Tàu Trung Quốc dùng chiêu 'vô hình' càn quét tài nguyên biển

04/06/2021 07:09 GMT+7

Đội tàu khổng lồ của Trung Quốc đi tới những vùng biển giàu tài nguyên ở tận Nam Mỹ để đánh bắt hải sản, nhiều tàu trong số đó tắt định vị và hoạt động trái phép.

Nghiên cứu của Oceana (tổ chức phi chính phủ quốc tế về bảo tồn đại dương có trụ sở tại Mỹ) công bố hôm qua cho thấy hàng trăm đội tàu cá, chủ yếu từ Trung Quốc, đánh bắt trái phép tại ngư trường ngoài khơi Argentina suốt nhiều năm.

Ẩn mình 600.000 giờ

Bằng cách theo dõi tín hiệu từ các tàu trong khoảng thời gian từ tháng 1.2018 - 4.2021, Oceana phát hiện hơn 800 tàu cá tiến hành gần 900.000 giờ đánh bắt trong phạm vi 20 hải lý giữa vùng biển của Argentina và vùng biển quốc tế. Nhưng cũng trong thời gian đó, hơn 6.000 trường hợp tàu cá trở nên “vô hình” do tắt các hệ thống nhận diện tự động (AIS) khi đi vào vùng biển của Argentina, theo tờ The Guardian dẫn nghiên cứu. Tổ chức Oceana cho rằng hàng ngàn tàu cá trên đã “ẩn mình” suốt 600.000 giờ đánh bắt trái phép.
Gần 66% số tàu tắt thiết bị theo dõi là tàu câu mực treo cờ Trung Quốc, trong khi 6% là tàu Tây Ban Nha. Sự hiện diện của nhiều tàu thuyền ở vùng biển ngoài khơi Argentina đã dẫn đến một số cuộc đối đầu với lực lượng bảo vệ bờ biển nước này. Tháng 4.2021, khoảng 100 tàu câu mực - hầu hết treo cờ Trung Quốc - đã bị bắt giữ với cáo buộc đánh bắt trái phép khi xâm nhập vùng biển Argentina vào ban đêm và đều tắt thiết bị theo dõi tự động. Năm 2018, 4 tàu cá mang cờ Trung Quốc đã tập hợp lại để giải vây cho một tàu khác bị lực lượng tuần duyên Argentina truy đuổi sau khi phát hiện hành vi đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Argentina.
Vùng biển ngoài khơi Argentina là một trong những ngư trường mực lớn nhất thế giới với giá trị thương mại lên đến hàng tỉ USD. Hoạt động đánh bắt quá mức của các đội tàu công khai lẫn ẩn mình như của Trung Quốc có thể ảnh hưởng lớn đến chu kỳ sinh sản của mực và các loài khác tại khu vực.

Càn quét khắp nơi

Theo tờ The Wall Street Journal, chính phủ nhiều nước, ngư dân và các nhóm bảo tồn đại dương liên tiếp cáo buộc tàu cá Trung Quốc nhiều năm qua tiến hành hoạt động đánh bắt trái phép ở lãnh hải nước ngoài, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế của các nước ven bờ, thậm chí tàn phá các ngành thủy sản nhỏ. Năm 2019, tổ chức Sáng kiến toàn cầu (chuyên giám sát tội phạm xuyên quốc gia, có trụ sở tại Thụy Sĩ) cho biết Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về nạn đánh bắt hải sản trái phép.
Không chỉ với Argentina, tình trạng đánh bắt bất hợp pháp của các đội tàu khổng lồ Trung Quốc cũng diễn ra khắp vùng biển dọc khu vực Nam Mỹ, ảnh hưởng đến một loạt quốc gia gồm Chile, Colombia, Ecuador và Peru. Các tàu này cũng bị cáo buộc tắt thiết bị theo dõi. Hồi tháng 8.2020, khoảng 300 tàu cá Trung Quốc đánh bắt gần quần đảo Galápagos của Ecuador cũng với chiêu thức ẩn danh như tắt AIS và đổi tên. Giới chức Ecuador cho biết việc đánh bắt trái phép của tàu Trung Quốc đe dọa đa dạng sinh học ở quần đảo bởi loại mực mà các tàu Trung Quốc khai thác nằm trong chuỗi sinh thái của nhiều loài sinh vật ở Galápagos.
Châu Á, châu Phi, châu Đại Dương đều không ngoại lệ. Tại Ghana, vùng lãnh hải cách bờ 6 hải lý là nơi hoạt động của ngư dân bản địa, nhưng các tàu cá Trung Quốc đã liên tục phớt lờ. Indonesia, Malaysia cho đến Kiribati đều báo cáo về hành vi khai thác trái phép của các tàu cá Trung Quốc trong vùng biển của họ.
Theo tờ The Wall Street Journal, ngoài đem lại lợi nhuận khổng lồ, đội tàu cá còn giúp Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng và hiện diện lớn trên biển. Những tàu cá lớn của Trung Quốc được cho là có thể giúp Bắc Kinh thiết lập khu định cư trên những đảo hoang sơ nằm trong vùng biển tranh chấp với các nước láng giềng. Đáng lo ngại hơn, các chuyên gia cho rằng nhiều tàu cá Trung Quốc không đơn thuần hoạt động đánh bắt mà là tàu dân binh ngụy trang, trong lúc nước này đã bất chấp luật pháp quốc tế để đẩy mạnh yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Lực lượng dân binh này được tuyển chọn từ ngư dân, được huấn luyện quân sự và trang bị vũ khí, hoạt động dưới bình phong là nghề cá. Bắc Kinh sử dụng lực lượng này để thiết lập “vùng xám”, dưới sự yểm trợ của tàu hải cảnh, thực hiện hành vi quấy phá và gây hấn, trong đó có đâm chìm tàu các nước trong khu vực. Mục tiêu sâu xa của chiêu trò này là nhằm thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.