Cuộc chiến giành thị trường dầu mỏ châu Âu ngày càng nóng lên với sự xuất hiện của tàu chở dầu xuất khẩu đầu tiên của Mỹ trên bến cảng nước Pháp.
Ảnh: Reuters |
Tàu chở dầu trên rời cảng Texas từ ba tuần trước và cập bến cảng Fos của Pháp hôm 21.1.
Theo Russia Today, đây là chuyến tàu chở dầu đầu tiên của Mỹ cập bến châu Âu, sau khi nền kinh tế lớn nhất thế giới bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu tồn tại 40 năm qua. Đây là thời điểm quan trọng trong một ngành công nghiệp đang đối mặt với giá cả lao dốc và dư cung.
Hồi cuối tháng 12.2015, công ty Mỹ Enterprise Products Partners công bố hợp đồng xuất khẩu dầu mỏ của họ và trở thành nhà xuất khẩu dầu đầu tiên của nước Mỹ trong bốn thập niên trở lại đây. Phía mua dầu là hãng Vitol Group, vốn có ý định chuyển hàng đến nhà máy lọc tại Thụy Sĩ.
“Đợt giao đầu tiên này không đáng kể nhưng đây mới chỉ là khởi đầy. Xuất khẩu dầu của Mỹ cuối cùng sẽ đủ sức chuyển đổi ngành công nghiệp, mở ra cơ hội xuất khẩu cao hơn không chỉ dành cho dầu thô Mỹ mà còn cả dầu của Canada. Với các hãng buôn, đây là cơ hội lớn”, Olivier Jakob thuộc hãng tư vấn Petromatrix ở Thụy Sĩ nói trên tờ Financial Times.
Giá dầu đã giảm gần 75% trong 18 tháng qua vì Ả Rập Xê Út kiên quyết không cắt giảm sản lượng nhằm giữ thị phần. Năm 2015 đánh dấu sự cạnh tranh trong thị trường dầu mỏ châu Âu. Đại gia dầu khí Ả Rập Xê Út Saudi Aramco giảm mạnh giá cả và bắt đầu chuyển dầu đến Ba Lan – khách hàng truyền thống của dầu thô Nga.
Năm nay, việc Iran được dỡ bỏ lệnh trừng phạt tăng thêm một “người chơi” mới tại thị trường châu Âu. Tehran đang cố gắng lấy lại vị thế trong thị trường dầu mỏ sau 40 năm vắng bóng. Nước này cho biết sẽ thúc đẩy sản lượng và giảm giá dầu thô nặng đến rẻ hơn giá dầu của Ả Rập Xê Út cho các khách hàng châu Âu.
Châu Âu từng là thị trường quan trọng của Ả Rập Xê Út nhưng điều này đã dần giảm đi qua các năm. Năm 1986, 34% sản lượng dầu của Ả Rập Xê Út xuất khẩu đến Tây Âu. Lượng xuất khẩu trong năm 1990 giảm còn 18% và đến năm 2010 thì chỉ còn 10%.
Bình luận (0)