Tàu vũ trụ này ngừng gửi dữ liệu có thể đọc được từ ngày 14.11.2023, dù những chuyên gia điều khiển ở mặt đất cho biết Voyager 1 vẫn có thể nhận lệnh từ họ.
Vào tháng 3, các nhóm làm việc tại Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA phát hiện rằng nguyên nhân do một con chip hoạt động sai, nên đã gửi một bản sửa lỗi mã hóa thông minh có thể hoạt động trong điều kiện hạn chế về bộ nhớ của hệ thống máy tính 46 tuổi.
“Tàu vũ trụ Voyager 1 đang gửi dữ liệu có thể sử dụng được về tình trạng của các hệ thống kỹ thuật trên tàu. Bước tiếp theo là làm cho tàu vũ trụ bắt đầu gửi dữ liệu khoa học”, theo NASA.
Được phóng lên vào năm 1977, Voyager 1 hiện là tàu vũ trụ xa trái đất nhất với khoảng cách khoảng 24 tỉ km. Đến năm 2012, nó trở thành tàu vũ trụ đầu tiên đi vào không gian liên sao.
Tàu vũ trụ khác của NASA là Voyager 2 đã đi hơn 20,3 tỉ km, sau khi rời hệ mặt trời vào năm 2018.
Tuổi thọ đặc biệt dài của chúng có nghĩa là 2 tàu vũ trụ đã cung cấp thêm những hiểu biết sâu sắc về hệ mặt trời và xa hơn sau khi đạt được mục tiêu ban đầu là bay ngang qua sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương và sao Hải Vương nhiều thập niên trước.
Cả hai tàu vũ trụ đều mang theo những đĩa đồng mạ vàng nhằm truyền tải câu chuyện về thế giới của chúng ta tới người ngoài hành tinh.
Chúng bao gồm bản đồ hệ mặt trời của chúng ta, một mảnh uranium đóng vai trò như một đồng hồ phóng xạ cho phép bên nhận biết ngày phóng tàu vũ trụ và các hướng dẫn mang tính biểu tượng truyền đạt cách phát bản ghi.
Nội dung được lựa chọn cho NASA bởi một ủy ban do nhà thiên văn học huyền thoại Carl Sagan chủ trì, bao gồm các hình ảnh được mã hóa về sự sống trên trái đất, cũng như âm nhạc và âm thanh.
Bình luận (0)