Tự động phát
Đây là tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ, được biên chế sau 17 năm đóng tàu và thử nghiệm.
Thủ tướng Modi phát biểu: "Hôm nay, Ấn Độ đã có thể tham gia cùng nhiều nước có khả năng đóng tàu sân bay lớn như vậy bằng công nghệ bản địa. Từ tàu tuần tra xa bờ, tàu ngầm cho đến tàu sân bay, sức mạnh của Hải quân Ấn Độ đang gia tăng với tốc độ nhanh chóng. Điều này sẽ tăng cường sức mạnh cho lực lượng hải quân của chúng ta trong tương lai".
Thủ tướng Modi nói thêm sự kiện được tổ chức trên tàu INS Vikrant nhằm "tôn vinh tinh thần vươn lên của Ấn Độ”. Ông nhấn mạnh việc Ấn Độ đóng tàu INS Vikrant là biểu tượng của năng lực, nguồn lực và kỹ năng bản địa. Hơn 75% bộ phận của tàu INS Vikrant được phát triển trong nước.
Ấn Độ biên chế tàu sân bay INS Vikrant trong ngày 2.9 |
reuters |
Tàu sân bay INS Vikrant dài 262 m, thân rộng nhất 62 m, độ choán nước 47.400 tấn. Tàu có tốc độ tối đa 51,8 km/giờ và có thể hoạt động liên tục 13.890 km. Tàu có thủy thủ đoàn 1.700 người và mang theo 30 máy bay.
Máy bay hoạt động trên tàu sân bay này là MiG-29K do Nga thiết kế, loại đang hoạt động trên tàu sân bay INS Vikramaditya mà Ấn Độ mua của Nga. Ngoài ra, Ấn Độ còn đang cân nhắc mua chiến đấu cơ Rafale-M của Pháp hoặc F/A-18 của Mỹ để hoạt động trên tàu này.
AP dẫn lời các chuyên gia quốc phòng cho hay do bị trì hoãn đến 6 năm nên chi phí đóng tàu tăng lên đến 200 tỉ rupee (2,5 tỉ USD). Tàu sẽ hoạt động đầy đủ vào cuối năm 2023.
Tàu sân bay mới sẽ góp phần gia tăng năng lực hải quân của Ấn Độ, cho phép nước này hiện diện một tàu sân bay trên mỗi bờ biển. Ngoài ra, Ấn Độ còn có 10 tàu khu trục, 12 tàu hộ tống và 20 khinh hạm.
Ấn Độ là một trong những nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chi 12,4 tỉ USD từ năm 2018-2021, nhưng đang tìm cách phát triển ngành quốc phòng nội địa để thay thế.
Nga mở tập trận chung với Trung Quốc, Ấn Độ, Belarus ở Viễn Đông |
Bình luận (0)