra đoạn video được cắt ghép có nội dung tấn công đảo Guam.

Ngoài ra, Bắc Kinh những năm qua đã xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự trên các đảo nhân tạo Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Khi triển khai các oanh tạc cơ đến những thực thể này, không quân Trung Quốc hoàn toàn có khả năng đe dọa trực tiếp đến đảo Guam, thậm chí Hawaii. Không chỉ vậy, cũng trong những năm gần đây, Bắc Kinh còn điều động thường xuyên hơn các nhóm tàu chiến, bao gồm cả nhóm tác chiến tàu sân bay, đến khu vực tây Thái Bình Dương.

Tất cả nhằm thể hiện mục tiêu lâu dài trong tham vọng của hải quân Trung Quốc là tăng cường hoạt động ở vùng tây Thái Bình Dương.

Người dân Okinawa lo đảo lại nằm trên tuyến đầu xung đột

Hướng đến hiệp ước quốc phòng, Nhật - Anh lên án Trung Quốc về Biển Đông

Hôm qua 6.5, Hãng thông tấn Kyodo đưa tin sau cuộc hội đàm ngày 5.5, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đồng ý các điểm then chốt trong hiệp ước quốc phòng song phương sắp được ký kết giữa hai nước. Được cho là tương tự Thỏa thuận tiếp cận tương hỗ (RAA) giữa Nhật Bản và Úc, thỏa thuận trên sẽ cho phép lực lượng quân sự hai bên dễ dàng huấn luyện và tiến hành các hoạt động quân sự chung.

Hiệp ước quân sự Nhật - Anh là bước tiếp theo nhằm hiện thực hóa chương trình hành động của hai nước liên quan chiến lược Indo-Pacific tự do và rộng mở nhằm đối phó với các hành động của Trung Quốc.

Cũng trong cuộc gặp trên, hai nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại về những hành động của Trung Quốc nhằm tìm cách thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông, cụ thể là các hành vi quân sự hóa không minh bạch mà Bắc Kinh đang thực hiện ở các vùng biển này.

Liên quan Indo-Pacific, trong cuộc họp chung tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Nhật Nobuo Kishi nhất trí điều chỉnh chiến lược an ninh hai bên, đồng thời tăng cường hợp tác nhằm chống lại việc sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng khu vực trong bối cảnh Trung Quốc có nhiều hành động gây quan ngại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.