7 ngày tàu cá thả trôi trên biển
Ngày 4.10, UBND xã Tam Quang (H.Núi Thành, Quảng Nam) cho biết liên quan đến tàu cá cùng 12 ngư dân gặp nạn trên biển Hoàng Sa, sau khoảng 1 tuần thả trôi tự do trên biển, hiện tàu cá này đã được một tàu cá địa phương lai dắt về cập cảng Kỳ Hà (H.Núi Thành) an toàn vào lúc 22 giờ ngày 2.10.
|
Vừa trở về sau chuyến lai dắt tàu QNa - 90569 TS bị nạn tại Hoàng Sa, anh Nguyễn Thanh Thành (37 tuổi, ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, H.Núi Thành) chủ tàu cá QNa - 91636 TS cho biết tàu anh vừa xuất bến được hơn 10 ngày. Thời điểm tiếp nhận thông tin về một tàu cá gặp nạn trên biển, tàu anh đang hoạt động đánh bắt tại 16,05 độ vĩ Bắc – 122,06 độ kinh Đông.
“Khoảng 6 giờ ngày 31.9, tàu tôi mới tiếp cận được tàu anh Tín tại tọa độ 15,59 độ vĩ Bắc - 111,54 độ kinh Đông. Thời điểm gặp và tiến hành lai dắt tàu QNa - 90569 TS thì hầu hết các thuyền viên đều trong tình trạng mệt mỏi. Sau 2 ngày 2 đêm tiến hành lai dắt, tàu cập cảng Tam Quang vào lúc 22 giờ ngày 2.10”, anh Thành nói.
|
Cho tàu đậu ngoài cảng Kỳ Hà để chuẩn bị lên đà sửa trục láp, thuyền trưởng tàu cá QNa - 90569 TS, Phan Bá Tín (47 tuổi, ở thôn An Hải Tây, xã Tam Quang), cho biết tàu anh cùng 11 ngư dân đang hành nghề lưới. Tàu xuất bến vào ngày 23.9, tại Trạm Biên phòng An Hòa (H.Núi Thành), khi đang trên đường đi thì không may bị gãy trục láp vào khoảng 21 giờ ngày 25.9, tại tọa độ 15,34 độ vĩ Bắc - 111,51 độ kinh Đông (cách đảo Bạch Quy thuộc quần đảo Hoàng Sa, khoảng 30 hải lý). Do không thể khắc phục nên các ngư dân đành thả trôi tự do, rồi phát tín hiệu cầu cứu.
“Thời điểm tàu gặp nặn lúc đó gió tầm cấp 5, nếu gió giật lên cấp 6-7 thì rất nguy hiểm. Do thả trôi suốt 7 ngày liên nên tất cả anh em trên tàu ai cũng đều mệt mỏi và có chút lo lắng”, ông Tín nói.
Tàu Trung Quốc ép buộc ký giấy vi phạm chủ quyền
Theo ông Tín, thời điểm tàu gặp nạn và trả trôi gần đảo Bạch Quy, lúc này có xuất hiện một tàu Trung Quốc tiếp cận và nói nếu có yêu cầu thì họ sẽ lai dắt vào neo đậu tại khu vực đảo Bạch Quy cho an toàn. Tuy nhiên, theo quan sát thì khu vực tàu Trung Quốc lai dắt vào là rất cạn và thực chất khu vực này không hề an toàn như họ nói.
“Nếu tàu mà neo đậu tại khu vực như tàu Trung Quốc yêu cầu thì sẽ rất nguy hiểm, bởi neo đậu khu vực đó chỉ cần một cơn sóng đánh là tàu sẽ vỡ hết rồi sẽ chìm ngay nên chúng tôi không chấp nhận lời đề nghị từ họ”, ông Tín chia sẻ.
|
Cũng theo ông Tín, sau khi tàu kia bỏ đi thì có một tàu Trung Quốc khác tiếp tục đến và tiếp cận tàu đang bị nạn. “Chúng bước lên tàu, chúng bắt 12 ngư dân chúng tôi dồn về hết lên mũi tàu. Chúng yêu cầu đề máy để khám xét xem có phải hư hay không. Chưa dừng lại, chúng còn yêu cầu mở hết hầm lên để khám xét có cá hay không”, ông Tín nhớ lại.
"Sau khi, kiểm tra hết mọi thứ trên tàu thì chúng nói chúng tôi đánh bắt vi phạm chủ quyền vùng biển của Trung Quốc rồi bắt ép ký vào một tờ giấy với nội dung “đánh bắt vi phạm vùng biển của Trung Quốc”, nhưng trong khi đó chúng tôi đâu đánh bắt. Chúng tôi trả lời lại là tàu bị nạn nên thả trôi đến đây chứ không hề đánh bắt nhưng chúng vẫn ép buộc phải ký vào giấy đó nên đành chấp nhận. Trong khi đó, vùng biển tàu thả trôi vẫn thuộc quần đảo Hoàng Sa, vùng biển Việt Nam”, thuyền trưởng Phan Bá Tín nói.
Ngư dân Phạm Văn Kiên (55 tuổi, ở thôn An Hải Tây) người đi trên chuyến tàu gặp nạn trở về vẫn chưa hết bàng hoàng cho hay, thời điểm hai tàu Trung Quốc tiếp cận hầu hết ngư dân ai cũng lo sợ. Lo sợ rằng sẽ bị đánh đập cũng như cướp tài sản trên tàu.
|
“Trước đây tàu cá ở Quảng Nam cũng đã từng bị tàu Trung Quốc húc hư hỏng rồi cướp đi nhiều tài sản nên nghĩ đến việc đó ngư dân chúng tôi ai cũng rất bất an. Nhưng thay vì họ đánh đập, cướp tài sản như những tàu khác thì họ lại ép chúng tôi ký giấy đánh bắt vi phạm vùng biển của Trung Quốc”, ngư dân Kiên ngao ngán.
Như Thanh Niên đã thông tin ngày 29.9, Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã tiếp nhận thông tin tàu cá tỉnh Quảng Nam mang số hiệu QNa - 90569 TS với 12 lao động đã bị gãy trục láp, phải thả trôi trên biển.
Trong cuộc họp báo Bộ Ngoại giao mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: theo đề nghị của Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), trong ngày 29.9, phía Trung Quốc đã cử 1 tàu cứu nạn đến khu vực đảo Bạch Quy (thuộc quần đảo Hoàng Sa) để cứu nạn tàu cá QNa - 90569 TS bị gãy trục láp. Nhưng khi đến hiện trường, lực lượng cứu nạn Trung Quốc xác định sự cố tàu cá QNa - 90569 TS chỉ cứu hộ, không phải cứu nạn, đồng thời giới thiệu thông tin cơ quan cứu hộ và nếu thực hiện cứu hộ phải trả tiền theo thỏa thuận.
Bình luận (0)