Tàu thăm dò mặt trăng của Nga gặp tình huống khẩn cấp

20/08/2023 07:06 GMT+7

Tàu thăm dò Luna-25 của Nga đã gặp phải một tình huống khẩn cấp bất thường khi đang điều chỉnh quỹ đạo để chuẩn bị đáp xuống mặt trăng.

Cơ quan Hàng không vũ trụ Nga (Roscosmos) ngày 19.8 thông báo một tình huống khẩn cấp đã xảy ra đối với tàu thăm dò Luna-25, sứ mệnh hạ cánh xuống mặt trăng lần đầu tiên của nước này trong thời hậu Liên Xô.

Tàu thăm dò mặt trăng của Nga gặp tình huống khẩn cấp - Ảnh 1.

Các chuyên gia Nga chuẩn bị cho vụ phóng tàu Luna-25 ngày 1.8

REUTERS

TASS dẫn thông báo của Roscosmos cho biết một mệnh lệnh đã được gửi đến tàu Luna-25 vào lúc 14 giờ 10 ngày 19.8 (giờ địa phương Moscow) để tiến vào quỹ đạo tiền đổ bộ. "Trong hoạt động này, một tình huống khẩn cấp đã xảy ra trên tàu thăm dò vũ trụ, khiến nó không thể thực hiện chuyển động theo các thông số yêu cầu", Roscosmos cho hay.

Hiện tại, các chuyên gia thuộc nhóm chỉ huy và kiểm soát Nga đang phân tích tình hình. Hiện chưa rõ sự cố có cản trở tàu thăm dò đổ bộ xuống khu vực cực nam của mặt trăng hay không.

Vì sao Nga trở lại cuộc đua lên mặt trăng?

Tàu Luna-25 được tên lửa đẩy Soyuz-2.1b phóng lên từ trung tâm vũ trụ Vostochny vào hôm 11.8. Tàu trải qua hai lần điều chỉnh quỹ đạo vào ngày 12 và 14.8. Ngày 16.8, tàu tiến vào quỹ đạo mặt trăng.

Đây là sứ mệnh đổ bộ mặt trăng lần đầu tiên của Nga trong thời hậu Liên Xô. Tàu Luna-24 đổ bộ xuống mặt trăng vào ngày 18.8.1976.

Tàu thăm dò mặt trăng của Nga gặp tình huống khẩn cấp - Ảnh 2.

Tàu Luna-25 được phóng lên hôm 11.8

REUTERS

Theo CNN, việc đáp an toàn sẽ đánh dấu bước nhảy vọt cho chương trình vũ trụ của Nga. Tàu Luna-25 là nền tảng cho các sứ mệnh khám phá mặt trăng trong tương lai của Nga, trong đó có nhiều nhiệm vụ được chuẩn bị với việc sử dụng cùng thiết kế tàu vũ trụ này.

Đến nay, mới chỉ có 3 nước đổ bộ thành công xuống mặt trăng là Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc. Nga và Ấn Độ đang chạy đua để trở thành nước đầu tiên có tàu hạ cánh xuống cực nam của mặt trăng. Tàu Luna-25 được dự kiến đổ bộ vào ngày 21-23.8, gần như cùng khoảng thời gian dự kiến của tàu Chandrayaan-3 của Ấn Độ, vốn được phóng từ ngày 14.7.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.